"Ân tình Minh Hóa quê tôi!"

  • 08:04, 17/04/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Ai lên Minh Hóa quê mình/Chè xanh, mật ngọt đượm tình nước non!”. Câu ca cũng chính là tấm lòng chân tình người dân Minh Hóa hiếu khách dùng để mời gọi bạn bè, du khách đến với quê hương mình. Và nếu bạn đến với Minh Hóa, đến với Hội Rằm tháng ba truyền thống, chắc chắn bạn sẽ được người dân nơi đây tiếp đón nồng hậu và tiếp đãi bằng những món ăn truyền thống, những làn điệu dân ca say đắm lòng người. Đó chính là “Ân tình Minh Hóa quê tôi!”.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Minh Hóa và những người có uy tín ở địa phương làm lễ cúng Bụt vào sáng ngày Rằm tháng ba tại Thác Bụt.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Minh Hóa và những người có uy tín ở địa phương làm lễ cúng Bụt vào sáng ngày Rằm tháng ba tại Thác Bụt.
Từ xa xưa, người dân Minh Hóa đã dặn lòng với nhau rằng: “Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba...”. Ai đã từng đến dự Hội Rằm tháng ba ở Minh Hóa, dẫu chỉ một lần thôi cũng sẽ không bao giờ quên được những ấn tượng đặc biệt của nó.
 
Đó là vẻ huyền ảo của ánh trăng rằm miền sơn cước quyện trong tiếng hát đúm (một điệu hát giao duyên của người Nguồn) bày tỏ tình yêu lứa đôi. Đó là những món ăn đặc sản đậm chất truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa…
 
Nguồn gốc của lễ hội và chợ rằm tháng ba Minh Hóa được truyền kể lại rằng: Xưa có 2 anh em nhà nọ lên lèn Ông Ngoi ở phía bắc thị trấn Quy Đạt để tìm mật ong. Lên đến đỉnh, họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới bóng cây râm mát có 12 tượng đá giống hình ông Bụt. Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng như bàn cờ tướng và trên đó có những quân cờ cũng bằng đá. Hai anh em nghỉ ngơi, ăn quýt và ngắm nhìn những tượng đá.
 
Thấy lạ, người anh dùng dây rừng buộc lấy một tượng đá và mang xuống núi, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống tắm rửa. Nhưng lạ thay khi tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi… Từ đó đến nay, thác Cúi, nơi hai anh em nhà nọ đặt bức tượng đá được gọi là thác Bụt. Và hàng năm, cứ đến rằm tháng ba, người dân lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc và tham gia lễ hội chợ rằm.
 
Từ tờ mờ sáng ngày rằm tháng ba, đại diện các làng, xã trong huyện đã đến thác Bụt dâng hương cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm làng bình yên. Sau khi cúng Bụt, người dân tìm về thị trấn Quy Đạt, trung tâm huyện Minh Hóa để tham gia chợ Rằm-phiên chợ may mắn nhất trong năm của người dân Minh Hóa.
 
Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam huyện Minh Hóa cho biết, theo quan niệm của người Minh Hóa, vào ngày này ai cũng tranh thủ đến chợ rằm, nếu không xem như cả năm đó kém may mắn. Tại phiên chợ rằm, người dân và du khách được mua bán các mặt hàng nông sản, hàng hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Minh Hóa và nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa.
 
Không chỉ mua bán hàng hóa thổ sản, chợ rằm tháng ba còn là nơi gặp gỡ, hò hẹn của các chàng trai, cô gái ở huyện vùng cao này. Đêm trước diễn ra phiên chợ rằm, nam thanh nữ tú khắp nơi đổ về Quy Đạt để gặp gỡ, hẹn họ, mong muốn tìm được cho mình một mối duyên lành. Họ vui chơi suốt đêm, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương, hát múa giao duyên dưới ánh trăng rằm. Qua phiên chợ này, nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng.
 
Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, từ ngày tái lập huyện Minh Hóa (1-7-1990) đến nay, Hội Rằm tháng ba đã được tổ chức khá bài bản, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cũng như phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân trong toàn huyện. Đến 2004, Hội Rằm tháng ba truyền thống của Minh Hóa đã được UBND tỉnh công nhận là lễ hội văn hóa truyền thống cấp tỉnh và được tổ chức thành tuần lễ.
 
Với chủ đề “Ân tình Minh Hóa quê tôi”, Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa năm 2019 được huyện tổ chức quy mô với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn. Mục đích của việc này là nhằm quảng bá hình ảnh quê hương, con người, cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của vùng đất Minh Hóa đến đông đảo bạn bè trong cả nước; tạo ấn tượng và điểm nhấn để thu hút sự chú ý và tham gia của du khách thập phương, làm tiền đề để kích cầu cho phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
 
Đến với Hội Rằm tháng ba Minh Hóa năm nay, chắc chắn bạn sẽ được người dân nơi đây tiếp đón nồng hậu và tiếp đãi bằng những món ăn truyền thống, những làn điệu dân ca say đắm lòng người. Đó chính là “Ân tình Minh Hóa quê tôi!”.
 
Lâm An

tin liên quan

Các giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer 2019
Các giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer 2019
Lễ trao giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer 2019 của Mỹ, như giải Tin nóng, giải Vì cộng đồng.... đã diễn ra chiều 15-4-2019 tại trường Đại học Columbia ở New York.
 
Giao lưu các câu lạc bộ dân ca chào mừng Hội Rằm tháng ba Minh Hóa
Giao lưu các câu lạc bộ dân ca chào mừng Hội Rằm tháng ba Minh Hóa

(QBĐT) - Nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2019, tối 16-4, tại Nhà văn hóa huyện đã diễn ra đêm giao lưu văn nghệ giữa các câu lạc bộ (CLB) dân ca trên địa bàn huyện Minh Hóa.

UNESCO thông qua hồ sơ kỷ niệm 650 ngày mất Chu Văn An
UNESCO thông qua hồ sơ kỷ niệm 650 ngày mất Chu Văn An

Ngày 16-4, khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 206 tại Paris, Pháp đã thông qua danh sách các hồ sơ để đề nghị Đại hội đồng UNESCO ra Nghị quyết cùng kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất do các quốc gia đề cử.