Gìn giữ và phát triển nghệ thuật ca trù: Vẫn còn lắm khó khăn

  • 09:07, 24/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không giống như các loại hình dân ca truyền thống khác, ca trù là loại hình nghệ thuật rất “kén” người nghe. Sau 11 năm ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, loại hình nghệ thuật này tuy đã có những bước phát triển, song vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác gìn giữ và phát triển.
 
Ca trù được phục hồi và phát triển
 
Theo các tài liệu nghiên cứu, ca trù du nhập vào Quảng Bình khoảng 300 năm trước, chủ yếu do những nghệ nhân, nông dân từ miền Bắc vào khai khẩn đất hoang, lập nghiệp ở nơi đây. Chính vì vậy, ca trù Quảng Bình mang đặc trưng của ca trù miền Bắc, chỉ khác ở chỗ nếu các tỉnh phách sinh là phách nằm thì ở Quảng Bình phách sinh là phách đứng, các diễn viên lắc phách bằng gân cổ tay rất điêu luyện và âm thanh rền vang. Ca trù có 3 lối hát chính đó là hát cửa đình, hát chơi và hát thi. Ở tỉnh ta, hiện nay, các lối hát chơi, hát thi còn rất ít, chỉ lối hát cửa đình tồn tại khá phổ biến với hơn 20 làn điệu.
 Sở Văn hóa và Thể thao tổ liên hoan các CLB ca trù toàn tỉnh nhằm khích lệ các nghệ nhân vượt lên khó khăn, tiếp tục gìn giữ nghệ thuật ca trù.
Sở Văn hóa và Thể thao tổ liên hoan các CLB ca trù toàn tỉnh nhằm khích lệ các nghệ nhân vượt lên khó khăn, tiếp tục gìn giữ nghệ thuật ca trù.
Những năm gần đây, ca trù đã được chính quyền, cơ quan, ban, ngành liên quan cùng với người dân quan tâm phục hồi và phát triển. Tại các địa phương, nhiều câu lạc bộ (CLB) ca trù đã lần lượt được thành lập, là nơi tập luyện, sưu tầm, truyền dạy những làn điệu ca trù đặc sắc cho lớp trẻ.
 
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 9 CLB, nhóm ca trù với trên 100 thành viên. Các CLB ca trù ra đời đã góp phần khôi phục, bảo tồn nghệ thuật âm nhạc truyền thống có giá trị của dân tộc. Bên cạnh đó, mỗi CLB, mỗi nhóm sinh hoạt ca trù khác nhau góp phần tăng thêm tính bản địa, bản sắc trong ca trù Quảng Bình và làm phong phú, đa dạng cho ca trù cả nước.
 
CLB ca trù Đông Dương (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch) là một trong những CLB văn nghệ dân gian ra đời sớm của tỉnh, từ năm 1999. Các nghệ nhân gạo cội của làng như ông Lê Tấn Đạt, nghệ nhân đàn đáy Hồ Xuân Thể và các nghệ nhân là đào hát như Dương Thị Điểm, Phạm Thị Sửu… đã trở thành những gương mặt quen thuộc của người yêu văn nghệ dân gian ở huyện Quảng Trạch và nhiều địa phương khác.
 
Điều đáng mừng là các nghệ nhân đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ. Khởi đầu là truyền dạy cho chính con, cháu của họ và tất cả những ai có chung niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống của quê hương. Họ chính là những người tiếp lửa đam mê cho ca trù tỉnh ta phát triển và đứng vững hiện nay.
 
Hoặc như CLB ca trù Quảng Phong (Ba Đồn). Năm 2001, chỉ vì yêu thích loại hình nghệ thuật này mà ông Nguyễn Cư (một cán bộ lão thành cách mạng xã Quảng Phong) cùng với một số người có chung niềm đam mê ca trù đã thành lập nên CLB ca trù Quảng Phong. Các thành viên trong CLB cùng nhau luyện tập, họ còn sang tận CLB ca trù xã Quảng Trung, CLB ca trù Đông Dương để học hỏi những làn điệu hay, câu hát mới để làm phong phú thêm nội dung những làn điệu ca trù của CLB.
 
Đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã khuyến khích Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình thành lập nhóm ca trù. Đến nay, đoàn cũng đã có một nhóm biểu diễn tốt với 3 ca nương và 1 kép đàn. Do hoạt động chuyên nghiệp nên việc tiếp thu nội dung về ca trù khá nhanh, họ có chất giọng tốt kèm với vũ đạo, cách biểu diễn hay… nên các tiết mục ca trù hấp dẫn, dễ đi vào lòng người.
 
Trong Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 tại Hà Tĩnh, ca nương Trương Thị Thanh Oai đã giành giải A cá nhân. Việc thành lập nhóm ca trù của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình góp phần không nhỏ trong duy trì và phát triển ca trù ở tỉnh ta.
 
Vẫn còn lắm khó khăn
 
Đam mê gìn giữ ca trù là thế nhưng các CLB ca trù trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Bà Phạm Thị Sửu, Chủ nhiệm CLB ca trù Đông Dương cho biết: So với loại hình nghệ thuật khác, ca trù là một thể loại nghệ thuật vừa kén chọn nghệ nhân, vừa kén chọn khán giả, đặc biệt là giới trẻ nên việc tìm người kế cận để tiếp nối, gìn giữ ca trù là rất khó.
 
Thời gian qua, CLB ca trù Đông Dương cũng đã tập luyện cho các giáo viên trường mầm non trên địa bàn nhưng không có ai hát được nên bỏ cuộc. Bên cạnh đó, những nghệ nhân lớp cũ đều đang ở độ tuổi quá cao, nhiều người trong số họ không đủ sức khỏe để hát hoặc truyền dạy nữa.
   Hiện, ở tỉnh ta còn rất ít nghệ nhân như ông Hồ Xuân Thể có thể trình diễn thành thục kỹ thuật đàn, hát ca trù.
Hiện, ở tỉnh ta còn rất ít nghệ nhân như ông Hồ Xuân Thể có thể trình diễn thành thục kỹ thuật đàn, hát ca trù.
Không những vậy, những người theo đuổi nghệ thuật ca trù hiện nay vẫn phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Năm 2007, CLB ca trù Đông Dương đã truyền dạy được 1 lớp trẻ (20 em học sinh) về ca trù, các em đã hát thành thục, đi biểu diễn nhiều nơi, nhưng hiện nay, vì cuộc sống mưu sinh, những em được truyền dạy đều đi làm ăn xa, đi học, lấy chồng… nên không còn hoạt động trong CLB.
 
Một khó khăn nữa cũng cần phải nhắc đến là kinh phí hoạt động tập luyện biểu diễn, giao lưu của CLB… Được biết, kinh phí hoạt động của các CLB chủ yếu do các hội viên đóng góp nên thật khó để trang trải chi phí và khuyến khích động viên họ tiếp nối, gìn giữ ca trù.
 
Theo ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thời gian qua, sở cũng đã có nhiều hoạt động nhằm duy trì và phát triển ca trù Quảng Bình. Cụ thể, sở đã tổ chức nhiều cuộc liên hoan các CLB ca trù toàn tỉnh nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá kết quả công tác bảo tồn nghệ thuật ca trù trong những năm qua, đồng thời, khích lệ các nghệ nhân vượt lên khó khăn, thách thức tiếp tục học hỏi, nắm bắt và trình diễn loại hình nghệ thuật độc đáo này.
 
Bên cạnh đó, hàng năm, sở cũng đã tổ chức các buổi tập huấn, mời nghệ nhân ca trù có uy tín ở Hà Nội về truyền dạy cho các thành viên CLB ca trù trong tỉnh, đồng thời, hỗ trợ các CLB về trang phục, nhạc cụ biểu diễn…
 
Công việc khẩn cấp hiện nay để duy trì và phát triển ca trù là phải làm sao quan tâm đúng mức đến đội ngũ nghệ nhân ca trù cao tuổi để qua họ truyền dạy lại cho thế hệ kế tiếp. Muốn làm được điều này cần phải có sự ủng hộ và quan tâm của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn trong việc thống nhất chủ trương phục hồi và đầu tư bảo tồn. Bên cạnh đó, phải tạo được đất diễn cho ca trù.
 
Truyền nghề có công phu đến đâu, học hành có bài bản đến đâu, nếu không có không gian, không có đất diễn, không có “sân chơi” để thể hiện thì nghệ thuật ca trù vẫn không đến được với công chúng, hệ quả tất yếu là ca trù rồi sẽ bị lãng quên và mai một dần giống như nó đã từng bị lãng quên trong quá khứ.
 
Thanh Hoa
 

tin liên quan

Giai điệu tự hào tháng 7 - Ngày mai bắt đầu từ hôm nay
Giai điệu tự hào tháng 7 - Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

Giai điệu tự hào tháng 7 được thực hiện nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Hoàng Vân (24-7-1930 - 24-7-2020), giới thiệu đến công chúng một góc nhìn mới mẻ về một huyền thoại âm nhạc của Việt Nam.

Giới thiệu tủ sách giáo dục truyền thống nhân ngày 27-7
Giới thiệu tủ sách giáo dục truyền thống nhân ngày 27-7

Rất nhiều tác phẩm được ấn hành từ khi thành lập đến nay đã được NXB Kim Đồng đưa vào Tủ sách giáo dục truyền thống, và giới thiệu tới bạn đọc nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.

Thay đổi thời gian tổ chức Festival Huế năm 2020
Thay đổi thời gian tổ chức Festival Huế năm 2020

Tối 21-7, Trung tâm Festival Huế cho biết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ vừa chủ trì cuộc họp của Ban tổ chức Festival Huế 2020 và quyết định thay đổi thời gian tổ chức sự kiện văn hóa này.