Sôi nổi lễ hội cầu ngư của làng biển Cảnh Dương

  • 12:02, 05/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 2 năm bị cắt giảm giảm quy mô do dịch Covid-19, sáng 5/2 (tức ngày 15 tháng giêng), lễ hội cầu ngư truyền thống ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) đã tổ chức sôi nổi với đầy đủ phần lễ và phần hội. 
 
Tham dự lễ cầu ngư và ra quân quân đánh bắt hải sản năm 20223 của xã Cảnh Dương có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; huyện Quảng Trạch cùng đông đảo người dân và du khách.
Rước ảnh Bác Hồ trong lễ hội cầu ngư ở làng biển Cảnh Dương.
Rước ảnh Bác Hồ trong lễ hội cầu ngư ở làng biển Cảnh Dương.
Là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, lễ hội cầu ngư truyền thống được xã Cảnh Dương tổ chức hàng năm với quy mô lớn, đồng thời để phát động ra quân khởi đánh bắt hải sản mở đầu cho một mùa biển mới.
 
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng sớm ngày 5/2, trong tiết trời mùa xuân, đông đảo ngư dân và du khách thập phương đã tập trung về xã Cảnh Dương để tham gia lễ hội cầu ngư. Sau 2 năm bị cắt giảm quy mô do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ hội năm nay diễn ra trong không khí linh thiêng của phần lễ và vui nhộn, sôi nổi của phần hội.
Rước kiệu Thần Hoàng từ Đình thờ Tổ về Linh Ngư Miếu.
Rước kiệu Thần Hoàng từ đình thờ Tổ về Linh Ngư miếu.
Lễ hội cầu ngư truyền thống của làng biển Cảnh Dương bắt đầu bằng lễ xin rước Thần hoàng về dự lễ cầu ngư tại đình thờ Tổ; tiếp đó rước kiệu Thần hoàng từ đình thờ Tổ về Linh Ngư miếu, nơi thờ 2 bộ xương cá voi khổng lồ mà người dân thường gọi là cá Ông và cá Bà để làm lễ cầu ngư. 
 
Ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương cho biết, theo tục truyền, vào năm 1806 Đức Bà và năm 1818 Đức Ông vào tại làng biển Cảnh Dương được bà con ngư dân chôn cất, thờ phụng và lưu truyền đến nay. Ngư dân quan niệm cá voi là loài cá đã nhiều lần trợ giúp để tàu thuyền của họ không bị chìm trong gió bão.
Nghi thức tế Thần Ngư trong lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương.
Nghi thức tế Thần Ngư trong lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương.
Trong lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương, phần nghi lễ quan trọng nhất là dâng hương và đọc văn tế Thần Ngư. Một vị cao niên có uy tín nhất được dân làng cử lên. Bài văn tế thể hiện sự biết ơn việc che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà đối với ngư dân trong những chuyến đi biển, cũng như lời nguyện cầu mong muốn về một mùa biển yên bình, bội thu. Kết thúc phần lễ là phần hội với màn múa hát dân ca và biểu diễn “múa bông chèo cạn” đặc sắc. 
 
Theo Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương Trần Trung Thành, cầu ngư ở Cảnh Dương là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng biển, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng. Đây cũng là dịp đẩy mạnh tuyên truyền, động viên ngư dân tích cực sản xuất, khai thác hải sản, phát triển kinh tế biển. 
Đông đảo ngư dân và du khách tham dự lễ hội.
Đông đảo ngư dân và du khách tham dự lễ hội.
Tại buổi lễ, Liên đoàn Lao động tỉnh; huyện Quảng Trạch và Đồn Biên phòng Roòn trao tặng cho các ngư dân, chủ tàu hàng trăm lá cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ để động viên tinh thần hăng hái vươn khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Cảnh Dương là làng biển nổi tiếng của tỉnh, có đội tàu cá với hơn 650 chiếc, trong đó, có hơn 350 tàu cá tham gia đánh bắt ở vùng xa bờ. Đời sống ngư dân trong những năm gần đây được nâng cao nhờ nghề biển được phát huy. Trong năm 2022, sản lượng đánh bắt hải sản của xã Cảnh Dương đạt 4.260/3.750 tấn, đạt 113,6% kế hoạch. 
 
Gần đây, làng biển giàu truyền thống này còn được biết tới nhiều hơn bởi làng có bức tranh bích họa đẹp mắt, có phong cảnh đẹp. Cảnh Dương đang từng bước được xây dựng thành làng văn hóa, du lịch vùng biển của tỉnh Quảng Bình.
 
Một số hình ảnh tại lễ hội cầu ngư của làng biển Cảnh Dương:
Phan Phương

tin liên quan

Khai hội di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc năm 2023
Khai hội di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc năm 2023

(QBĐT) - Ngày 5/2 (nhằm ngày 15 tháng giêng năm Quý Mão), UBND huyện Lệ Thủy phối hợp với Ban Trụ trì chùa Hoằng Phúc tổ chức khai hội di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc năm 2023.

Đồng Hới và những bài thơ đẹp
Đồng Hới và những bài thơ đẹp

(QBĐT) - Đồng Hới là thành phố đẹp, là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào đối với văn nghệ sĩ Quảng Bình. 

Tác giả trẻ văn học nghệ thuật Quảng Bình: Kế thừa và phát triển
Tác giả trẻ văn học nghệ thuật Quảng Bình: Kế thừa và phát triển

(QBĐT) - Tác giả trẻ là lực lượng quan trọng trong các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật hiện nay của Quảng Bình.