Người mang 'Mặt trời đến lớp'

  • 07:08, 06/08/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Mặt trời đến lớp” là tập thơ thứ tư của chị, nhà thơ – cô giáo Trần Thị Huê. Sau những phá cách trong những tập thơ “Giấc mơ nhật thực”, “Giữa tro và cõi sống”, ở tập thơ mới viết cho thiếu nhi này, chị lại trở về với sự dịu dàng và trong trẻo của người đang ngày ngày gắn bó với những khóc cười con trẻ.
 
Nhà thơ Trần Thị Huê (sinh năm 1970) sinh ra và lớn lên bên dòng Long Đại (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh). Cuộc sống riêng tư đầy vất vả, công việc của một cô giáo mầm non chẳng hề thảnh thơi, nhưng từ năm 2001 đến nay, chị đã xuất bản bốn tập thơ, trong đó có ba tập xuất bản từ năm 2012 đến 2017. Giữa thời buổi thông tin ngập tràn báo chí, mạng xã hội với sự nóng nổi, ly kỳ, hấp dẫn, thơ chị đương nhiên không tránh được sự lẻ loi. Nhưng chị vẫn miệt mài đi, miệt mài viết và in sách, nâng niu tác phẩm của mình và chia sẻ với bạn bè, những người yêu văn chương, yêu con người hiền lành, có chút ngây thơ của chị.
 
“Mặt trời đến lớp” gồm 101 bài thơ. Những bài thơ không hoa mỹ mà giống như lời tâm tình, thủ thỉ. “Rừng cây này của bố/Xanh màu xanh non tơ/Mới sáng sớm tinh mơ/Bố ngược rừng đến bản/Rừng cây mùa khô hạn/Bố vất vả hơn nhiều/Em ước giọt mưa chiều/Sớm về cùng với bản…” (Thương bố). Lúc đọc những dòng này, tôi hình dung thấy chị cùng lũ trẻ ngồi nơi lớp học và nhìn về phía khu rừng, đăm chiêu và đầy yêu thương. Hay “Ngôi nhà Cún có từ lâu/Ba và mẹ đã sơn màu lúa non/Từ nơi xa mẹ thấy con/Ngày ngày đến lớp bước tròn lối đi/Trời chiều lệch nắng mỗi khi/Vườn rau xanh với làn mi Cún nhìn…” (Ngôi nhà của Cún), trong thơ, chị nhìn với ánh mắt của nhà thơ, của người mẹ và của cả cô giáo trường làng. Âu yếm, dịu dàng, yêu thương Cún và yêu màu lúa non của ngôi nhà, con đường quen thuộc với ánh nắng chiều rực rỡ…
 Những tập thơ của cô giáo – nhà thơ Trần Thị Huê
Những tập thơ của cô giáo – nhà thơ Trần Thị Huê
Thế giới đồng quê trong mắt nhìn của chị sinh động vô cùng: “Cô tép mặc áo mỏng manh/Tôm mặc chiếc áo màu xanh vỏ dày/Tôm bơi bơi suốt đêm ngày/Còn nàng tép nhỏ cấy cày bờ tre/Chiều buông nắng ở sau hè…” (Tôm và tép). Những vần thơ gần gũi với cuộc sống, với lũ trẻ ở quê được tung tăng theo mẹ cha ra đồng những ngày nghỉ học. Chị viết cho những cô bé, cậu bé nơi trường mẫu giáo chị dạy, cũng là viết cho cô con gái đáng yêu từng là học trò của chị, tình yêu của chị mang cả hai vai, mẹ và cô giáo, vẹn tròn và đầy trách nhiệm.
 
Ờ đầu tập thơ là bài "Cô giáo mầm non" như một lời tâm sự về con đường chị đã chọn: “…Em yêu nghề không phút thảnh thơi/Những vần thơ đọng nụ cười con trẻ/Những vòng tay nối mãi với vòng tay…”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, giảng viên Trường đại học Quảng Bình, khi đọc "Mặt trời đến lớp" đã chia sẻ, cái tâm của nhà thơ với nghề được bộc bạch rõ trong bài thơ này, nhất là đoạn mở đầu “Suy ngẫm bao nhiêu/Vẫn không đủ với nghề/Nghề giáo viên mầm non em đã chọn/Cao quý trong bao nghề cao quý…”.  Bận rộn và nhọc nhằn, nhưng chẳng vì thế mà chị dừng khát khao thấu cảm tâm hồn trẻ thơ để nuôi dạy các cháu khoẻ mạnh, chăm ngoan, học giỏi…
 
Tôi từng gặp nhiều nhà văn, nhà thơ, những người có thể tách biệt được đời thực và nghệ thuật để vừa mới phiêu du đó đã có thể trở về với đời thường và đương đầu với bao nhọc nhằn, khó khăn của cuộc sống. Nhưng trong Trần Thị Huê dường như chỉ có một con người, trong trẻo, nhiều khát vọng và không mảy may giận dỗi cuộc đời, dù đời chị lắm truân chuyên nhọc nhằn. Bận rộn với lớp học, với cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, với bố mẹ già ngoài 80 tuổi,  mà mẹ đã bị tai biến nằm liệt giường từ hơn hai năm nay, chị làm thơ vào ban trưa, khi lũ trẻ đã ngủ ngon hay vào lúc nửa khuya, khi cả ngôi nhà đã say giấc ngủ. Cũng có khi trên hành trình dài một mình qua rừng qua núi, xúc cảm ào đến, chị viết vội vào cuốn sổ tay.  Viết và miệt mài in thơ, háo hức, bồi hồi chờ đón những đứa con tinh thần ra đời dù sau đó phải tính toán thiệt hơn khi thơ ế ẩm. Nhưng chị vẫn đi, vẫn yêu thương, vẫn viết với ánh nhìn nhân văn, trong trẻo của một cô giáo trường làng…
 
Bởi là cô giáo trường làng nên trong thơ chị, thế giới trẻ thơ và những gà trống, chú mèo, ếch con, chim sâu, con ong… và cỏ hoa rộn ràng bay lượn toả hương. Lớp học mẫu giáo trong thơ chị đáng yêu hơn bao giờ. Sau những phá cách trong hai tập “Giấc mơ nhật thực”, “Giữa tro và cõi sống”, có một Trần Thị Huê xưa cũ, dung dị đã trở lại. Nếu bạn tình  cờ gặp người phụ  nữ vóc dáng hao gầy với nụ cười hiền lành, tay ôm những tập thơ bìa xanh in hình mặt trời rực rỡ, thì đó chính là chị, cô giáo – nhà thơ mang theo mặt trời đến lớp. Và dù đời thực phải đối mặt với bao nhọc nhằn, vất cả, tình yêu cuộc sống trong chị vẫn chưa bao giờ vơi cạn.
 
Diệp Đồng

tin liên quan

Khôi phục lễ hội cầu mùa thôn Cừa Thôn
Khôi phục lễ hội cầu mùa thôn Cừa Thôn

(QBĐT) - Lễ hội cầu mùa rằm tháng sáu của ngư dân Cừa Thôn (Hải Ninh, Quảng Ninh) là lễ hội truyền thống xuất hiện cách đây hàng chục năm, trải qua thời gian, lễ hội mai một dần... Vừa qua, bà con trong thôn đã tổ chức khôi phục lại lễ hội truyền thống này. 

Nỗi nhớ
Nỗi nhớ
(QBĐT) - Những con đường đi ra từ trái tim
                   Trải hết mình trong lòng đất nước
                   Đất nước mùa thu mấy nghìn năm đánh giặc
                   Những con đường trẻ mãi với thời gian
 
Lệ Thủy sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Lệ Thủy sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - UBND huyện Lệ Thủy cho biết, trong dịp kỷ niệm 107 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, huyện sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác.