(QBĐT) - Cuối năm 1991, tròn 80 tuổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức nghỉ việc trên chính trường. Mùa xuân năm sau, năm 1992, ông về thăm quê 21 ngày, làm việc với cấp ủy, chính quyền tỉnh và các huyện, thị, nói chuyện với cán bộ, nhân dân các địa phương. Người Quảng Bình đón Đại tướng về thăm quê có lẽ cũng ít ai để ý, ông xa quê đến lúc ấy là gần tròn 70 năm.
Năm 14 tuổi, cậu học sinh Võ Giáp rời làng vào Huế học Trường Quốc học, rồi tham gia các phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên, giác ngộ cách mạng, được gặp Bác Hồ và ngày càng đảm nhận những trọng trách lớn của quốc gia trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc và chiến tranh vệ quốc…, nghĩa là ngót 7 thập niên. Vậy nhưng, về quê, Đại tướng vẫn nói giọng Quảng Bình, không hề pha tạp. Đó là một hiện tượng!
Nhớ một bài thơ cổ, có câu: "Thiếu tiểu ly gia đại lão hồi/Hương âm bất cải mấn mao tồi…" (Ra đi từ ngày thơ bé, già lão mới quay về mà giọng quê không đổi).
"Hương âm bất cải!" Đó là sự bền vững của văn hóa làng, văn hóa vùng đất được lưu giữ một cách tự nhiên, không khiên cưỡng, trong một vĩ nhân. Đại tướng có thể diễn thuyết bằng tiếng Pháp, biết ít nhiều tiếng Nga, tiếng Trung, có thể giao tiếp tiếng Anh, nói được tiếng một vài dân tộc thiể́u số ở phía Bắc.
Nhưng về quê, ông nói bằng tiếng Quảng Bình… chuẩn hóa. Tuyệt nhiên không chêm vào bất kỳ một từ nào ngoại lai, kể cả khi phải tìm từ thay thế cho một thuật ngữ khu biệt nào đó của quốc tế ngữ.
Nhưng, cũng thấy một điều, Đại tướng không sử dụng vốn từ cổ trong phương ngữ, tỷ như “mô tê răng rứa”, cũng không phát âm nặng tính địa phương đến mức khó nghe như bà con vẫn quen sử dụng ở làng, ở quê. Những năm học ở một trường danh tiếng như Trường Quốc học, tiếp xúc với bạn học sinh, sinh viên các đô thị lớn, giảng dạy lịch sử ở Trường Thăng Long (Hà Nội), quan hệ với khách quốc tế…, nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp có thể nói “mô tê răng rứa” được chăng?! Có thể phát âm giọng địa phương mà cuối mỗi câu đều vóng lên như… tiếng chim (“Quych thiệt”-thơ Nguyễn Du) được chăng?! Một cách hồn nhiên, từng giờ, từng ngày, giọng nói của Đại tướng từ thửa thiếu niên, thanh niên, tráng niên dần được chuẩn hóa để có thể ra mệnh lệnh rõ ràng cho cấp dưới trong các trận đánh, giản dị, chân tình tiếp xúc với dân ở các địa phương, phát âm tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh không bị chệch âm, méo giọng… rất không đơn giản. Nhưng, Đại tướng đã thành công… rất tự nhiên!
Cho đến bây giờ, Đại tướng đã đi xa gần một thập niên, chưa nhiều người thấy được, ngoài những giá trị để lại về đức độ, tài năng, có một bài học giản dị cho tất cả mọi người là “tiếng quê hương”, không lai tạp nhưng không bảo thủ. Ai cũng nên học, để khi ra với vùng đất khác có thể giao tiếp bình thường, về làng lại vẫn chan hòa, ấm áp mà không vụng về, thô thiển.
Ngôn ngữ là hiện tượng đặc biệt của văn hóa. Ngôn ngữ mở lòng đón nhận sự hội nhập và làm mới mình để tiến tới sự phổ quát. Đại tướng đã đi đầu trong cộng đồng người Quảng Bình trên lộ trình mang bản sắc vùng miền đi ra biển lớn, rồi đưa văn minh bốn hướng về lại quê nhà.
Phải chăng ông đã thành công trong khái niệm “hương âm bất cải!”, để một chiều cuối xuân năm 1992, trên đỉnh Hoành Sơn, nơi thước đất cuối cùng của quê hương, sắp trở ra chốn kinh kỳ, Đại tướng đã thốt lên trước ống kính máy quay bằng một giọng miền Trung, giọng Quảng Bình chuẩn hóa: "Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi… về nhà!"
Tương Huyền