(QBĐT) - Ngày 17-12, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Bình phối hợp với Ban Văn hoá Trung ương, GHPGVN và Viện Nghiên cứu Tôn giáo (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học “Phật giáo Quảng Bình xưa và nay”.
![]() |
Phật giáo Quảng Bình có lịch sử từ hàng trăm năm trước, có những ngôi chùa được xây dựng từ thời Trần, nhiều ngôi chùa được triều Nguyễn sắc phong và từng là trung tâm Phật giáo lớn. Ngoài ra, qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau như khảo cổ, bia ký... cho thấy trước thời Trần, những dấu ấn của Phật giáo Quảng Bình đã xuất hiện trong vương quốc Chăm Pa. Quá trình hình thành, phát triển của Phật giáo Quảng Bình còn gắn liền với quá trình mở mang bờ cõi về phía Nam. Các chúa Nguyễn như Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Chu và các vua Nguyễn sau này đã có nhiều đóng góp đối với Phật giáo Quảng Bình trong lịch sử.
Hiện nay, Phật giáo Quảng Bình có hơn 3.000 tín đồ phật tử sống rải rác trên địa bàn 42 xã của 7 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 24 vị là nhà tu hành. Trên địa bàn có các cơ sở thờ tự Phật giáo tiêu biểu như: chùa Hoằng Phúc, chùa Đại Giác, chùa Quan Âm, chùa Kim Phong, chùa Quảng Xá, chùa Phổ Minh… Phật giáo Quảng Bình đã thành lập 5 tổ chức, gồm: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình, GHPGVN huyện Bố Trạch, GHPGVN huyện Lệ Thủy, GHPGVN huyện Tuyên Hóa, GHPGVN huyện Quảng Ninh.
Hội thảo có 47 tham luận tập trung làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo Quảng Bình; những đóng góp của các vị tăng ni, cư sỹ đối với Phật giáo Quảng Bình qua các giai đoạn lịch sử; những giá trị của Phật giáo Quảng Bình cần bảo tồn và phát huy; định hướng và giải pháp phát huy vai trò, giá trị của Phật giáo Quảng Bình…
Hội thảo khoa học “Phật giáo Quảng Bình xưa và nay” là dịp để các nhà nghiên cứu trên khắp cả nước công bố những tư liệu mới, những kết quả nghiên cứu mới về Phật giáo Quảng Bình.
Lan Chi