"Đỉnh núi chon von" - nhật ký chiến tranh của một thầy giáo mặc áo lính
09:11, 10/11/2019
(QBĐT) - Chi hội Cựu chiến binh Trường THCS Quảng Minh được thành lập trong trường cấp 2 sớm nhất tỉnh. Chi hội có 5 người, do thầy giáo Hoàng Đình Giót làm chi hội trưởng, trong đó có 2 thương binh, 2 hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình. Sau giải phóng, thầy Hoàng Đình Giót về làm tổ trưởng tổ văn và Bí thư Chi bộ nhà trường cho đến ngày nghỉ hưu. Cuốn “Đỉnh núi chon von” của thầy Hoàng Đình Giót với bút danh Hoàng Lệ Minh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2019, được coi là một cuốn nhật ký chiến tranh.
“Đỉnh núi chon von” gồm 13 truyện ký, đa số rút ra từ 3 tập nhật ký của thầy Hoàng Đình Giót. Thầy dạy học được hai năm thì đi bộ đội. Các tập nhật ký ghi dọc đường hành quân cho đến ngày ra mặt trận Thừa Thiên-Huế. Có những trận đánh thầy trực tiếp tham chiến, nhưng cũng có những trận đánh thầy chỉ nghe anh em kể lại. Bút ký “Động Tranh” thầy viết khi được giao làm tiểu đội trưởng súng máy phòng không 14,5mm. Tiểu đội thầy được chuyển từ hậu cứ thứ nhất lên hậu cứ thứ hai cách cao điểm 372 ở Động Tranh chưa đến 100m đường chim bay. Mấy ngày trước địch bị ta đánh tan tác ở Cù Mông, Tà Lương nên chúng tháo chạy về đây.
Thầy Hoàng Đình Giót.
Trung đoàn 4, Sư đoàn 337 của thầy chủ trương vây ép Động Tranh để bức địch ra hàng. Anh em bộ binh phục kích sát hàng rào. Trận địa pháo đặt trên đồi cao. Hàng ngày, máy bay OV10 đến ném bom khói cho máy bay A37 nhào xuống cắt bom. Chúng bổ nhào tận tít trên cao nên các loại pháo phòng không của ta không làm gì được. Thế mà ngày 17-4-1972, tiểu đội súng phòng không 14,5mm của thầy đã bắn rơi một chiếc máy bay AC130 của địch khi chúng đổ quân xuống Động Tranh. Phải nói đây là một trường hợp hy hữu trong chiến tranh. Máy bay AC130 là loại máy bay vận tải hiện đại nhất của Mỹ thời bấy giờ. Chúng đưa sang Việt Nam để chuyển quân và khí tài, đạn dược. AC130 có trang bị kính ngắm hồng ngoại, chúng có thể bay cao ban đêm, “đứng một chỗ” mà bắn trúng nhiều đoàn xe của ta dọc tuyến đường Trường Sơn…
Thầy Hoàng Đình Giót tham gia nhiều trận đánh. “Cuộc chiến không cân sức” là một truyện ký hay, kể lại trận đánh khốc liệt của tiểu đội thầy trên dải đồi 552, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Ngày 30 Tết năm 1972, bốn người giữ hai điểm chốt tiền tiêu cách nhau gần 100m. Trong tay họ chỉ có súng AK và lựu đạn vậy mà hết thám báo biệt kích đến các loại máy bay L19, OV10, F4H, trực thăng, máy bay cường kích A37 rồi pháo 175mm đã phải chịu thua. Bom đạn mù trời, bên ta, một mình thầy Giót bị thương nhưng họ đã tiêu diệt được một lính thám báo, thu được mấy khẩu AR15, M79 cùng một số lựu đạn US. Đúng là một trận đánh không cân sức.
Thầy viết: “Mà kể cũng lạ, với bốn chiến sỹ cao xạ pháo chưa từng tác chiến bằng chiến thuật bộ binh mà dám quần nhau với bốn chiếc trực thăng, hai máy bay L19, OV10 và cả lũ thám báo có sự hỗ trợ của pháo kích từ đồng bằng dội lên mà chúng vẫn bị mấy anh lính quân giải phóng đánh cho tơi bời khói lửa. Một cuộc đọ súng, một cuộc chiến không cân sức đã diễn ra trên dải đồi 552 cách đồng bằng không quá vài ngàn mét chim bay. Một bên là đại bác “Vua chiến trường” 175mm, 150mm với đủ loại máy bay, thám báo biệt kích và một bên là bốn chiến sỹ giải phóng với bốn khẩu súng AK, lựu đạn chày, US và mấy băng đạn nhưng chúng tôi đã đánh cho chúng thua đến nỗi không lấy được xác đồng bọn”.
Trang bìa cuốn "Đỉnh núi chon von".
Đánh trận dũng mãnh, ngoan cường, nhưng đối với nhân dân, thầy luôn có một tình thương vô bờ.
Trong hồi ký “Đỉnh núi chon von”, thầy kể về tấm lòng của đồng bào Pa Cô đối với cách mạng. Một buổi chiều mùa đông năm 1972, thầy cùng anh Lê Như, chính trị viên đại đội, đến chơi một nhà dân trong bản trên điểm cao Sê Côi, Đông Sơn, A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Ngôi nhà có nhiều gia đình chung sống. Một người phụ nữ chừng 20-25 tuổi đang vạch vú cho con bú. Nằm co quắp bên bếp lửa là một đứa bé độ 3-4 tuổi đang bị bệnh. Anh đã lấy thuốc cho cháu bé uống.
Khi người đàn ông đi rẫy về anh mới biết đồng bào chạy lên đây từ hồi chính quyền Mỹ-Diệm mới rào ấp chiến lược. Bọn địch đã đổ quân xuống càn quét nhưng bị quân giải phóng và đồng bào chặn đánh phải rút lui. Nhà không có gì ngoài sắn, hạt gạo dành cho đứa con đang ốm nấu trong một cái soong bé tẹo.
Hãy nghe mấy lời đối thoại của thầy với chủ nhà mới biết tấm lòng người dân Pa Cô hướng về cách mạng cảm động đến mức nào:
“- Năm nay làm rẫy được bao nhiêu lúa?
- Được bốn gùi, một gùi để làm giống, một gùi ủng hộ cách mạng, mà cách mạng cần thì ủng hộ hết cũng được.
- Đồng bào không có đủ chăn màn, chắc lạnh lắm hè?
- Lạnh hung, cực hung nhưng đồng bào thông cảm cho cách mạng, không đòi hỏi. Cách mạng cũng giúp đồng bào nhiều lắm. Áo quần bộ đội phát cho một năm hai cái, con dao, con rựa bộ đội giúp. Bộ đội Cụ Hồ tốt bụng hung. Đồng bào thương bộ đội mà không có chi giúp bộ đội cả”.
Và thầy đã tháo chiếc khăn len trên cổ mà vợ trao cho khi lên đường nhập ngũ đưa cho anh chủ nhà.
Cuốn “Đỉnh núi chon von” còn có những bài như: “Nghĩa tình đồng đội”, “Ngôi nhà chiến sỹ”, “Cung đường thiên lý”, "Cánh đồng máu lửa", “Những ngày giáp Tết”… khá xúc động. Đối với Hoàng Đình Giót, văn cũng như người, không trau chuốt, bóng bẩy. Thậm chí có những bài hình như trước đây thầy nghĩ như thế nào thì nay viết lại nấy. Thầy bê nguyên những gì có trong nhật ký vào trang sách ít khi chỉnh sửa lại.
Thầy Hoàng Đình Giót nguyên trợ lý Tuyên huấn Ban Chính trị Trung đoàn 4, Sư đoàn 337, Quân khu 4. Thầy là hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình, đã có thơ in chung và riêng trong 5 tập sách do Nhà xuất bản Văn học và Hội Nhà văn ấn hành. “Đỉnh núi chon von” là tập truyện và ký đầu tiên của thầy. Chất văn, chất lính và chất đời trong con người thầy hòa quyện làm một. Đó là một cuốn nhật ký chiến tranh của một thầy giáo mặc áo lính.
(QBĐT) - Sinh năm 1988 tại Thừa Thiên-Huế, trải qua thời niên thiếu ở quê cha Lệ Thủy (Quảng Bình), tốt nghiệp ngành thiết kế nội thất ở Trường đại học Mỹ thuật Huế, thử sức với việc dựng trung tâm nghệ thuật ở Hà Nội và quyết định "bám rễ" ở TP. Hồ Chí Minh… - những di chuyển về địa lý xuyên suốt thanh xuân đã ghi dấu ấn sâu sắc trong hành trình đi tìm "căn tính" của nghệ sỹ thị giác (Visual Artist) Lê Phi Long.