(QBĐT) - Thời gian qua, các văn nghệ sĩ thuộc Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã có nhiều ca khúc làm lay động lòng người về những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc và cựu chiến binh, thương binh vẫn giữ tinh thần người lính trong thời bình.
"Người lính trở về"
Đó là tên một tác phẩm âm nhạc nhưng cũng là một phần câu chuyện của chính bản thân cựu thanh niên xung phong (TNXP), thương binh Phan Văn Chữ, hội viên Phân hội Âm nhạc, Hội VHNT tỉnh.
Kể cho tôi nghe về một thời tuổi trẻ nơi chiến trường đầy "mưa bom, bão đạn", ông Phan Văn Chữ (79 tuổi) sống tại phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) nhiều lần rưng rưng nước mắt. Hình ảnh những đồng đội đã hy sinh, những người lính mang trên mình đầy thương tích và kỷ niệm của một thời đã qua như trở về nguyên vẹn trong ông.
Bằng chất giọng trầm trầm ông kể: Quãng thời gian khó khăn, đáng nhớ và nhiều kỷ niệm nhất trong ông là những tháng ngày tham gia lực lượng TNXP tại mặt trận B5 Quảng Trị. Hàng ngày, đối diện với hiểm nguy, chuyện sống chết chỉ trong gang tấc nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ, TNXP ngày ấy luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. “Bước ra khỏi cuộc chiến tàn khốc, nhiều người trở về với cuộc sống đời thường khi đã gửi lại chiến trường một phần cơ thể. Họ sống bình dị giữa quê hương và luôn phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ trong công cuộc xây dựng đời sống mới. Đó là chất xúc tác để tôi viết nên ca khúc "Người lính trở về"", ông Phan Văn Chữ trải lòng.
Cựu thanh niên xung phong Phan Văn Chữ (bên phải) và nhạc sĩ Nguyễn Văn Bổng (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình) thường trao đổi chia sẻ với nhau về ca khúc mới.
Điều đặc biệt ở thương binh Phan Văn Chữ là ông không hề học một trường lớp nào về âm nhạc nhưng đến nay đã có trong tay trên 300 ca khúc và tự soạn nhạc trên máy tính. Từng là cán bộ trong ngành Giáo dục, có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều giáo viên, học sinh, ông luôn trăn trở khi chứng kiến cuộc sống, điều kiện làm việc khó khăn của các cô giáo vùng cao. Từ đó, ca khúc "Cô giáo vùng cao" ra đời mang về cho ông giải khuyến khích quốc gia cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành Giáo dục. Thành công này tiếp thêm động lực để ông say sưa tự học, tự nghiên cứu, sáng tác.
Bên cạnh những ca khúc về đề tài thiếu nhi, quê hương đất nước, ông viết nhiều ca khúc về đề tài thương binh liệt sỹ (TBLS). Ở mảng đề tài này, ông viết bằng cả trái tim, sự xúc động và những ký ức của tháng ngày "đi không dấu, nấu không khói", đối diện với hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ nơi chiến trường ác liệt.
Nếu như ở ca khúc "Về ngã ba Đồng Lộc" (phỏng thơ Lê Ngọc Huân), "Về thăm Thành Cổ” (thơ Hoàng Đạn)... có giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm, thiết tha thì ở ca khúc "Vết thương lòng" (thơ Nguyễn Chí Hiếu) lại chứa đựng nỗi day dứt trong từng ca từ, giai điệu khi tái hiện hình ảnh những cô gái TNXP “thức cùng đêm với con đường không ngủ” ngày ấy trở về với đời thường gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Họ mong ước được làm mẹ, khát khao được ru con nhưng không thể bởi nỗi đau do chiến tranh để lại…
Trong một lần trò chuyện với bác sĩ Lê Văn Thuần (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới), ông xúc động đến rơi nước mắt khi xem một tấm ảnh về người mẹ ôm chặt bức ảnh của con cùng bài thơ "Nói với ảnh con" do bác sĩ Thuần sáng tác. Thế là ca khúc cùng tên ra đời. Sự gặp gỡ của hai tâm hồn đồng điệu đã tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa thơ và nhạc mang đến cho người nghe dòng cảm xúc mạnh mẽ. Những ca từ, như: “Đêm sâu thẳm ngoài trời se lạnh/Mẹ nói hoài con chỉ lặng im… Trăng khuya nghiêng xuống đầu non/Chỉ nghe mẹ nói với con một mình…” như một bức tranh buồn nói lên sự hy sinh, mất mát không gì sánh nổi của một người mẹ.
Với thương binh Phan Văn Chữ, mỗi ca khúc đều là tiếng lòng, là sự biết ơn đối với những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, đặc biệt là những người mẹ, người vợ, có chồng, con ngã xuống trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc.
Như một lời tri ân
Nếu cựu TNXP Phan Văn Chữ sáng tác âm nhạc về đề tài TBLS bằng những trải nghiệm thực tế, bằng niềm thương, nỗi nhớ đồng đội xưa, chiến trường cũ... thì nhạc sĩ Lê Đức Trí (công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh), Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình lại viết bằng sự tri ân của thế hệ sau đối với sự hy sinh xương máu của cha ông vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Nhạc sĩ quân hàm xanh Lê Đức Trí viết rất nhiều về đề tài người lính. Tên anh gắn liền với những ca khúc, như: “Mưa chiều biên giới”, “Gió biên thùy”, “Chào lính tân binh”, “Hoa bàng vuông”... Bên cạnh những tác phẩm tái hiện cuộc sống và những đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của người lính, anh còn có những ca khúc tạo nên "khoảng lặng" trong lòng người nghe. Một trong những tác phẩm của anh về đề tài TBLS phải kể đến "Dòng sông tình mẹ", ca khúc được tặng giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư và đoạt giải A liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền Trung. Ca khúc có giai điệu ngọt ngào, tha thiết, chở nặng nỗi đau của người mẹ mất con bởi chiến tranh: “Chiến tranh đã qua, các anh ở đâu, sao không về với mẹ. Để mẹ ôm ấp, vỗ về như hồi còn bé...”.
"Viết về đề tài TBLS, tôi cũng như các văn nghệ sĩ khác đều muốn bày tỏ sự tri ân đến các anh hùng liệt sỹ, những gia đình chính sách, người có công với cách mạng... Và tôi tin rằng khi viết bằng trái tim sẽ chạm đến trái tim”, nhạc sĩ Lê Đức Trí tâm sự.
Và mới đây nhất, ca khúc "Lèn Hà, bản hùng ca bất tử" của anh, phỏng thơ Ngô Văn Sơn đoạt giải B giải thưởng âm nhạc năm 2022 (Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng). Nhạc sĩ Lê Đức Trí chia sẻ: "Trong một lần đi thực tế tìm hiểu thông tin để làm phóng sự về sự hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Trạm thông tin A69 tại hang Lèn Hà (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa), tôi tình cờ đọc được bài thơ "Nhớ về em, cô gái Lèn Hà" của Trung tướng Ngô Văn Sơn (nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Quốc phòng). Hôm đó mưa rất to, tôi vừa đến Khu di tích lịch sử quốc gia hang Lèn Hà thì đoàn anh Ngô Văn Sơn vừa tặng bức tranh có bài thơ gắn lên tường ở phòng lưu niệm. Tôi đọc rất kỹ từng câu thơ trong sự bồi hồi xúc động... Trở về đơn vị, những câu chuyện cảm động về sự hy sinh của các liệt sỹ cứ vương vấn trong tâm trí, thôi thúc tôi cầm bút để rồi phóng sự và cả những nốt nhạc bật lên ngay trong đêm, tôi gửi luôn cho anh Sơn. Hai anh em trao đổi thống nhất với nhau một số nội dung rồi chuyển đến Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc và được lựa chọn là một trong những ca khúc đặc biệt để các đơn vị luyện tập biểu diễn phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền".
Ca khúc có giai điệu sâu lắng thể hiện lòng thành kính, tri ân các liệt sỹ, tạo cảm xúc mạnh mẽ với người nghe. Mở đầu ca khúc là câu chuyện về những chiến sĩ Trạm thông tin A69 “hồn nhiên trong trắng” với hành trang mang theo đi đánh giặc ngoài dây, máy thông tin… còn có cả “chùm bồ kết”, “búp bê, gương, lược”… Ca từ đẹp, trong sáng, hình ảnh giản đơn nhưng lại làm nao lòng người nghe: “Tuổi 16 em về với đất mẹ… Lèn Hà ôm em người con bất khuất/Bia đá khắc tên em hóa thành bất tử…”.
Điểm chung giữa các ca khúc về đề tài TBLS là giai điệu trầm lắng, tha thiết. Mỗi ca từ đều chứa đựng lòng thành kính, biết ơn, ngưỡng vọng, là sự tri ân đối với thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc.
Những tác phẩm âm nhạc của tác giả Phan Văn Chữ, nhạc sĩ Lê Đức Trí chỉ là nét chấm phá đối với đề tài TBLS trong bức tranh chung của VHNT Quảng Bình. Sự ra đời của những "bài ca không quên" ấy đã khơi dậy trong lòng người nghe niềm tự hào dân tộc và ý thức sâu sắc hơn về giá trị của cuộc sống bình yên. Từ đó, thắp lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng và tiếp tục lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
(QBĐT) - Hoạt động có hiệu quả, những năm qua, Câu lạc bộ (CLB) dân ca Cảnh Dương đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển làn điệu hát ru, hò chèo cạn của quê hương.