Chung một tình yêu

  • 08:02, 05/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với việc duy trì hình thức sinh hoạt đều đặn, Câu lạc bộ (CLB) đàn, hát dân ca Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh (Sở Văn hóa-Thể thao) đã sưu tầm, lưu giữ nhiều làn điệu dân ca trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nơi tập hợp những gương mặt xuất sắc trong phong trào văn hóa, văn nghệ của các địa phương, là “ngôi nhà chung” của những người đam mê với nghệ thuật truyền thống.
 
Anh Trần Quốc Toản (Phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh), Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB thành lập từ năm 2003 hoạt động rất hiệu quả nhưng bị gián đoạn một thời gian dài (do sự cố cháy Trung tâm Văn hóa tỉnh). Đến năm 2015, CLB được khôi phục và duy trì hoạt động cho đến nay. Ngoài những đợt triệu tập thành viên để tập luyện các chương trình biểu diễn phục vụ hội diễn, hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng…, CLB còn tổ chức sinh hoạt hàng tháng để các thành viên gặp gỡ, trao đổi về phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở và “hát cho nhau nghe”.
 
Hiện tại, CLB có 30 thành viên, độ tuổi trung bình từ 30-45 tuổi. Ngoài những người đang công tác tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh, CLB còn tập hợp nhiều gương mặt tiêu biểu trong phong trào văn hóa, văn nghệ ở TP. Đồng Hới và các địa phương khác trong tỉnh, nổi bật có những nghệ nhân dân gian hát ru Cảnh Dương (Quảng Trạch), hò khoan Lệ Thủy… Đáng chú ý, nhiều hạt nhân tiêu biểu của CLB có tuổi đời khá trẻ, thể hiện rất tốt các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên và dân ca Quảng Bình.
 CLB luôn duy trì hình thức tập luyện và tham gia các chương trình biểu diễn
Câu lạc bộ luôn duy trì hình thức tập luyện và tham gia các chương trình biểu diễn
Chị Đào Thị Thu Huế, thành viên lâu năm của CLB chia sẻ: "Say mê dân ca, nhạc cổ nên tôi đã tham gia sinh hoạt ở CLB để được gặp gỡ những người cùng sở thích, chia sẻ, học tập kinh nghiệm hát, biểu diễn nhằm thể hiện tốt các làn điệu dân ca của quê hương. Qua hình thức sinh hoạt CLB, chúng tôi có cơ hội thể hiện niềm đam mê của mình, góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống trong lòng người trẻ".
 
Mỗi thành viên trong CLB đều có chung nỗi trăn trở là những người yêu dân ca ngày càng “thưa”, nhất là giới trẻ. Vì vậy, CLB sẵn sàng tiếp nhận bất cứ ai có tâm huyết với văn hóa truyền thống vào sinh hoạt. Những người không biết nhiều về dân ca nhưng yêu thích dân ca muốn được học hỏi đều được các thành viên trong CLB sẵn sàng truyền dạy. Đặc biệt, một số thành viên trong CLB là nghệ nhân dân gian rất nhiệt tình tham gia hoạt động truyền dạy dân ca ở cơ sở.
 
Nhiều người là gương mặt chính trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật của tỉnh, các đơn vị, địa phương, như: Thu Huế, Hoài Nam, Thanh Oai, Quốc Toản, nghệ nhân Lê Thành Lộc… Ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, CLB còn tổ chức giao lưu biểu diễn với các CLB đàn, hát dân ca các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với những nghệ nhân dân gian.
 
CLB còn thành lập một nhóm hát ca trù gồm 8 thành viên, có cả ca nương, kép đàn, là những người được đào tạo bài bản tại các trường nghệ thuật chuyên nghiệp và đã được tham gia lớp tập huấn hát ca trù do nghệ nhân ngoài Bắc vào truyền dạy. Một số người thể hiện rất tốt nhiều làn điệu ca trù cổ. Nổi bật là ca nương Trương Thanh Oai (Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh), Chủ nhiệm CLB đàn, hát dân ca Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh từng đoạt giải nhất với tiết mục ca trù “Kể chuyện” tại một liên hoan ca trù toàn quốc; nhạc công Trần Quốc Toản sử dụng rất tốt các nhạc cụ dân tộc, nhất là đàn đáy, nhạc cụ không thể thiếu trong các chương trình biểu diễn ca trù...
CLB đàn, hát dân ca Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tại Liên hoan ca trù tỉnh Quảng Bình lần thứ V.
CLB đàn, hát dân ca Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tại Liên hoan ca trù tỉnh Quảng Bình lần thứ V.
Để tạo sân chơi cho những người có năng khiếu, đam mê nghệ thuật truyền thống, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho CLB hoạt động, đầu tư mua sắm trang phục, đạo cụ phục vụ biểu diễn. Với lợi thế nhiều thành viên công tác trong ngành văn hóa, thể thao, được đào tạo bài bản trong các trường chuyên nghiệp nên CLB đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật quần chúng có chất lượng và tích cực sưu tầm các làn điệu dân ca cổ để tập luyện, lưu giữ. Cùng với việc quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, định hướng hoạt động của CLB, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh còn quan tâm, tạo điều kiện để CLB thực hiện các nhiệm vụ, góp phần phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
 
Những năm qua, CLB đóng góp nhiều thành viên trong đội nghệ thuật quần chúng tỉnh tham gia và đoạt giải cao tại những hội thi, hội diễn khu vực và toàn quốc. Điển hình như tại hội diễn “Đàn, hát dân ca 3 miền" (2018), đoàn nghệ thuật tỉnh đoạt huy chương vàng; tại hội diễn “Câu hò nối những dòng sông” (2022) do Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch tổ chức, đoàn Quảng Bình đoạt huy chương bạc chương trình nghệ thuật “Mạch nguồn quê hương”… Nhiều chương trình, tiết mục đoạt giải cao để lại ấn tượng trong lòng người xem, như: “Miền Trung yêu thương”, “Hò thuốc biến tấu khúc”, “Hò khoan Lệ Thủy 9 mái”, “Phong Nha-Nhật Lệ tâm tình, “Âm vang giọng hò quê hương”, “Gìn giữ câu hát dân ca”…
 
“Xây dựng các chương trình ấn tượng, chú trọng làm mới cách thể hiện, biểu diễn dân ca nhằm phù hợp với thời đại và khán giả trẻ tuổi nhưng không làm mất đi đặc trưng của dân ca, nhạc cổ… là một trong những nhiệm vụ mà CLB đàn, hát dân ca Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, CLB tiếp tục quan tâm đến nhiệm vụ phát triển hội viên, nhất là những người trẻ, đam mê với nghệ thuật truyền thống nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống hiện đại”, anh Trần Quốc Toản cho biết thêm.

 Nh.V

tin liên quan

Vinh danh các nghệ nhân lĩnh văn hóa phi vật thể
Vinh danh các nghệ nhân lĩnh văn hóa phi vật thể

(QBĐT) - Ngày 5/2, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh và Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Bình tổ chức lễ trao bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam và kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian" cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn, phát huy các loại hình dân ca, dân vũ của địa phương. 

Nhìn lại và ước mong
Nhìn lại và ước mong

(QBĐT) - Thời khắc sắp cận kề đón Tết, tôi thường hay nghĩ về những điều đã qua và mong ước về những điều sắp tới...

Hình tượng rồng trong hội họa hiện đại
Hình tượng rồng trong hội họa hiện đại

(QBĐT) - Rồng là một hình tượng mỹ thuật mang biểu tượng văn hóa, lịch sử gắn liền với từng thời đại, từng quốc gia. Trên khắp thế giới đều có những quan niệm riêng về rồng, do đó hình tượng rồng rất phong phú trong văn hóa loài người nói chung.