![]() |
Lúc đó, Quảng Bình vừa trải qua cơn bão số 10-một cơn bão mạnh, gây thiệt hại nặng nề trên khắp địa bàn tỉnh. Trong hơn 10 ngày liền, Báo Quảng Bình thực hiện song song 2 nhiệm vụ lớn: Tuyên truyền đậm nét về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và công tác khắc phục hậu quả bão lụt của các địa phương trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo đã nỗ lực khắc phục khó khăn để đưa tin nhanh, thông tin đậm nhất về Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Báo Quảng Bình trở thành một trong những nguồn tin chính thống, tin cậy và kịp thời cho đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế về sự kiện này.
Nhà báo Trần Minh Văn thời điểm ấy phụ trách Phòng báo Điện tử. Anh chia sẻ: “Lúc này, Báo Quảng Bình điện tử vừa mới đi vào hoạt động nên trang thiết bị, nhân lực còn thiếu thốn, nhưng với tình cảm sâu nặng đối với Đại tướng, đội ngũ phóng viên đã phối hợp rất nhịp nhàng với tòa soạn để những hình ảnh về lễ tang được cập nhật đầy đủ, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Và, đây là lần đầu tiên, Báo Quảng Bình điện tử tường thuật trực tiếp mà sự kiện lại là lễ tang Đại tướng, do vậy tập thể phòng rất lo vì “quá sức”. Tuy nhiên, được sự động viên của Ban Biên tập, cùng với nghiên cứu kỹ lộ trình, kế hoạch đưa linh cữu Đại tướng về quê nhà, đặc biệt hình ảnh của phóng viên gửi về từ hiện trường, nên buổi tường thuật trực tiếp diễn ra kịp thời và chính xác. Đó cũng là nén hương lòng mà đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo kính dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi Đại tướng trở về thanh thản trong vòng tay của đất mẹ Quảng Bình”.
|
“Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Biên tập Báo Quảng Bình họp triển khai, xây dựng kế hoạch, đề cương các số báo đặc biệt và chuyên trang về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên các số báo từ ngày Đại tướng mất cho đến lúc đưa tiễn Đại tướng về với đất mẹ”, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Bình Cao Trường Sơn cho biết. |
Tại điểm sân bay, do nhiệm vụ cấp bách nhưng không thể di chuyển bằng các phương tiện nào khác, phóng viên Thanh Hoa đã phải cầm thẻ nhớ, USB của phóng viên Ngọc Mai, Thanh Long chạy bộ một quãng đường để tìm cách về tòa soạn. Tại điểm Quảng Đông, các phóng viên phải trèo lên sân thượng của nhà dân để có sóng 3G truyền tin, ảnh. Do tính chất công việc cần lực lượng đông nên Ban Biên tập đã huy động cả đội ngũ phóng viên vừa mới tuyển dụng. Họ tuy chưa dày dạn kinh nghiệm nhưng trẻ trung, nhanh nhẹn, giàu nhiệt huyết và đặc biệt là rất đoàn kết, trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ được phân công.
![]() |
Ghi lại những ngày bàng hoàng, đau thương nhưng cũng rất nồng ấm tình người, với những người trẻ như chúng tôi, lần đầu tiên được chứng kiến, được sống trong không khí mà cả dân tộc xích lại gần bên nhau, ai cũng đối đãi với nhau bằng sự trìu mến, chia sẻ, yêu thương là kỷ niệm không dễ gì có được trong đời.
10 năm trôi qua, mỗi phóng viên, biên tập viên Báo Quảng Bình lại trải qua nhiều sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh nhưng kỷ niệm về lần tác nghiệp đặc biệt đó vẫn luôn như mới. Lúc bấy giờ, không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ được Ban Biên tập phân công, công việc thực hiện đều có sự thôi thúc từ trong chính tình cảm những người làm báo Đảng dành cho vị tướng huyền thoại, người con ưu tú của quê hương “Hai giỏi”.
Nhà báo Ngọc Mai chia sẻ: “Tác nghiệp tại lễ tang Đại tướng, trong niềm tiếc thương vô hạn thì đó cũng chính là những khoảnh khắc không thể nào quên trong đời mình. Chứng kiến tình cảm của mọi người dành cho Đại tướng, thấy càng tin yêu và tự hào. Một con người mà đến phút ra đi vẫn tạo nên những điều vô cùng tốt đẹp, đã khơi nguồn cảm xúc chân thành để những tin tức, bài viết trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết”.
Trần Hương Lê