Cánh diều tuổi thơ

  • 08:06, 01/06/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tuổi thơ tôi có bao ký ức, nhất là những ngày hè với ven đê, vệ cỏ. Con đê như một vòng tay ôm lấy xóm làng. Đê chạy dọc theo sông như một cung trầm mà sông là cung  bổng. Bất chợt trong tôi vang vọng lại tiếng sáo diều, những nốt gió của đồng quê luyến láy, những hợp âm đang xen nhau tạo ra âm thanh trong trẻo.
 
Trong trẻo như lứa tuổi thơ tung tẩy tự do chạy trên đường đê, quần găm đầy cỏ may tay níu lấy dây diều bay bổng. Có cảm giác lúc ấy ta như được bay lên với bao ước vọng của bao cung bậc. Và cánh diều như một vầng trăng ban ngày chao liệng. Chao liệng cả tuổi thơ ta; chao liệng cả hồn quê cánh đồng thôn dã; chao liệng cả bao chấp chới của nắng lóa trên sông.
 
Cánh diều như một tín hiệu  trỏ lối sang mùa hè. Cánh diều như đang vẽ hình, viết chữ trên không trung. Cánh diều như cánh chim giang rộng tung bay lại như là cánh neo giữ ta lại bao dằng dịt nhớ thương với mặt đất thân yêu. Cánh diều như là gạch nối giữa trời và đất, giữa tuổi thơ và người lớn…
 
Tôi nhớ ông tôi đã bỏ ra những buổi chiều tỉ mẫn chọn  vót những nan tre già mà dẻo dai để uốn thành xương diều. Đôi lúc tôi nghĩ xương diều cũng như xương cá để sau này khi tôi đã trưởng thành nhớ về những ngày ấy và thấy mình hạnh phúc khi: “Tôi kịp lợp cánh diều bằng đôi mang của cá – Đôi mang cá chiều nay bao phấp phảng – Lén thả vào tôi chút bong bóng cuối ngày”. Không hiểu sao tuổi thơ rất thích chơi bong bóng trong suốt có vẻ gì như mơ hồ nhưng lại bay bổng theo những ước mơ kỳ diệu. Vừa hồi hộp, vừa lung linh, vừa kỳ ảo như sắc cầu vòng bảy màu bắc sau cơn mưa.
 
Cánh diều tuổi thơ là tiếng vọng của ký ức xưa qua vi vu tiếng gió, tiếng sáo. Ông tôi là một nghệ nhân gọt từng ống sáo như vuốt từng âm thanh, đó là sự khéo léo của những ngón tay sần chai đã từng gieo gặt trên đồng lúa chín chuốt từng hạt thóc vàng lóng lánh. Bây giờ lại gieo những âm thanh náo nức thổi vào tâm hồn tuổi thơ những cao vọng những khát khao những tha thiết.
 
Ông tôi đã mất nhưng cánh diều sáo của ông vẫn còn treo trên gác bếp để chiều nay tôi đưa ra bờ đê và nhờ ngọn gió đồng, gió sông nâng  bổng chuốt ra tiếng sáo với bao âm vực bổng trầm như tiếng của ông tôi, như một lời nhắn gửi, như một dõi theo đồng hành. Ông đã hóa thân vào cỏ để chiều nay cỏ bờ đê như xanh hơn, tươi tắn hơn nâng bước chân con trẻ tung tăng để cắm dây diều vào đó như cắm cả niềm tin neo giữ vững bền cội nguồn sâu thẳm….
 
Cánh diều tuổi thơ nối từ quá khứ đến tương lai. Tiếng sáo diều không bao giờ cũ, cánh diều như một con thuyền chở bao kỷ niệm luôn mãi tươi xanh. Cánh diều tuổi thơ sẽ theo ta đi suốt cuộc đời. Bởi trên hành trình của mình có qua bao xóm làng, đồi núi thì vẫn gặp những rặng tre ngà rậm rịt đắp bồi vào nhau khi mà: “Có manh áo  cộc cũng nhường cho măng” (thơ Nguyễn Duy).
 
Cũng nhường cả những ống tre, đốt tre, nan tre để uốn để vuốt thành cánh diều và tiếng sáo. Có ai đó nói rằng cánh diều tuổi thơ là một  mảnh hồn làng, một  mảnh ký ức làng - đúng thế! Chính đó là nơi gửi gắm neo giữ bao bền chặt là tiếng vọng của thời gian, là “bệ phóng” cho cả một tương lai bắt đầu từ ước vọng: Hãy bay lên bằng cánh diều của tuổi thơ…
 
Nguyễn Ngọc Phú

tin liên quan

Bắt đầu vòng chấm chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ 13
Bắt đầu vòng chấm chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ 13

Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ 13 đã lựa chọn, trình lên Hội đồng chung khảo danh sách 147 tác phẩm thuộc 11 loại giải, được lựa chọn từ 1.671 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải.

Trọn đời đắm say với làn điệu hò khoan
Trọn đời đắm say với làn điệu hò khoan
(QBĐT) - Ở tuổi 79 và không biết chữ, nhưng cụ bà Đỗ Thị Minh trú tại làng Quảng Cư, xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy) vẫn thuộc hàng nghìn câu hò khoan. Với cụ Minh, tình yêu với các làn điệu hò khoan đã ngấm sâu vào máu thịt, vào tâm hồn từ lúc nào không hay.
 
Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng góp phần phát triển văn hóa đọc
Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng góp phần phát triển văn hóa đọc

Hơn 10 năm qua, hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đã phát triển về nhiều mặt, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc, tạo không gian giúp cho người dân học tập suốt đời.