Thương nhớ nhà nghiên cứu hò khoan Lệ Thủy Đặng Ngọc Tuân

  • 09:12, 16/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà nghiên cứu hò khoan Lệ Thủy-Đặng Ngọc Tuân đã ra đi vào ngày 12-12-2019 tại Hà Nội trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân, học trò, bạn bè nói riêng và người Lệ Thủy nói chung. Mấy chục năm qua, ông đã dày công sưu tập, khảo cứu hò khoan Lệ Thủy và góp phần không nhỏ cho việc “chấn hưng” làn điệu dân ca này trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia trên quê hương Đại tướng.
 
Vì câu xố quê hương
 
Nhà nghiên cứu hò khoan Lệ Thủy-Đặng Ngọc Tuân.
Nhà nghiên cứu hò khoan Lệ Thủy-Đặng Ngọc Tuân.
Trong hành trình phục dựng và nghiên cứu của mình ông Đặng Ngọc Tuân luôn xê dịch để có cái nhìn khái quát, toàn diện về hò khoan Lệ Thủy. Để có những nhận định, minh chứng rõ ràng về các phạm trù văn hóa và các mái hò khoan Lệ Thủy, ông không những khảo sát, tìm hiểu ở quê hương mà còn có nhiều tư liệu quý để so sánh với điệu hò của người Quảng Trị, các điệu hò của Thừa Thiên-Huế.
 
Không ngồi ở nhà nghiên cứu, suy luận chủ quan, ông công phu, cẩn trọng, khoa học và luôn tận dụng cơ hội giao lưu văn hóa để đối chiếu lý luận với thực tế. Ông luôn có sự kết hợp tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu, tham khảo thêm các công trình nghiên cứu của những người đi trước, đồng thời đầu tư nhiều thời gian tiếp xúc với các nghệ nhân để lắng nghe, quan sát và tìm hiểu, ghi chép nhiều lời cổ có giá trị cao. Những nhận định về hò khoan Lệ Thủy của ông vì thế có giá trị thuyết phục cao, được các nhà nghiên cứu và bà con đồng tình hưởng ứng.
 
Trong mấy năm gần đây, ông Tuân luôn băn khoăn, trăn trở về việc phân định thật rõ ràng hò khoan Lệ Thủy gồm mấy mái, cách thức khôi phục múa tứ linh, bản chất của hò đưa linh chèo cạn... Thậm chí, để nghiên cứu mái hò lỉa trâu, ông còn lên tận các xã Kim Thủy, Ngân Thủy để lắng nghe dân ca của người Bru-Vân Kiều nhằm định tính không gian văn hóa trong quá trình giao lưu, hội nhập với người ở dưới xuôi.
 
Tình yêu vô cùng to lớn với hò khoan Lệ Thủy, tinh thần cống hiến không biết mệt mỏi đã tạo nên công trình khảo cứu hò Khoan Lệ Thủy có giá trị to lớn. Ông vừa đi vừa viết để trả món nợ ân tình với quê hương. Dẫu biết thân mang trọng bệnh nhưng ông cố gắng đến từng hơi thở để cố hoàn thành ước nguyện của mình về một công trình hoàn hảo dành cho hò khoan Lệ Thủy.
 
Những năm gần đây, ông về quê nhiều hơn, tiếp xúc với các nghệ nhân nhiều hơn để chia sẻ, gửi gắm tình yêu của mình đến mọi người. Ông quyết liệt, đam mê đề xuất và thúc giục làm bằng được đêm hò khoan Lệ Thủy mang tựa đề “Câu hò bên bến sông quê” trong dịp 2-9.
 
Cũng vì duyên nợ với hò khoan Lệ Thủy, ông đã 3 lần lên núi rừng Ngân Thủy để gặp gỡ các nghệ nhân Bru-Vân Kiều nhằm nghiên cứu, chia sẻ dân ca của đồng bào ở đây. Ông có ước mơ sẽ có công trình nghiên cứu văn hóa Bru-Vân Kiều để đưa vào hoạt động du lịch nhằm góp phần hỗ trợ, giúp đỡ bà con xóa đói, giảm nghèo.
 
Trọn vẹn tình yêu với hò khoan
 
Những lần đi theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Ngọc Tuân đến các làng, bản gặp bà con, tôi mới thấm thía cách sống truyền tâm, lan tỏa của ông. Đi đâu cũng vậy, ông đều lên kế hoạch trước, nhờ địa phương giới thiệu, gặp gỡ, trò chuyện, khai thác thông tin từ các nghệ nhân.

 

Trong năm 2019, ông Đặng Ngọc Tuân tiếp tục bổ sung, chỉnh lý sách
Trong năm 2019, ông Đặng Ngọc Tuân tiếp tục bổ sung, chỉnh lý sách
Còn nhớ, năm 2013, cuốn sách “Hò khoan Lệ Thủy” dày 300 trang với phần khảo cứu hơn 1.000 bài hò lời cổ giá trị được ông công bố rộng rãi. Đó chính là thành quả của quá trình dày công tìm kiếm, sưu tầm, khảo cứu. Tác giả như phải chạy đua với thời gian, tuổi tác vì sợ hò khoan Lệ Thủy sẽ bị mai một trong tương lai gần.
 
Công trình này cũng chính là bằng chứng để lưu truyền những giá trị văn hóa của vùng quê chiêm trũng Lệ Thủy. Ngay trong lời tựa viết cho cuốn sách, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã nói rằng: “Chỉ có những ai yêu da diết những giá trị văn hóa quê hương mới làm được như vậy”.
 
Vì vậy, công trình này xứng đáng là món quà lớn đối với người Lệ Thủy và các độc giả khắp mọi miền Tổ quốc. Cũng vào sáng ngày 14-12-2013, tại Trung tâm Văn hóa huyện Lệ Thủy, buổi giới thiệu và trao tặng sách "Hò khoan Lệ Thủy” đã diễn ra trong không khí hào hứng, đồng điệu giữa tác giả và bạn đọc.
 
Buổi giới thiệu này đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo công chúng độc giả tham dự; đồng thời trở thành một diễn đàn giao lưu văn hóa. Cũng tại buổi giới thiệu, những suy nghĩ, kế hoạch thời gian tới về cách lưu giữ, phát triển hò khoan Lệ Thủy được độc giả trao đổi, bàn luận nghiêm túc. Sau buổi gặp gỡ, ông đã tặng cho 91 thư viện của các trường học trên địa bàn huyện sách “Hò khoan Lệ Thủy”.
 
Cuốn sách đã trở thành cẩm nang quý báu, bổ ích về hò khoan Lệ Thủy, giúp ích cho câu lạc bộ hò khoan của các đơn vị trường học cùng những ai quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tác.
 
Thời gian gần đây, sức khỏe đã giảm sút nhưng không ngăn được tâm huyết của ông Đặng Ngọc Tuân với văn nghệ dân gian. Ông tiếp tục bổ sung, chỉnh lý sách "Hò khoan Lệ Thủy". Và trong năm 2019, hơn 500 ấn phẩm ra đời để tặng cho người yêu hò khoan và cả những ai chưa hiểu nhiều về hò khoan Lệ Thủy. Đến giờ phút cuối cùng, tình yêu với hò khoan xứ Lệ vẫn trọn vẹn trong ông.
 
Khi tôi viết những dòng này, nhà nghiên cứu hò khoan Lệ Thủy-Đặng Ngọc Tuân đã ra đi mãi mãi. Tôi không thể nào quên được giọng nói vang vang, truyền cảm của ông khi nhắc đến văn hóa quê hương: “Các bạn hãy cố gắng làm hết sức mình với công việc và văn hóa Lệ Thủy. Bọn mình xa quê trông chờ vào các bạn. Sang năm, chúng ta tiếp tục làm “Câu hò bên bến sông quê” nhé và cố gắng làm tiếp công trình văn hóa Bru-Vân Kiều mình đang dang dở…”.
 
Hải Tình

tin liên quan

Người đẹp Jamaica đăng quang Hoa hậu Thế giới, Việt Nam lọt top 12
Người đẹp Jamaica đăng quang Hoa hậu Thế giới, Việt Nam lọt top 12
Trong đêm chung kết, người đẹp Jamaica không chỉ thể hiện khả năng ca hát truyền cảm mà còn có màn ứng xử thông minh và thuyết phục
 
Để lại bên đời
Để lại bên đời
(QBĐT) - Để lại bên đời những ngày tháng không anh
Em theo nắng tìm bao con đường lạ
Nơi anh về bóng đổ nỗi yêu thầm...
 
Đài PT-TH Quảng Bình đoạt 1 giải Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc
Đài PT-TH Quảng Bình đoạt 1 giải Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc

(QBĐT) - Tối 14-12, tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã diễn ra lễ bế mạc và trao giải Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39. Tại liên hoan, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình tham gia 5 tác phẩm và có 1 tác phẩm xuất sắc đoạt giải Bạc.