Những bức tranh "truyền lửa"

  • 08:04, 19/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn nửa thế kỷ trước, những bức tranh cổ động đã trở thành niềm động viên tinh thần to lớn cho lớp lớp đoàn quân ra trận. Chiến tranh lùi xa, dòng tranh cổ động lại trở thành nguồn hứng khởi, mang sứ mệnh “truyền lửa” trong những giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc, những sự kiện kinh tế-xã hội của quê hương.
 
   Họa sỹ Lê Thuận Long chọn cho mình lối đi riêng với dòng tranh cổ động.
Họa sỹ Lê Thuận Long chọn cho mình lối đi riêng với dòng tranh cổ động.
Với họa sỹ Lê Anh Tân (Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình), dẫu những bức tranh cổ động ông từng vẽ đã cũ mòn nhưng câu chuyện về dòng tranh đặc biệt này luôn làm ông hứng khởi. Bởi như ông bảo, đằng sau những nét vẽ đã phủ bụi thời gian ấy là biết bao câu chuyện, bao ký ức sục sôi của một thời trai trẻ với phẩm màu, với cọ vẽ. Nhìn vào những tác phẩm của mình, ông như sống dậy cả một mảng màu ký ức mà ở đó, bao tinh thần, nhiệt huyết đều truyền lên trên mỗi nét vẽ. Vậy nên, có những bức tranh có tuổi đời hàng chục năm nhưng khi nhìn vào, ông vẫn ngỡ như mới hôm qua.
 
Theo họa sỹ, tranh cổ động ở Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng đã có những năm tháng vàng son đáng tự hào. Những năm chống Mỹ, các bức tranh với những nét vẽ mộc mạc ấy có sứ mệnh như lời hiệu triệu lớp lớp thanh niên xông pha ra trận. Mỹ thuật Việt Nam, nhất là dòng tranh cổ động ghi nhận sự đóng góp của nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng, có giá trị cho đến mãi hôm nay.
 
Bức tranh cổ động nổi tiếng “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của hai họa sỹ Nguyễn Thụ và Huy Oánh đã khẳng định vị trí vững chắc trong giới mỹ thuật cũng như trong lòng công chúng bao năm qua. “Mỹ thuật Quảng Bình, rồi Bình Trị Thiên cũng đã có những năm tháng rực rỡ với nhiều tác phẩm cổ động mang tính chiến đấu cao, cổ vũ tinh thần của quân và dân trong những năm chống Mỹ, rồi cả những năm tháng xây dựng XHCN. Đến hôm nay, có những tác phẩm mà hễ cứ nhắc đến giai đoạn phát triển đó, là hiển nhiên, người ta lại nhớ đến tác giả, họa sỹ đó.”, họa sỹ Lê Anh Tân nhớ lại.
 
Ra đời từ năm 1978, tác phẩm “Nhanh chóng cải tạo mặt bằng để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp” của ông đã đạt giải A cuộc thi vẽ tranh cổ động về “Tiết kiệm xây dựng quê hương giàu đẹp” do tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức. Đến năm 1980, Lê Anh Tân lại tiếp tục nhận được giải thưởng quốc tế với tác phẩm “Không được sản xuất bom”. Với ông, đó không chỉ là niềm vui khi bước chân theo nghiệp họa sỹ mà còn là duyên nợ để ông gắn bó với dòng tranh đặc biệt này cho đến hôm nay.
 
Cùng với một số tên tuổi họa sỹ, tác giả sáng tác tranh cổ động khác như Nguyễn Quang Hiếu, Văn Đắc…, họa sỹ Lê Anh Tân đã góp phần làm nên dấu ấn đậm nét cho mỹ thuật Quảng Bình những năm sau ngày tái lập tỉnh. Những bức tranh cổ động khi ấy đã cổ vũ nhân dân Quảng Bình quyết tâm xây dựng lại quê hương từ trong chính những khó khăn, vất vả. Hơn 30 năm, tranh cổ động Quảng Bình có lúc sôi nổi, có khi trầm lắng nhưng vẫn luôn đồng hành với sự đi lên của quê hương trong những thời khắc quan trọng, những sự kiện kinh tế-chính trị-xã hội đặc biệt. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, những tác giả của dòng tranh cổ động vẫn cứ miệt mài trên con đường sáng tạo nghệ thuật, dù con đường đó chưa bao giờ bằng phẳng.
  Tác phẩm chào mừng Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của họa sỹ Lê Anh Tân.
Tác phẩm chào mừng Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của họa sỹ Lê Anh Tân.

Khi phần đa các tác giả trẻ đều đi theo dòng sáng tác mang hơi thở đương đại, khuynh hướng sáng tạo mới thì họa sỹ Lê Thuận Long lại táo bạo chọn cho mình một con đường khác. Anh quyết định “ngược đường” để thử sức mình với dòng tranh cổ động. Long bảo, anh không hiểu vì sao mình lại có đam mê đặc biệt với dòng tranh này, nhất là ở thời điểm nó được đánh giá là lỗi thời, mờ nhạt so với những tấm pano, áp phích rực rỡ sắc màu. Nhưng nếu biết chọn cho mình lối đi, phong cách sáng tác riêng, tranh cổ động vẫn có một chỗ đứng vững bền, nhất là trong những sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước. 

 
Dòng tranh này đòi hỏi người sáng tạo vừa am hiểu về sự kiện đó, vừa thể hiện được cái nhìn tỉ mỉ đến từng chi tiết của người họa sỹ, đồng thời phải thanh thoát và phóng khoáng trong cấu trúc của hình và nét. “Với mục đích tuyên truyền, cổ động hoặc quảng cáo nên tranh cổ động có đặc điểm phải tập trung, khái quát được hình tượng nghệ thuật cụ thể. Bên cạnh đó, thông tin đem lại cho người xem thông qua phần chữ và phần ảnh đều vô cùng rõ ràng dễ hiểu, dễ nhớ. Nhưng cái khó của người cầm vẽ là phải làm sao để mỗi tác phẩm tranh cổ động phải mang tính thời sự nhưng không tách rời tính nghệ thuật.”, anh Long chia sẻ thêm.
 
Trong những ngày miệt mài bước trên con đường riêng, Lê Thuận Long đã gặt hái nhiều giải thưởng tại các cuộc thi sáng tác tranh cổ động. Sau những lấp lánh của giải thưởng và những lời chúc tụng, niềm vui lớn lao nhất của người họa sỹ sáng tác dòng tranh này là tác phẩm của mình được trưng bày, sử dụng trong công tác tuyên truyền, “truyền lửa” cho người xem. Như con ong cần mẫn, anh Long miệt mài tham gia vào các cuộc thi rồi gặt hái thành công từ những sân chơi ấy.
 
Tháng 3-2020, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã gửi thư mời các họa sỹ có kinh nghiệm tham gia sáng tác tranh cổ động có nội dung tuyên truyền để phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ trong vòng 5 ngày phát động, đã có 103 tranh cổ động về phòng, chống dịch Covid-19 của 23 họa sỹ gửi về Cục Văn hóa cơ sở, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác. Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 14 tranh có chất lượng để tuyên truyền, trong đó có tác phẩm của họa sỹ Lê Thuận Long.
 
Anh bảo rằng, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bản thân luôn tự nhủ phải thể hiện tác phẩm bằng những hình ảnh gần gũi nhưng phải truyền đi những thông điệp mạnh mẽ nhất, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Cùng với các tác giả khác, bức tranh của anh đã được các địa phương sử dụng trong hoạt động thông tin lưu động, treo trên đường phố, trong các sự kiện… phòng, chống dịch Covid-19.
 
Họa sỹ vẫn miệt mài sáng tác. Tác phẩm vẫn trở thành phương tiện tuyên truyền sinh động trong các sự kiện của quê hương, đất nước. Nhưng không tránh khỏi những khó khăn chung của mỹ thuật Việt Nam, tranh cổ động ở Quảng Bình bắt đầu có dấu hiệu trầm lắng. Như chia sẻ của họa sỹ Lê Anh Tân: “Họa sỹ già thì đã quá tuổi, người trẻ thì không mấy mặn mà dù sức mạnh của dòng tranh này trong việc truyền cảm hứng, kết nối sức mạnh cộng đồng là điều không thể phủ nhận”.
 
Diệu Hương
 

tin liên quan

Giới thiệu chùm tác phẩm đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ
Giới thiệu chùm tác phẩm đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ

Các tác phẩm mỹ thuật được Bảo tàng giới thiệu dịp này thuộc nhiều chất liệu, thuộc nhiều mảng đề tài khác nhau nhưng đều xoay quanh cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Chiều sông Loan
Chiều sông Loan

(QBĐT) - Góc ảnh đẹp

Nghe nhạc trực tuyến cùng nghệ sỹ Việt ủng hộ đẩy lùi COVID-19
Nghe nhạc trực tuyến cùng nghệ sỹ Việt ủng hộ đẩy lùi COVID-19

Chỉ sau vài phút phát động, cuộc vận động "Cùng NhacCuaTui đẩy lùi COVID-19 đã quyên góp được hơn 215 triệu đồng.