![]() |
Đến nơi mới biết ông Thoan đã ra Quảng Trạch. Sau 2 ngày đuổi theo đến ngày thứ ba thì gặp được ông Thoan trên eo ngựa ở Thùng Thùng (Bố Trạch). Ông Thoan đặt xắc-cốt lên đầu gối viết: “Để có thực tiễn trong chiến tranh, giáo viên được hoàn chỉnh nơi đào tạo, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định hai trường sư phạm không ra sơ tán Đông Triều nữa. Ngày 15/12/1967, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan”.
Ngày 12/12/1967, chú Nguyễn Lự đến đặt vấn đề với bố tôi cho mượn hội trường để bà Nguyễn Thị Định, Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam nói chuyện với toàn trường và cán bộ cốt cán của 3 xã: Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch. Đi trong đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan với 2 chiến sĩ công an. Bà nói cuộc tiến công với ba mũi giáp công làm cho kẻ địch ngày càng khốn đốn. Bố tôi cũng thay mặt Đảng ủy nhà trường báo cáo tình hình dạy và học của thầy và trò, không những bảo đảm 100% số giáo sinh tốt nghiệp mà còn phục vụ binh trạm cho những chuyến hàng ra tiền tuyến.
Cuối năm 1967, ta áp giải tù binh trong Nam ra theo đường giao liên. Đánh hơi được, giặc Mỹ ném bom bắn phá làng Cây Lim. Ngày 5/1/1968, chúng bắn rốc-két, thả bom sát thương, bom bi xuống nơi trường đóng. Thầy giáo Phạm Ngọc Phú, em trai của Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đang cuốc đám đất tăng gia ở gần nhà thì bị trúng bom. Bố tôi ôm thi thể thầy Phú đặt lên chiếc giường của mình. Vợ của thầy Phú là cô Đặng Thị Lệ Hồng sinh con mới được ba ngày.
Cô Hồng bảo: “Thầy Thanh ơi, anh Phú nhà em có bị sao không?”. Bố tôi nói thầy Phú chỉ bị thương thôi rồi khuyên cô phải bình tĩnh ngay cả khi trường hợp xấu nhất xảy ra. Chiều tối, bố tôi cho hai giáo sinh dìu cô Hồng đến gặp mặt chồng lần cuối. Cô Hồng khóc như mưa. Trong lễ tang thầy Phú, bố tôi thay mặt Đảng ủy nhà trường đọc điếu văn. Bố tố cáo đế quốc Mỹ âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài. Chúng đã giết người con miền Nam chưa một lần được về thăm quê hương xứ sở. Đọc đến đây giọng bố tôi chùng xuống, xúc động nghẹn ngào. Những cán bộ, giáo viên người miền Nam òa lên khóc nức nở.
Đến năm 1970, cả 5 trường trong tỉnh sáp nhập lại thành Trường sư phạm Quảng Bình, do thầy Nguyễn Đình Nguyên làm hiệu trưởng. Năm 1971, trường thành lập 1 tiểu đoàn hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Bố tôi thay mặt Đảng ủy trực tiếp giao quân cho Bộ Chỉ huy tiền phương. Bố tôi gặp lại người chỉ huy cũ, bác Đồng Sỹ Nguyên ở xã Hiền Ninh. Bác Nguyên là người đã từng giác ngộ bố tôi đi theo cách mạng ở Trường tiểu học Thọ Linh năm xưa.
Nhà trường mở tiếp hệ đào tạo sư phạm (10+3). Ngày mồng 4 Tết Nguyên đán năm 1972, bố tôi với thầy Phạm Quang Quy, Trưởng ty Giáo dục Quảng Bình ra Thủ đô Hà Nội họp theo tinh thần thay giáo trình giảng dạy của hệ sư phạm (10+3). Sau bốn ngày chuẩn bị, tại số nhà 194 Trần Quang Khải, bố tôi đã báo cáo tình hình dạy và học của ngành Giáo dục Quảng Bình. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và trưởng ty giáo dục các tỉnh miền Bắc đều đến dự để nghe kinh nghiệm dạy và học trong tuyến lửa.
Đất nước thống nhất. Bố tôi làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Trường sư phạm (10+3), rồi Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Bình đến năm 1989 mới về hưu. Ông khuyên con cháu nên theo học ngành sư phạm hoặc ngành Y. Ông nói nghề dạy học là nghề trồng người, còn nghề Y là nghề cứu người. Ba anh em chúng tôi theo nghề dạy học của bố.
Con cái chúng tôi đều là thầy giáo và thầy thuốc. Năm nào đi dự hội nghị cựu giáo chức, ông cũng phát biểu ngợi ca sự nghiệp trồng người. Ngày 20/11/2018, ông kể nhiều kỷ niệm về mái trường sư phạm thân yêu qua các thời kỳ. Đây là lần cuối cùng ông phát biểu trong lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Một tuần sau đó thì ông mất do tắc nghẽn động mạch vành, thọ 86 tuổi.
Sau khi ông mất 2 ngày, Hội Người cao tuổi TX. Ba Đồn mang về cho ông một bằng khen, giải thưởng cuộc thi thơ do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Bài dự thi “Hành khúc người đưa đò”của ông đạt giải. Tôi thắp hương đặt bằng khen lên bàn thờ. Biết mình đạt giải thưởng cuộc thi thơ chắc bố tôi vui lắm.