(QBĐT) - Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Tả cảnh thu, cảm nhận về mùa thu thì nhiều người đã viết, viết rất hay, nhưng thời khắc chuyển từ hạ sang thu, tả thật đúng thật hay, cảm nhận thật đầy đủ thì có lẽ không mấy ai hơn nhà thơ Hữu Thỉnh.
Sang thu có thể coi là một viên ngọc quý trong kho tàng thơ ca Việt Nam. Bài thơ mở đầu rất tự nhiên và kết thúc cũng rất tự nhiên, bất ngờ! Có cảm tưởng tác giả không hề dụng công nghệ thuật gì cả mặc dù rất “điệu”, rất nghệ thuật. Nó ra đời như một lẽ tự nhiên bằng độ chín cần thiết của cảm xúc và tư duy như trái chín cây vậy!
Ai cũng biết: Từ cuối hạ sang thu đất trời có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Sự biến chuyển này được Hữu Thỉnh gợi lên bằng cảm nhận tinh tế qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm. Bắt đầu từ một thứ hương thơm đặc trưng, quyến rũ, thường trực sự khát thèm trong mỗi chúng ta nhờ khứu giác là “hương ổi”:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”
Tiếp đến, bằng thị giác, nhà thơ nhìn thấy cảnh sắc giao mùa thật là sinh động. Sương thì:
“Sương chùng chình qua ngõ”.
Sông thì:
“Sông được lúc dềnh dàng”.
Chim thì:
“Chim bắt đầu vội vã”.
Và mây:
“Vắt nửa mình sang thu”.
Và nắng:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng”.
Rồi mưa:
“Đã vơi dần cơn mưa”.
Sấm:
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”.
Ở đây ta thấy sự vận động của gió, sương, dòng sông, mây, cánh chim… được miêu tả rất sát với thực tế; từ dùng chắt lọc, đắt, chuẩn xác và gợi cảm; nhiều từ sáng tạo, như: Phả vào, chùng chình, dềnh dàng… được đặt rất đúng chỗ. Tất cả những hình ảnh ấy giúp người đọc thấy rõ từng chi tiết khung cảnh thiên nhiên từ hạ chuyển sang thu, không lẫn với bất cứ thời điểm giao mùa nào khác trong năm.
Nhà thơ thổi vào mây hồn mình, nhân hóa lên, tạo thành hình tượng độc đáo “Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu”. Bằng khả năng cảm nhận tinh tế của thính giác, nhà thơ phát hiện ra “Sấm cũng bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi”. Hiện tượng sấm trong thiên nhiên theo nghĩa đen với việc tả thực thì không có gì lạ, song tính ẩn dụ ở đây với ý nghĩa sấm là những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời với con người (cây đứng tuổi) đã từng trải thì không thể nói là không lạ; có khi còn gợi được liên tưởng mới và đặc biệt nữa!
Bài thơ làm theo thể thơ 5 chữ, chỉ có 3 khổ, với số lượng từ không nhiều nhưng rất cô đọng, đặc tả được cảnh giao mùa giữa mùa hạ và thu (hạ sắp qua và thu đang đến). Cái tài của Hữu Thỉnh là chớp được tất cả biến thiên của vũ trụ trong một khoảnh khắc ngắn, rất hiếm hoi! Thơ này như cổ nhân nói là “thơ trời cho”. Không phải ai cũng làm được!
Lý Hoài Xuân