(QBĐT) - Sẽ không có gì lưu giữ được những khoảnh khắc đáng quý bằng những bức ảnh, bởi hình ảnh vốn có sức nặng hơn hàng vạn ngôn từ. Những ngày xuân đến, Tết về, đất trời yên bình chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, ai cũng muốn lưu giữ lại những hình ảnh mùa xuân của đất trời, của lòng người. Bởi thế nên dẫu thời xưa hay hôm nay, chụp ảnh ngày xuân vẫn là trào lưu thú vị và mang nhiều ý nghĩa.
Lưu giữ mùa xuân với ảnh trắng đen
Đồng Hới của những ngày đầu xuân nhộn nhịp hơn hẳn. Trong sức vươn của thành phố trẻ với bao đổi thay, phát triển, có những giá trị xưa cũ vẫn hiển hiện đâu đó trong những bức tường rêu phong và mãi vững bền trong ký ức nhiều người.
Xuân về, Tết đến, người Đồng Hới lại nao nao nhớ về phố thị bên sông của những năm chiến tranh nghèo khổ và xơ xác. Hơn tất cả, những bức hình đen trắng cũ kỹ là thứ có thể lưu dấu sâu đậm nhất những mùa xuân đã qua trong từng nếp nhà, từng cuộc đời.
![]() |
Người Đồng Hới hôm nay kể lại rằng, những năm 50 của thế kỷ trước, khi Đồng Hới chỉ quẩn quanh vẻn vẹn ở những dãy phố nhỏ dọc sông Nhật Lệ thì nơi này đã tồn tại gần chục tiệm chụp ảnh. Cuộc sống vật chất thiếu thốn đủ bề, người Đồng Hới vẫn vun vén cho mình một đời sống tinh thần phong phú.
Bởi sự hào sảng của những con người sống bên sông luôn mang đến cho người Đồng Hới sự lạc quan, tin yêu cuộc sống. Mỗi mùa Tết đến, người Đồng Hới bỏ lại đằng sau những chộn rộn, vất vả của năm cũ, những lo toan của năm mới để vui xuân, đón Tết.
Ông Hồ Quý Lân (Bắc Lý, Đồng Hới) kể lại rằng, những năm 50 thế kỷ trước, người Đồng Hới vẫn mê mẩn những tiệm chụp ảnh như thể nơi chốn để níu giữ giùm họ những khoảnh khắc có thể trôi tuột theo năm tháng. Nhà nghèo khổ đến đâu thì cũng có một vài bức ảnh giữ làm kỷ niệm của gia đình, nhất là mỗi dịp xuân đến.
Một trong những tiệm ảnh lớn nhất Đồng Hới thời ấy là Thịnh Phát của cụ Lương Mai, người Đồng Hải. Tiệm ảnh hiện diện ở ngay con đường lớn nhất phố thị Đồng Hới thời điểm ấy-đường Rue Marché (còn gọi là đường Chợ, sau năm 1954 đổi tên thành đường Lâm Úy-PV).
Con trai cụ Lương Mai-ông Lương Chí Thịnh (Hải Đình, Đồng Hới)-bồi hồi nhớ lại: “Thịnh Phát là vốn là tiệm ảnh được rất nhiều đối tượng khách hàng là các gia đình người Đồng Hới và cả lính Pháp đến chụp ảnh. Thanh thiếu nữ thích chụp ảnh chân dung trong studio với những phông màn màu xám, còn các gia đình lại thích chụp ảnh phong cảnh. Bố tôi kể lại rằng, tiệm ảnh đông đúc nhất là vào những dịp Tết, xuân về. Người chụp ảnh có khi phải xếp hàng dài để đợi được đến lượt”.
Đến giờ, khi người chủ của Thịnh Phát đã thành “người thiên cổ” và tiệm ảnh nổi tiếng xưa chỉ còn trong ký ức của nhiều người thì những bức hình đen trắng vẫn còn được cất giữ như một bảo vật truyền đời của gia đình ông Thịnh.
Qua thời gian và bao đổi dời của thời cuộc, người Đồng Hới vẫn lưu giữ thói quen tốt đẹp ấy như một món ăn tinh thần giúp họ đi qua những chật vật, vất vả. Lật giở cuốn album đã cũ mèm của gia đình mình, ánh mắt ông Hồ Quý Lân lấp lánh tự hào. Những tấm ảnh xưa gợi lại cho ông những câu chuyện về truyền thống gia đình, về nếp nhà và lưu giữ giùm ông những khoảnh khắc thiêng liêng bên gia đình.
“Ở đó có tuổi thanh xuân của bố mẹ tôi, anh chị tôi và cả những kỷ niệm về những năm tháng tuổi thơ của tôi, nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về. Vậy nên, đến giờ, Tết đến, gia đình quây quần bên nhau, chúng tôi lại mở cuốn album cũ ra để một lần nữa ôn lại kỷ niệm gia đình”, ông Lân xúc động nhớ lại.
Xuân trong những bức hình rực rỡ sắc màu
Niềm vui xuân mới muôn đời vẫn vậy, kể cả khi chật vật, vất vả hay khi cuộc sống đã đủ đầy. Xuân Kỷ Hợi bắt đầu bằng những ngày thời tiết thật đẹp. Trăm hoa đua nở dưới nắng vàng dịu nhẹ. Trong cái tiết trời “hợp lòng người” ấy, cùng với những cuộc du xuân thú vị sẽ không thể thiếu thú vui chụp ảnh ngày xuân. Nét đẹp ấy điểm tô thêm cho không khí xuân trong mỗi gia đình, mỗi miền quê.
![]() |
Dịch vụ chụp ảnh ngày xuân thời nay đã không còn thiếu thốn như những năm chiến tranh hay thời kỳ bao cấp. Từ máy móc, kỹ thuật đến công nghệ hỗ trợ đã có nhiều đổi khác. Bà Lê Thị Mai (Hải Đình, Đồng Hới) hào hứng kể: “Gia đình có truyền thống chụp ảnh trong mỗi dịp đoàn tụ, để xem qua thời gian, mỗi thành viên đổi thay như thế nào?
Ngày nay đã khác ngày xưa rất nhiều khi người chụp ảnh không phải chen lấn xếp thành những hàng dài để đợi đến lượt mà chỉ cần đưa điện thoại lên là có ảnh. Nếu cần chuyên nghiệp và đẹp hơn thì có thể thuê thợ chụp bằng máy ảnh chuyên dụng”.
Theo anh Trần Nguyễn Hoàng, một thợ chụp ảnh tại Lệ Thủy, xu hướng, sở thích chơi ảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi. Phần lớn khách hàng không còn chuộng chụp ảnh cỡ nhỏ để cất giữ trong các cuốn album nữa mà chủ yếu là các bức ảnh cỡ lớn, đóng khung treo ở gia đình hoặc in trên các chất liệu khác, phù hợp với điều kiện của từng gia đình.
“Cũng có nhiều gia đình, nhất là các bạn trẻ thuê chụp ảnh, họ chỉ cần lấy file mà không cần in ảnh ra. Giá mỗi bộ ảnh như thế trung bình 400 nghìn đồng/bộ. Xu hướng chụp ảnh, chơi ảnh khác trước. Ngoài đẹp, chân thực, nhiều người còn mong muốn bức ảnh phải mang tính nghệ thuật”, anh Hoàng cho biết thêm.
Nếu như trước đây, ảnh gia đình phần lớn được chụp trong các studio, với các phông nền giả thì nay, khách hàng lại thích chụp ngoại cảnh. Trước Tết, những chợ hoa xuân với rực rỡ sắc màu trở thành bối cảnh lý tưởng cho các bạn trẻ và các gia đình thực hiện các bộ ảnh xuân.
Không gian thiên nhiên đẹp, hài hòa cùng cỏ cây, hoa lá sẽ làm những bức ảnh thêm sinh động và chân thực nhất. Các dịch vụ chụp ảnh xuân nở rộ đã đáp ứng nhu cầu của mọi người khi mong muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp của mùa xuân.
Mùa xuân đã về. Đất trời đã chuyển mình, rực rỡ và lung linh hơn. Hơn tất cả, những bức ảnh sắc màu chính là phương tiện lưu giữ đẹp đẽ nhất mùa xuân của lòng người, xuân của đất trời.
Diệu Hương