(QBĐT) - "Sân chơi" nghệ thuật được xem là yếu tố cần thiết cho việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo mỹ thuật của các họa sỹ. Song trên thực tế, tại tỉnh ta, họa sỹ đang thiếu những “sân chơi” để thể hiện tài năng, niềm đam mê nghệ thuật.
Với khát khao tìm kiếm con đường đi của riêng mình, nhiều họa sỹ trẻ đã khẳng định bản thân bằng việc tham gia, tạo dấu ấn tại các triển lãm cá nhân, khu vực và toàn quốc… Tuy nhiên, theo họa sỹ Nguyễn Lương Sáng (thạc sỹ, giảng viên mỹ thuật, Trường đại học Quảng Bình, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam), họa sỹ trẻ cần hơn nữa sự “dấn thân”, không ngừng sáng tạo nhằm khẳng định mình trong lao động nghệ thuật.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện với họa sỹ Nguyễn Lương Sáng.
![]() |
P.V: Thiếu những gương mặt trẻ trên các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật là thực trạng chung của văn học-nghệ thuật tỉnh nhà. Mỹ thuật có đứng ngoài thực trạng trên không, thưa anh?
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: So với một số tỉnh lân cận như: Quảng Trị, Hà Tĩnh…, lực lượng sáng tác mỹ thuật trẻ ở Quảng Bình có số lượng khá đông. Phân hội Mỹ thuật Quảng Bình hiện có 15 hội viên là tác giả trẻ. Ngoài ra, còn có một số cộng tác viên là giáo viên mỹ thuật, viên chức nhà nước… Đa số tác giả trẻ (dưới 40 tuổi) được đào tạo bài bản tại các trường mỹ thuật chuyên nghiệp như: Trường đại học Nghệ thuật Huế, đại học Mỹ thuật Hà Nội, đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh...
Trình độ và kiến thức nền tảng đã có nhưng việc trở thành một nghệ sỹ sáng tạo hay không lại tùy thuộc vào mỗi người. Bởi lẽ, sáng tạo là sự tổng hợp kiến thức, đúc rút kinh nghiệm cùng sự nhạy bén của cảm xúc, đào sâu tư duy mới có thể tạo nên những tác phẩm mỹ thuật đúng nghĩa.
P.V: Vậy theo anh, tác giả mỹ thuật trẻ đã thực sự “dấn thân” trong lao động nghệ thuật để khẳng định mình hay chưa?
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: Câu trả lời là chưa, vì lực lượng sáng tác mỹ thuật trẻ Quảng Bình khá đông nhưng số tác tác phẩm tham gia triển lãm khu vực hàng năm không nhiều.
Qua các triển lãm có thể nhận thấy, một số tác giả trẻ vẫn chưa thoát khỏi lý thuyết được đào tạo nên tác phẩm còn mang tính hình thức, chung chung, không nêu bật được cá tính sáng tạo riêng. Có những tác phẩm đẹp về thị giác, nhưng thiếu chiều sâu tư tưởng và giá trị thẩm mỹ.
Nguyên nhân chính của vấn đề trên là do không ít tác giả trẻ chưa chịu khó tìm tòi, học hỏi để tiếp cận đời sống mỹ thuật cả nước và thế giới nên khó có thể bắt nhịp với hoạt động sáng tác trẻ hiện nay. Mặt khác, tính chủ động tìm kiếm cơ hội công bố tác phẩm của những tác giả trẻ chưa cao. Họ chủ yếu sáng tác một vài tác phẩm để tham gia triển lãm khu vực mà không xem hoạt động sáng tác là việc thường xuyên, là nhu cầu tự thân. Họ quên một điều rằng, trong sáng tạo mỹ thuật, thực hành nhiều ắt sẽ nâng cao trình độ.
P.V: Mặc dù có những hạn chế nhất định, song thế hệ sáng tác mỹ thuật trẻ Quảng Bình đã tạo được những dấu ấn nhất định tại các triển lãm, anh có thể nói rõ hơn về điều này?
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: Những đóng góp của tác giả trẻ là rất đáng ghi nhận. Đề tài sáng tác được mở rộng, tập trung vào việc khai thác những thành tựu, thay đổi của đất nước, ca ngợi quê hương, các giá trị văn hóa truyền thống… và cả những vấn đề đang được quan tâm hiện nay như: chủ quyền quốc gia, môi trường, thái độ sống, trách nhiệm công dân trong thời đại hội nhập, phát triển…
Một số tác giả trẻ đã khẳng định được mình trong các kỳ triển lãm từ cấp khu vực đến toàn quốc, thậm chí vươn ra khu vực Đông Nam Á. Đó là các họa sỹ: Nguyễn Lương Sáng, Nguyễn Lương Du, Trương Trần Đình Thắng, Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Lương Sao, Hồ Trọng Lâm, Nguyễn Thành Trung, Lê Thuận Long… Nhiều tác phẩm của tác giả trẻ đạt giải thưởng quan trọng tại các triển lãm khu vực, giải thưởng Lưu Trọng Lư của UBND tỉnh…
P.V: Là người gặt hái nhiều thành công trên con đường hoạt động nghệ thuật, theo anh “người trẻ” cần những yếu tố nào để phát triển và đâu là “chất xúc tác” để họ tiến xa hơn?
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: Với bản thân tôi, những giải thưởng và thành tựu không phải là đích đến và nếu xem đó là điểm cuối cùng, thì coi như việc sáng tạo đã dừng lại.
Trong sáng tạo, việc đầu tiên là phải biết vượt qua chính mình. Tôi thích đương đầu với những khó khăn, thử thách. Theo tôi, sáng tác đầu tiên là từ nhu cầu cá nhân. Nếu không xuất phát từ những tâm tư, trăn trở của bản thân trước các vấn đề của cuộc sống thì khó có tác phẩm chất lượng cao.
Trong lao động nghệ thuật, người nghệ sỹ cần ý thức rằng, trách nhiệm của mình là sáng tạo. Sáng tạo phải luôn mới, có bản lĩnh, có tuyên ngôn riêng không lẫn vào đám đông, phải đề cao trách nhiệm với danh xưng “họa sỹ” hay “nhà điêu khắc”.
Muốn vậy, phải luôn học hỏi và cầu tiến, biết đặt vấn đề và đi tìm lời giải cho vấn đề đó. Không thể tự nhiên mà các tác phẩm cứ tuôn chảy trong đầu ta được, cần trải nghiệm, va chạm từ thực tế. Lấy cảm xúc cá nhân ứng xử với cuộc sống đang diễn ra.
Khách quan mà nói, muốn hướng đến một môi trường hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp, chúng tôi cần được tạo điều kiện, cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Hội VHNT và chính quyền địa phương. Để khuyến khích họa sỹ sáng tạo, Hội VHNT nên tham mưu cho tỉnh có chủ trương đặt hàng các tác giả sáng tác tác phẩm chất lượng cao nhằm động viên, khích lệ các nghệ sỹ sáng tác nên nhiều tác phẩm về quê hương, văn hóa và công cuộc xây dựng của tỉnh nhà…
![]() |
P.V: Thực trạng thiếu "sân chơi" đối với họa sỹ diễn ra khá phổ biến ở các địa phương, trong đó có tỉnh ta. Theo anh, họa sỹ trẻ có nên tự đi tìm "sân chơi" nghệ thuật cho mình để nâng tầm sáng tạo và thỏa niềm đam mê với nghiệp cầm cọ của mình?
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: Tôi khẳng định là rất cần, song ở tỉnh ta, hoạt động này còn gặp rất nhiều khó khăn. Một số họa sỹ còn mang trên mình gánh nặng mưu sinh, không có nhiều thời gian cho sáng tác nghệ thuật. Trình độ hiểu biết và thưởng thức mỹ thuật của phần lớn người dân chưa cao. Điều quan trọng nữa là việc tổ chức các "sân chơi" cá nhân, "sân chơi" theo nhóm để thỏa sức đam mê cũng không hề đơn giản vì không có không gian đáp ứng được các yêu cầu để phục vụ hoạt động triển lãm… Sáng tác nhưng không có nơi trưng bày ít nhiều ảnh hưởng đến nhiệt huyết sáng tạo của người nghệ sỹ.
P.V: Có người nói rằng, làm nghệ thuật rất cần ngọn lửa đam mê, vậy theo anh ngoài đam mê, người nghệ sỹ cần thêm những yếu tố nào để có thể thành công?
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: Có lẽ, đam mê là điều đầu tiên khi dấn thân vào con đường hoạt động nghệ thuật. Nhưng nếu chỉ đam mê thôi thì không đủ, cần có kiến thức, hiểu biết và vốn kinh nghiệm sống phong phú, luôn làm giàu cảm xúc thì mới có thể theo đuổi sự nghiệp này.Với tôi, muốn tạo nên những tác phẩm tốt, người nghệ sỹ phải làm việc thực sự nghiêm túc. Sáng tạo mỹ thuật không có sự ăn may.
P.V: Rất cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.
Nhật Văn (thực hiện)