(QBĐT) - Như một định mệnh, theo các quan niệm cũ, cuộc đời của người phụ nữ luôn gắn chặt với người đàn ông, phải chịu phận số là kẻ phụ thuộc, kẻ thụ động, chịu nhiều thiệt thòi. Để rồi, hành trình giành lại vị thế đã mất, xác lập, khẳng định bản sắc, bản ngã, đấu tranh vì quyền bình đẳng giới của họ liên tục diễn ra. Tuy nhiên, phải đến sau năm 1986 thì ý thức phái tính, vấn đề nữ quyền trong văn học mới bộc lộ, phát triển và tạo thành dòng chảy. Dòng chảy này đã xét lại, đánh giá lại và minh định chủ thể viết tự do, ngang bằng với các cây bút nam giới. Bởi, câu chuyện của nữ giới không chỉ là câu chuyện của nữ giới mà hơn cả, nó là câu chuyện rất nhân văn của con người.
Nói đến văn hóa người Việt là nói đến cái nôi của nền văn minh lúa nước. Đó là nơi thể hiện sự kết hợp, gắn bó mật thiết giữa người với đất. Người Việt thờ sinh thực khí bằng cách lấy các sự vật hiện tượng có trong tự nhiên làm biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực. Các biểu tượng âm dương, trời đất, nước non, vuông tròn… đều nảy sinh từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, thể hiện khát vọng, ước muốn duy trì, phát triển giống nòi. Xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước mà tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đồng hành, lan tỏa.
Bởi, nguyên lý tính Mẫu bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẹ)-người mang nặng đẻ đau, ôm ấp, sinh dưỡng con cái. Trong văn học, nguyên lý tính Mẫu được mở rộng, trở thành cổ mẫu Mẹ, là “cõi ẩn náu vĩ đại của loài người”, thể hiện “tổng thể những khả năng chứa ẩn trong một trạng thái sinh tồn nhất định” [Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới; tr.587]. Song hành với gốc rễ văn hóa dân tộc mà ý thức phái tính, âm hưởng nữ quyền dần dần được xác lập.
Những câu ca dao về người phụ nữ xưa là giá trị tinh thần to lớn của kho tàng văn học dân gian, mở đầu cho ý thức về thân phận và manh nha mầm mống của sự phản kháng: “Bắc thang lên hỏi trăng già,/Phải chăng phận gái mưa sa giữa trời./May ra gặp được giếng khơi/Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn./Chẳng may số phận gian nan,/Lầm than phải chịu phàn nàn cùng ai”; “Không chồng mà chửa mới ngoan,/Có chồng mà chửa thế gian đã thường”;…
Ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, lối tư duy của kẻ mạnh, kẻ thống trị xuất phát từ tư tưởng của Khổng Tử, của Nho giáo cùng với việc soán ngôi, áp đảo của diễn ngôn nam quyền đã đẩy người phụ nữ rơi vào tột cùng nỗi đau của kẻ bị tước đoạt/đánh cắp hạnh phúc, bị bóc lột, bị trói buộc bằng sợi dây “tam tòng tứ đức”. Khi chế độ phong kiến bộc lộ những dấu hiệu khủng hoảng và suy yếu, tác phẩm của Nguyễn Dữ, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn đã cất lời tâm sự, nói hộ nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Lẽ đời, nỗi đau bất công bị đẩy đến kiệt cùng, như một phản xạ, nó sẽ tự bật dậy, vươn về phía trước, khao khát kiếm tìm sự tự do, bình đẳng. Hồ Xuân Hương được xem là người phụ nữ đầu tiên không chấp nhận những định kiến, đã tự vượt rào, cởi trói mình bằng những áng thơ táo bạo, đầy nỗi niềm. Tuy thơ bà chỉ là tiếng nói cá nhân, đơn lẻ, không đủ sức tước bỏ những hủ tục, luật lệ hà khắc nhưng đã thể hiện sự phản kháng, vùng vẫy, đại diện cho ước mơ và khát khao hạnh phúc của người phụ nữ giai đoạn này.
![]() |
Những năm đầu thế kỉ XX, quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa Đông-Tây đã giúp người phụ nữ dần dần khẳng định được vị trí, tham dự vào đời sống văn hóa xã hội, nhất là đời sống văn chương, như: Sương Nguyệt Anh, Manh Manh nữ sĩ, Đạm Phương nữ sĩ, Phan Thị Bạch Vân, Anh Thơ, Ngân Giang, Mộng Tuyết,… Tuy nhiên, tiếng nói nữ quyền giai đoạn này vẫn còn mờ nhạt.
Sang giai đoạn 1945-1975, âm điệu chính là tiếng nói hào hùng, vì sự nghiệp dân tộc nên hình tượng người phụ nữ chủ yếu là đại diện cho vẻ đẹp bất khuất của thời chiến, có thể thấy rõ trong tác phẩm của Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trung Thành, Tố Hữu,… Lúc này, sự xuất hiện của những cây bút nữ, như: Xuân Quỳnh, Anh Thơ, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Vũ Thị Thường, Ngân Giang, Dương Thị Xuân Quý, Phan Thị Thanh Nhàn… đã tạo nên bầu không khí sôi động cho văn chương nước nhà. Trong đó, Xuân Quỳnh được xem là cây bút giàu tính nữ, thể hiện mạnh mẽ ý thức phái tính.
Đối với văn học đô thị miền Nam, những sáng tác của các cây bút nữ, như: Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Vinh, Trùng Dương… đã mở đường cho sự xuất hiện văn chương nữ với những cảm hứng táo bạo, đầy chất hiện sinh, song những giới hạn từ phía chủ quan lẫn khách quan khiến họ dù có nổi loạn đến mấy vẫn chịu ánh nhìn nghi ngại, khó có sự cảm thông. Nói như Nguyễn Thị Thụy Vũ: “Người đàn bà cầm bút thật gian nan”. Như vậy, văn chương của các nhà văn nữ đã vén màn cho người đọc thấy được những nỗi niềm, ưu tư, khao khát đầy chủ động, nổi loạn của họ cũng như khẳng định tiếng nói ngang bằng với văn chương của các nhà văn nam.
Sau năm 1986, văn học có sự biến chuyển rõ rệt, đã cởi trói những khuôn khổ, xoáy sâu vào nhu cầu, khát vọng, quyền, thân phận của con người. Các nhà văn nữ tự do, thoải mái bộc lộ con người cá nhân của mình với những nỗi niềm, khao khát thể hiện tình yêu, hạnh phúc, qua những trang văn đậm tính nữ. Nhiều nhà văn, nhà thơ nữ, như: Trần Thùy Mai, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, Lý Lan, Dạ Ngân, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Thuận, Di Li, Nguyễn Ngọc Tư, Tống Ngọc Hân, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên… đã không ngừng khai thác, thể hiện tiếng nói bản ngã trong những sáng tác của mình, minh chứng giá trị sống và giá trị viết, hình thành nên dòng chảy nữ quyền mới mẻ, sung sức.
Chính sự đồng cảm, thấu hiểu về giới khiến những trang viết về nữ của họ như được chắp thêm năng lượng, tinh tế, sâu sắc và trọn vẹn hơn, điều mà nhiều cây bút nam khó chạm đến. Những sáng tác của họ đã thể hiện tiếng nói tự tin, bản lĩnh, minh chứng sự bình đẳng, ngang hàng với sáng tác của nam giới. Vì vậy, có thể nói, chỉ từ sau năm 1986, cái tôi bị vùi dập trong quá khứ mới được vẫy vùng, vượt khỏi hệ lụy văn hóa truyền thống, hướng đến một cuộc sống mới, một vị thế mới.
Văn học nữ giới Việt Nam ngày một khởi sắc. Mỗi cây bút nữ đều ý thức xác lập một lối viết riêng, độc đáo, sinh động. Trong thời điểm nào, các cây bút nữ cũng phải ý thức giải phóng mình ra khỏi những mặc định cố hữu, giải thoát những mặc định thiên tính nữ. Chừng nào người nữ còn băn khoăn, suy nghĩ về bình đẳng giới thì họ vẫn chưa dứt được tiếng nói thứ yếu, lệ thuộc. Bởi lẽ, viết trong vai trò chủ thể, là con người, chứ không phải viết trong vị thế là “bản mặt nữ giới”. Có như vậy, người nữ mới tìm được sự tự do đích thực trong sáng tạo lẫn đời sống.
Hoàng Thụy Anh