![]() |
Toàn ngành đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa dân gian, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy VHPVT tại các thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi và khai thác giá trị lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy) để xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch… Nhờ đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đồng bào DTTS, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Toàn tỉnh có thêm 12 CLB văn hóa, nghệ thuật được thành lập mới. Hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở diễn ra sôi nổi, tiêu biểu là chuỗi các hoạt động VH-TT đặc sắc trong Tuần VH-TT-DL và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa, Tuần Văn hóa-Du lịch TP. Đồng Hới, lễ hội trên sông Son (Bố Trạch)…
Đến nay, đã có 7/8 huyện, thị xã, thành phố ban hành nghị quyết về phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa-khu thể thao (NVH-KTT) thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn, có 82 NVH-KTT đang triển khai xây dựng mới, 6 NVH-KTT được sửa chữa, nâng tổng số thôn, bản, tổ dân phố hiện có NVH-KTT toàn tỉnh lên 1.095/1.123, đạt tỷ lệ 97,5%; trong đó có gần 545 công trình, NVH-KTT đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT-DL. Việc quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá tốt, góp phần tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Theo Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Thị Bích Thủy: Năm 2024, ngành VH-TT tập trung triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng vào dịp kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh. Một số hoạt động khác sẽ được tổ chức, như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh tỉnh Quảng Bình lần thứ VII; tham gia hoạt động ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam và tham gia hội diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc tổ chức tại Phú Yên…
|
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh có 114 xã đạt tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, chiếm tỷ lệ 89%, 119 xã đạt tiêu chí 16 (tỷ lệ thôn, bản đạt chuẩn văn hóa) chiếm tỷ lệ 92% và có 11 xã đăng ký đạt NTM kiểu mẫu.
Đặc biệt, ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Bình được tổ chức hàng năm trở thành dịp sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động, như: Biểu diễn, trình diễn văn nghệ dân gian, trang phục truyền thống, nghi thức sinh hoạt các dân tộc và thi đấu các môn thể thao dân tộc, trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương… đã tôn vinh, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu, các môn thể thao truyền thống của người dân các vùng, miền trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất.
![]() |
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết: Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, Sở VH-TT đã tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa. Tiêu biểu là tổ chức thành công hội thi "Gia đình hạnh phúc-Quốc gia thịnh vượng"; gặp mặt, biểu dương, khen thưởng các gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh lần thứ I; tổ chức lễ phát động mô hình kiểu mẫu "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền"…
Từ việc thực thiện các nội dung phong trào đã góp phần lan tỏa những thông điệp, câu chuyện ý nghĩa về tình yêu thương trong gia đình và cộng đồng xã hội, tôn vinh các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập...