(QBĐT) - Di tích lịch sử, văn hóa (DTLSVH) là "bảo tàng sống" gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Vì vậy, để các DTLSVH trên địa bàn ngày càng phát huy giá trị, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng công tác bảo tồn, trùng tu và đạt được một số kết quả nhất định.
Theo thống kê của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 126 di tích, trong đó có 53 di tích xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt, 73 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Mỗi DTLSVH là một bảo tàng sống động có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ. Vì vậy, những năm qua, công tác gìn giữ, bảo tồn các giá trị DTLSVH trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành và địa phương quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
UBND tỉnh đã chỉ đạo, phê duyệt nhiều văn bản quan trọng làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh, trong đó, chú trọng công tác bảo tồn DTLSVH.
![]() |
Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di tích, trên cơ sở đó, lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đối với từng di tích, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Theo đó, năm 2019, toàn tỉnh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo 9 di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh như: di tích Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559, các công trình Thái Bảo đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, lăng mộ Nguyễn Hàm Ninh, trận tập kích chợ Chè, đình Hòa Ninh… với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng năm 2020, kế hoạch nguồn kinh phí để trùng tu, chống xuống cấp cho các di tích lịch sử ước tính trên 3 tỷ đồng cho các công trình: Bộ Tư lệnh 559, lăng mộ Võ Xuân Cẩn, lăng Quan Hữu, miếu Lòi Am, nhà lao Đồng Hới, chứng tích tội ác chiến tranh thôn Hòa Luật Nam…
Cụm di tích lăng Quan Hữu, miếu Lòi Am nằm ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy là nơi các cán bộ, đảng viên trong xã hội họp, gặp gỡ, bàn bạc đưa ra nhiều chủ trương lãnh đạo, nhiều định hướng hoạt động liên quan đến việc lãnh đạo phong trào cách mạng xã Tân Thủy và các vùng lân cận khác trong kháng chiến chống Pháp. Đây còn là nơi trú ẩn của các cán bộ cách mạng, các đảng viên nhằm tránh sự truy lùng, vây bắt của thực dân Pháp.
Lăng Quan Hữu, miếu Lòi Am được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh năm 2015. Được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, nên cụm di tích lịch sử lăng Quan Hữu, miếu Lòi Am hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống tường bao quanh các cụm di tích đều đã nứt nẻ, bong tróc, rêu mốc loang lổ. Riêng ở miếu Lòi Am, khu vực tường bao quanh đã không còn.
Để chống xuống cấp di tích, vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 426/QĐ-UBND. Mục tiêu của dự án là bảo tồn, chống xuống cấp những giá trị di tích lịch sử để đáp ứng điều kiện sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và môi trường sinh hoạt của nhân dân địa phương, tổng mức đầu tư trên 500 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết: Để phát huy giá trị DTLSVH tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, tỉnh đã chú trọng, quan tâm tới công tác bảo quản, tu bổ và chống xuống cấp di tích. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh có hạn, khó có thể trải đều tất cả các di tích. Vì vậy, việc xã hội hóa để bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích là cần thiết. Theo đó, các cấp, các ngành tập trung huy động các nguồn lực thực hiện. Trong đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của việc bảo tồn di tích được đẩy mạnh.
Một trong những di tích được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa là chùa Hoằng Phúc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Chùa Hoằng Phúc xưa có tên là chùa Kính Thiên, có bề dày lịch sử trên 700 năm. Nơi đây không chỉ thờ phụng Đức Phật mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương, đất nước, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của cư dân địa phương. Trong chiến tranh, chùa Hoằng Phúc từng là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, chùa đã bị bom đạn đánh phá hư hỏng.
Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã xếp hạng và công nhận chùa Hoằng Phúc là di tích lịch sử cấp tỉnh. Công trình phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc được khởi công từ năm 2014, với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó, nhà tài trợ chính là BIDV. Ngôi chùa mới được trùng tu, tôn tạo đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh của người dân địa phương. Qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Di tích là nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, do vậy, việc trùng tu, tôn tạo các DTLSVH là việc làm cần thiết thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay. Việc làm này đòi hỏi phải huy động được nguồn lực toàn xã hội chung tay thực hiện.
Phạm Hà