(QBĐT) - Một buổi sáng giữa tháng 4-2019, những cựu chiến binh Đoàn văn công Tỉnh đội (VCTĐ) Quảng Bình có cuộc hành quân về thăm lại chiến trường xưa. Xuất phát từ Quảng Bình quan (TP. Đồng Hới), chiếc xe du lịch chở 30 người lính năm xưa tiến về phía Nam.
Điểm chúng tôi đến là Bến Vượt, thôn An Đông nằm phía bờ Bắc sông Thạch Hãn, cách cầu Thạch Hãn 1km về phía đông, trước đây thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Nơi này cách đây 46 năm, Đoàn VCTĐ Quảng Bình đã có mặt làm nhiệm vụ biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ của ta từ bên kia chiến tuyến trở về trong đợt trao trả tù binh lần thứ nhất (3-1973 ). Đứng trên mảnh đất khói lửa năm xưa, lòng chúng tôi bồi hồi xúc động. Những hình ảnh, những kỷ niệm như cuộn phim tràn về…
|
Ngày 27-1-1973, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Tiếp theo đó là Hiệp định trao trả tù binh đợt 1 được tiến hành một số nơi ở miền Nam, trong đó có Bến Vượt trên sông Thạch Hãn, đối diện Thành cổ Quảng Trị do chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang chiếm giữ.
Tại thời điểm đó, Đoàn VCTĐ Quảng Bình đang trên đường phục vụ các đơn vị bộ đội vùng sâu huyện Minh Hóa thì nhận được lệnh quay về nhận nhiệm vụ vào phục vụ chiến dịch trao trả tù binh ở Quảng Trị.
Chỉ trong vòng mấy ngày, chúng tôi khẩn trương làm công tác chuẩn bị để kịp lên đường. Ngoài chương trình biểu diễn chính quy, Ban chỉ huy của đoàn bố trí hai chương trình gọn nhẹ mang tính xung kích để phù hợp với điều kiện phục vụ dã ngoại. Công tác hậu cần như phông màn, nhạc cụ, loa máy, lương thực thực phẩm, phương tiện hành quân… tất cả đều sẵn sàng!
Một ngày đầu tháng 3-1973, hai chiếc Zin 157 rời doanh trại từ cơ quan Tỉnh đội chở đoàn vượt phà Quán Hàu tiến vào phía Nam. Qua cầu Hiền Lương, ngang qua Đông Hà, chúng tôi dừng chân tại điểm trao trả, một bãi cỏ ven sông Thạch Hãn của thôn An Đông. Tại đây, đã có lực lượng của bộ đội, du kích địa phương che lán trại, nhà bạt, căng băng cờ, khẩu hiệu… và việc tiếp nhận tù binh đã diễn ra cách đó mấy ngày.
Vừa xuống xe, hạ ba lô, chúng tôi khẩn trương bắt tay vào công việc chọn nền đất bằng phẳng bên bờ sông làm sân khấu, một tấm vải màu xanh hòa bình cỡ 25m2 được căng lên làm phong hậu. Trong khi cánh con trai đang chuẩn bị sân khấu thì một số diễn viên nữ đã xuống bến sông cùng với mọi người tham gia đón những người lính trở về. Thật cảm động!
Từ phía bờ bên kia Thành cổ, những chiếc xuồng nhôm nhà binh của Việt Nam Cộng hòa chở anh em tù binh lần lượt hướng sang bờ Bắc. Khi đến giữa dòng, tất cả đồng loạt trút bỏ hết áo quần, chỉ còn lại duy chất chiếc quần cộc trên người, nhảy ào xuống sông bơi vào bờ.
Phía bờ Bắc, lực lượng đón tiếp gồm bộ đội, dân quân du kích, văn công… đã trực sẵn đều ùa xuống đón những người chiến thắng trở về. Trên những thân thể gầy còm, băng trắng chằng chịt… nhưng gương mặt toát lên niềm vui cùng nụ cười rạng rỡ, tiếng hò reo vỡ òa trong vòng tay của đồng đội. Những thương binh nặng ngay lập tức được đưa lên cáng chuyển về trạm quân y dã chiến để chăm sóc.
Không khí tại điểm đón tiếp trở nên nhộn nhịp, khẩn trương hơn. Anh em bộ đội sau khi lên bờ, tập hợp điểm danh và nhận quân trang cũng như đồ dùng cá nhân. Trong khi chờ đợi bộ phận tiếp nhận, được chuyển sang sân khấu dã chiến, đoàn văn công chuẩn bị để biểu diễn.
Với phương châm “xung kích, gọn nhẹ”, mỗi kíp diễn chỉ trong vòng từ 30 đến 45 phút, tập trung các thể loại đơn ca, tam ca, tốp ca nam nữ…với những ca khúc quen thuộc của người lính, như: Tiếng đàn Ta lư, Bình Trị Thiên khói lửa, Du kích Trị Thiên đánh xe tăng, Chào em cô gái Lam Hồng, Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng…
Ngoài các tiết mục hát, chúng tôi còn có các tiết mục độc tấu nhạc cụ… Bộ đội ngồi vòng quanh xem say sưa. Khoảng cách giữa khán giả và diễn viên càng lúc càng xích lại.
Trong không khí sôi động đó, đoàn đã tổ chức biểu diễn liên tục. Có ngày diễn đến bảy, tám suất. Ngoài chương trình diễn ban ngày cho bộ đội được trao trả, đoàn còn có nhiều buổi diễn ban đêm cho những khán giả thuộc đối tượng “nội bộ”- lực lượng hậu cần, như: Ban chỉ huy chiến dịch, quân y, lái xe, anh chị nuôi, du kích…
Suốt một tuần lễ bám sát hiện trường với hàng chục buổi biểu diễn xung kích, không có thời gian nghỉ ngơi, tuy mệt nhưng mỗi chúng tôi đều vui vì được đứng trên mảnh đất bên bờ sông Thạch Hãn anh hùng, được phục vụ cho những đồng đội, những người chiến thắng trở về…
Hôm nay, trở lại mảnh đất này sau 46 năm, chúng tôi, những người lính cầm đàn năm ấy đã bước qua tuổi "xế chiều". Một nén hương, một vòng hoa tươi thả xuống dòng sông xin gửi đến hương hồn các đồng đội… chưa về. Văng vẳng đâu đây một giọng ngâm thơ trầm và ấm:
“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”.
(Lê Bá Dương)
Đoàn Thị