Truyền lửa cho lớp trẻ đam mê hò khoan

  • 07:09, 11/09/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể hò khoan, đồng thời, giáo dục ý thức trân trọng, giữ gìn di sản văn hóa cho thế hệ trẻ, huyện Lệ Thủy đã tích cực đưa hò khoan vào giảng dạy trong các trường học. 
 
Hò khoan Lệ Thủy là một hình thức diễn xướng dân gian, là nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung. Nhiều năm nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị hò khoan Lệ Thủy luôn được đưa vào Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện.
 
Đặc biệt, Nghị quyết 22 của Đảng bộ huyện Lệ Thủy (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đưa hò khoan vào chương trình dạy hát trong các trường học. Đến nay, nhiều trường  học đóng trên địa bàn huyện đã thành lập các câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy và đi vào hoạt động có quy cũ, nền nếp.
 
Chúng tôi về trường THCS Phong Thủy, một trong những trường sớm đưa hò khoan vào chương trình học và giành được nhiều giải thưởng qua các cuộc thi văn hóa văn nghệ. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ, những đôi tay mềm dẻo của các em đưa theo từng động tác của hò khoan thấy rõ các em rất hào hứng với môn học này.
 
Từ hoạt động trên, các học sinh không chỉ học, hiểu và biết về hò khoan mà còn tích cực tham gia các chương trình, hội thi, hội diễn, góp phần tuyên truyền, quảng bá và giữ gìn, bảo tồn di sản hò khoan. 
 
"Ngay khi có nghị quyết đưa hò khoan vào trường học, trường đã cử giáo viên âm nhạc tham gia các lớp tập huấn về hò khoan của huyện. Bên cạnh đó, trường cũng mời các nghệ nhân tham gia giảng dạy thêm cho các em. Chúng tôi truyền đạt cho các em về nguồn gốc của hò khoan và tạo cho các em sự hứng thú đối với di sản của dân tộc", thầy giáo Lê Trung Chính, Hiệu trưởng trường THCS Phong Thủy cho biết.
Truyền lửa cho lớp trẻ đam mê hò khoan - Phong trào hát hò khoan đã và đang diễn ra sôi nổi trong các trường học trên địa huyện Lệ Thủy.
Truyền lửa cho lớp trẻ đam mê hò khoan - Phong trào hát hò khoan đã và đang diễn ra sôi nổi trong các trường học trên địa huyện Lệ Thủy.
Trường mầm non Hoa Thủy cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo khi đưa hò khoan vào trường học. Ngoài việc cho các học sinh xem băng đĩa về hò khoan, trường còn tổ chức lồng ghép những kiến thức về hò khoan trong các cuộc thi như “Bé khỏe, bé ngoan”, “Bé khỏe-đẹp-thông minh-nhanh trí”…
 
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Việc đưa hò khoan vào cấp học mầm non sẽ là một mạch nguồn để hình thành tình yêu của trẻ đối với di sản văn hóa của dân tộc".
 
Ngoài hai trường trên, nhiều trường có câu lạc bộ hò khoan được thành lập từ sớm và hoạt động hiệu quả như ở Trường mầm non Hoa Mai (thị trấn Kiến Giang), Trường tiểu học số 1 Hồng Thủy, Trường THCS Mỹ Thủy, Trường THCS Kiến Giang, Trường THCS An Thủy, Trường Phổ thông bán trú TH và THCS Lâm Thủy, Trường Phổ thông bán trú TH và THCS Ngân Thủy... 
 
Đến thời điểm này, 100% trường học từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn huyện đều đã thành lập câu lạc bộ hò khoan và hoạt động có nề nếp, làm dấy lên phong trào hát dân ca của học sinh nói riêng và trong đời sống cộng đồng dân cư Lệ Thủy nói chung.
 
Hàng năm, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện còn tổ chức những cuộc thi, hội diễn giữa các trường, các cấp học về hò khoan để động viên, khuyến khích cũng như xây dựng, củng cố phong trào hát hò khoan trong mỗi đơn vị trường học. Phòng cũng đã xây dựng được trang web riêng về hò khoan tại địa chỉ: hokhoanlethuy.edu.vn.
 
Bà Võ Thị Tường Vy, Phó Trưởng phòng Giáo dục-đào tạo huyện Lệ Thủy cho biết: "Thời gian tới, Phòng sẽ tăng cường chỉ đạo đưa hò khoan vào các tiết dạy ngoại khóa nhằm nâng cao chất lượng mô hình “trường học thân thiện-học sinh tích cực”, góp phần bảo tồn di sản phi vật thể của quê hương Lệ Thủy.
 
Đồng thời tích cực sưu tầm những làn điệu, những bản ghi âm, ghi hình từ các CLB, các nghệ nhân vì đây là những tư liệu quý trong việc phục dựng những làn điệu, những dấu ấn văn hóa xưa".
 
Phong trào tìm hiểu, học hát về hò khoan đã và đang diễn ra sôi nổi trong các trường học trên địa huyện Lệ Thủy thể hiện tính hiệu quả, đúng đắn của của chủ trương đưa hò khoan vào trường học. Đó thực sự là tín hiệu vui trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa quý giá này, góp phần để các làn điệu hò khoan mãi được lưu truyền theo thời gian.
 
Phạm Hà

tin liên quan

Một công trình địa chí văn hoá-tôn giáo tâm huyết
Một công trình địa chí văn hoá-tôn giáo tâm huyết

(QBĐT) - Hơn 10 năm trở lại đây, độc giả ở Quảng Bình và cả nước dần quen biết nhà nghiên cứu Trần Văn Chường qua các công trình địa chí, nghiên cứu lịch sử, văn hóa...

Mẹ Huyễng
Mẹ Huyễng

(QBĐT) - Mẹ ngồi khâu nắng vào đêm

Lần theo ký ức tay têm miếng trầu
Da mồi mưa nắng dãi dầu
Động Lòi còn đó, giếng Bàu còn đây
Non sông đất Việt mãi xanh tươi
Non sông đất Việt mãi xanh tươi
(QBĐT) -  Ngọn cờ đổi mới Đảng giương cao
                  Nơi nơi hưởng ứng dậy phong trào
                  Nông thôn mới giàu dân thịnh nước
                  Tư tưởng sáng ngời Bác đã trao