(QBĐT) - Chúng tôi gặp nhạc sỹ Lê Đức Trí (công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình), Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Quảng Bình khi anh đang tất bật với công việc của những ngày cuối năm. Tạm gác lại việc chuẩn bị chu đáo cho chương trình “Xuân biên giới” và sắp sửa trình làng tác phẩm âm nhạc mới mang âm hưởng ca trù với tên gọi “Phong Nha”, Lê Đức Trí trải lòng về những trăn trở trong lao động sáng tác âm nhạc. Anh khẳng định: "Thế hệ chúng tôi chưa thể theo kịp bậc cha, chú của mình."
PV: Quê hương, con người Quảng Bình luôn là mạch nguồn cảm hứng để các nhạc sỹ, những người sáng tác âm nhạc trên địa bàn tỉnh sáng tạo nên nhiều tác phẩm âm nhạc. Và chắc chắn rằng, các thế hệ nhạc sỹ trong Chi hội Nhạc sỹ Quảng Bình không đứng ngoài mảng đề tài trên, thưa nhạc sỹ?
Nhạc sỹ Lê Đức Trí: Lực lượng sáng tác âm nhạc tại Chi hội Nhạc sỹ Quảng Bình có thể tạm chia làm hai thế hệ. Thế hệ những nhạc sỹ mà tên tuổi của họ đã được khẳng định trong sự nghiệp lao động nghệ thuật như: Quách Mộng Lân, Hoàng Sông Hương, Dương Viết Chiến. Thế hệ thứ hai gồm các nhạc sỹ: Dương Nguyệt Ánh, Lê Đức Trí, Nguyễn Ngọc Tân, Quách Sỹ Dũng, Hữu Thọ… Và khi nói về âm nhạc Quảng Bình không thể không kể tới những đóng góp tích cực của bộ ba nhạc sỹ: Quách Mộng Lân, Hoàng Sông Hương, Dương Viết Chiến.
Gia tài âm nhạc của các nhạc sỹ là hàng loạt ca khúc viết về quê hương Quảng Bình được giới chuyên môn đánh giá cao và công chúng yêu nhạc đón nhận. Đó là các tác phẩm: “Đẹp sao 5 gái quê ta”, “Dòng sông em yêu”, “Quảng Bình cất cánh”, “Đồng Hới và em”… (Quách Mộng Lân), “Tâm tình với sông Gianh”, “Huyền thoại trăng Nhật Lệ”, “Nàng tiên Mỹ Cảnh”, “Phố biển tình anh”, “Chuyện tình Phong Nha”… (Hoàng Sông Hương), “Tình sông Nhật Lệ”, “Đồng Hới hoa hồng”, “Ngược chiều sơn cước” (Dương Viết Chiến)... Đặc biệt, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương đã được tặng giải thưởng Nhà nước vào năm 2016. Với hàng trăm ca khúc viết về quê hương, các nhạc sỹ đã góp phần quan trọng trong việc phát huy, gìn giữ các giá trị truyền thống của âm nhạc Quảng Bình qua thời gian.
![]() |
Tiếp nối thế hệ gạo cội, các nghệ sỹ thuộc thế hệ thứ hai đã khẳng định tên tuổi của mình qua một số ca khúc hay như: “Vũ điệu Phong Nha”, “Nơi tôi tìm về”, “Quảng Bình quê em” (Dương Nguyệt Ánh); “Về Quảng Bình đi anh” (Ngọc Tân)... Các nhạc sỹ Lê Đức Trí, Hữu Thọ… cũng tạo được dấu ấn trong lòng khán giả qua nhiều ca khúc, chương trình biểu diễn mang âm hưởng thời đại, đóng góp tích cực cho sự phát triển của âm nhạc tỉnh nhà.
PV: Không ít công chúng yêu nhạc cho rằng, chúng ta đang thiếu những ca khúc đi cùng năm tháng, ví dụ như “Tình ta biển bạc đồng xanh” (Hoàng Sông Hương) chẳng hạn. Nhạc sỹ nghĩ sao về điều này?
Nhạc sỹ Lê Đức Trí: Được đào tạo chính quy, bài bản, nhưng công bằng mà nói, thế hệ chúng tôi chưa thể sánh kịp với thế hệ cha, chú là các nhạc sỹ: Quách Mộng Lân, Hoàng Sông Hương, Dương Viết Chiến. Chúng tôi có điều kiện tiếp cận cái mới nhưng chưa cống hiến hết mình vì nghệ thuật như thế hệ đi trước. Muốn sáng tác ra một ca khúc hay, người nghệ sỹ phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo để có cách nhìn mới, đề tài mới về hiện thực cuộc sống nhằm tạo ra chất liệu mới phục vụ sáng tác.
Thế hệ các nhạc sỹ đi trước đã không quản ngại khó khăn để xâm nhập thực tế cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của quân, dân Quảng Bình. Họ đối diện với gian khổ, hiểm nguy, với mưa bom, bão đạn. Thực tế cuộc sống đã cho họ nguồn cảm hứng để sáng tác nên những ca khúc có thể gọi là đi cùng năm tháng bằng niềm rung cảm tự hào như: "Gạo đến Trị Thiên" (Quách Mộng Lân) và tiêu biểu nhất là “Tình ta biển bạc đồng xanh” (Hoàng Sông Hương), một trong những ca khúc nổi tiếng trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có thêm ca khúc nào tạo được sức lan tỏa như các ca khúc kể trên. Và đó là vấn đề mà các nhạc sỹ trẻ phải trăn trở để tìm tòi, sáng tạo nhằm khẳng định mình bằng những ca khúc ghi dấu trong lòng công chúng.
Tôi cho rằng, đã làm nghệ thuật chắc chắn ai cũng có sự đam mê, nhưng chỉ đam mê thôi chưa đủ mà phải không ngừng học hỏi, nhất là học hỏi từ thực tế cuộc sống. Muốn vậy, nghệ sỹ phải dấn thân mới có thể thành công.
Cũng phải nói thêm rằng, trong điều kiện hiện nay, nếu muốn có một ca khúc hoàn chỉnh, trọn vẹn cần phải đầu tư rất nhiều, từ hòa âm, phối khí, tìm ca sỹ có thương hiệu và có chất giọng phù hợp với ca khúc thể hiện… Tính sơ sơ, người nhạc sỹ phải chi hàng chục triệu đồng. Thế nên, nhiều nhạc sỹ sáng tác ra ca khúc nhưng lại không có điều kiện để đầu tư, trau chuốt một cách bài bản.
PV: Thực tế cho thấy, những ca khúc thuộc “địa phương ca” khó tạo được sức lan tỏa, trong công chúng yêu nhạc. Theo nhạc sỹ, đâu là nguyên nhân của vấn đề trên?
Nhạc sỹ Lê Đức Trí: Tài năng sáng tạo của người nghệ sỹ là yếu tố hàng đầu để tạo nên một ca khúc hay. Cũng là địa phương ca nhưng “Quảng Bình quê ta ơi” (cố nhạc sỹ Hoàng Vân), “Đường Đồng Lê”, “Đường lên Quy Đạt”, “Lời cô gái Lệ Ninh” (cố nhạc sỹ Trần Hoàn), “Đưa em về Kiến Giang” (Xuân Đồng), “Phố biển tình anh” (Hoàng Sông Hương)… lại được phổ biến rộng rãi trong cả tỉnh, cả nước và có sức sống với thời gian. Tôi cho rằng, để “địa phương ca” có tầm vóc trong đời sống âm nhạc, người nghệ sỹ cần phải tìm ra cái mới trong cách thể hiện, phải đặt vào đó sự sáng tạo mới có thể đưa những hình ảnh, bản sắc văn hóa của từng vùng đất hòa quyện trong từng giai điệu.
PV: Quảng Bình là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, vậy Chi hội Nhạc sỹ Quảng Bình đã có những hoạt động gì để góp phần bảo tồn, phát huy vốn văn hóa quý giá đó, thưa nhạc sỹ?
Nhạc sỹ Lê Đức Trí: Thực tế sáng tác cho thấy, những ca khúc hay, được công chúng cả nước đón nhận đều khai thác từ chất liệu dân ca như: “Quảng Bình quê ta ơi” có hò khoan Lệ Thủy, “Mái đình làng biển” (Phó Đức Phương) có âm hưởng ca trù… Quảng Bình chúng ta có rất nhiều làn điệu dân ca độc đáo như ca trù, hò khoan, hò thuốc cá… Và các nhạc sỹ, người sáng tác âm nhạc của tỉnh cũng đã khai thác, chọn lọc, làm mới chất liệu dân ca, dân nhạc để sáng tác ca khúc, tiêu biểu như: “Quảng Bình hò hụi hò khoan” (Ngọc Tân)...
Việc khai thác, vận dụng chất liệu dân ca, dân nhạc vào sáng tác ca khúc là một trong các thủ pháp nghệ thuật mang lại hiệu quả cao. Nhạc sỹ có sáng tạo đến đâu cũng không thể đứng ngoài văn hóa của dân tộc. Và điều đáng tự hào là các thế hệ nhạc sỹ Quảng Bình không chạy theo trào lưu sáng tác mang tính thị trường, thời vụ mà đa số họ đều trăn trở với nghề, với quê hương để tạo nên những giai điệu đẹp “trên quê hương thắm nghĩa, thắm tình”.
PV: Cảm ơn nhạc sỹ về cuộc trò chuyện rất thú vị này!
Nhật Văn (thực hiện)