Đọc sách 'Địa chí xã Quảng Kim'

  • 07:06, 06/06/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuốn sách Địa chí xã Quảng Kim dày 300 trang, khổ 16x24cm, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế ấn hành quý 1 năm 2018, do Lê Trọng Đại chủ biên, cùng các tác giả và cộng sự khác gồm: Trần Hữu Danh, Bùi Thị Nhàn, Từ Nhật Tú, Trần Công Thoan, Nguyễn Hữu Duy Viễn, Phan Uy, Đặng Văn Đôn, Từ Đình Ngoãn, Chu Bá Viên. Sách có bố cục gồm 5 phần, 10 chương.
 
Trong đó:
 
- Phần 1 có 2 chương: Đặc điểm địa lí tự nhiên và dân cư; lịch sử khai thiết vùng đất Quảng Kim.
 
- Phần 2 có 3 chương: Nông nghiệp; tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ; hệ thống giao thông, thủy lợi.
 
- Phần 3 có 5 chương: Tổ chức làng xã; các dòng họ ở Quảng Kim; các giá trị văn hóa vật thể; các giá trị văn hóa phi vật thể; nhân vật.
 
- Phần 4: Phụ lục.
 
Trong lời giới thiệu, Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Giám đốc Công an tỉnh viết: Quảng Kim là một “Vùng đất hội tụ linh khí của đất trời góp phần hun đúc nên phẩm chất, tính cách con người Quảng Kim với nét đẹp dân dã, mộc mạc, chân thực, thủy chung và nhân hậu”.
 
Mỗi thời kì, mỗi giai đoạn lịch sử, vùng đất Quảng Kim đều có vai trò quan trọng với huyện Quảng Trạch nói riêng và Quảng Bình nói chung bởi vì vị thế địa chính trị của xã Quảng Kim “Được sông Thai và sông Càng bao bọc, ôm ấp, thành thế đất lưng tựa núi, mặt nhìn ra sông tạo cho Quảng Kim tự bao đời nay trở thành một trong những làng quê có phong cảnh sơn thủy hữu tình trong huyện Quảng Trạch”. Sống trong hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, giao thông cách trở, nhưng các thế hệ cư dân Quảng Kim xưa đã rèn luyện cho mình ý chí, sự nỗ lực bền bỉ, khí phách kiên cường để bám trụ và gây dựng nên sản nghiệp cho các thế hệ con cháu hôm nay.
 
Cùng với thời gian, nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu được các thế hệ tiền nhân sáng tạo và tích lũy, như: đình chùa, ghè miếu, các phong tục lễ, tiết, các loại hình văn học, nghệ thuật diễn xướng dân gian...
 
Địa chí xã Quảng Kim cũng giới thiệu  quá trình lịch sử, đặc điểm của địa hình qua các tên gọi cồn, sác; những đặc sản của núi rừng Quảng Kim như quả sim, quả dâu rừng, quả muông, quả sấu, quả móc....
 
Chương 2 cuốn sách viết về lịch sử khai thiết vùng đất Quảng Kim, đó là các phương thức sáng tạo ra địa danh gồm: phương thức tự tạo, phương thức chuyển hóa địa danh, đây là những phương thức mà cơ bản địa phương nào cũng có. Nhưng ở Quảng Kim lại có đặc điểm riêng của xã, đó là có những địa danh gắn với gia phả các họ khai khẩn ở Quảng Kim như Võ Uy quận, Tiền Đông Hải quận, Nhã Nam quận, Bái Quốc quận, Nam Khê quận, Kinh Đào quận, hoặc có những địa danh gắn với tên làng như danh xưng Kiêm Long, Hùng Sơn, Xuân Hòa.
 
Các dòng họ ở Quảng Kim gồm có họ Từ Lớn, họ Từ Vặc, họ Chu, họ Tạ, họ Giả, họ Diệp, họ Tiếu, họ Hứa, họ Phan, họ Lê, họ Nguyễn và họ Hồ. Các dòng họ ở đây được các tác giả cung cấp thông tin một cách chi tiết về thủy tổ dòng họ, quá trình khai canh, khai khẩn lập làng xã, đóng góp của các dòng họ vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển kinh tế của địa phương.
 
Xã Quảng Kim hiện đang sở hữu nhiều giá trị văn hóa vật thể đặc trưng của làng quê Quảng Bình, đó là miếu Cao Các Mạc Sơn ở làng Xuân Hòa và Kiêm Long; miếu Bà Càn, miếu Bà Hỏa ở Kiêm Long; miếu Thần Nông, miếu Ngũ phương, miếu Cồn Nghè, Nghè Nương Kho, Nghè Giếng Mội, Nền Thánh Văn, Nền Thánh Võ, đình làng Kiêm Long, đình làng Hùng Sơn, điếm Kiêm Long, chùa Càng, chùa Thai; giếng làng gồm có giếng Chợ, giếng Đông, giếng Mội đều nằm rải rác trên địa bàn các thôn của xã.  Cuốn sách cũng thể hiện  đời sống văn hóa ẩm thực phong phú  của người dân Quảng Kim với nhiều loại bánh trái đặc sản của vùng như bánh chưng, bánh tét, bánh cuốn, bánh trụng (bánh ít), bánh mật, bánh gai, bánh cốm, cà mắm, cà muối trường, bầu luộc, bầu muối chua, cá choạc, cua đá, cá nhét kho rim; đồ uống gồm có các loại nước được nấu từ lá như chè xanh, lá vằng, lá vối. Người Quảng Kim có câu tục ngữ “Trồng thuốc vào chòi Mè, trồng chè sang mái Rậm". Trước đây, người dân Kiêm Long, Hùng Sơn thường nấu nước chè xanh hoặc lên rừng bứt lá vằng nấu nước uống hằng ngày. Chè xanh ngon nhất là chè ở mái Rậm.
 
Cũng như một số làng quê khác của nước ta, xã Quảng Kim ẩn chứa trong mình nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, đó là hội làng, lễ kỳ phúc, lễ hoàng trùng (tống ôn), lễ hổ, lễ tết trâu bò... Mỗi lễ hội đều có đặc trưng riêng của nó, như lễ tết trâu bò là một ví dụ: “Mừng năm mới, để cảm ơn thần rừng che chở đàn gia súc và cầu mong năm mới thời tiết thuận hòa, cỏ cây phát triển, không có dịch bệnh cho trâu bò sinh đàn, sinh đống, cứ đến sáng mồng một Tết, người dân xã Quảng Kim tổ chức lễ tết trâu bò”.
 
Địa chí xã Quảng Kim còn giới thiệu với người đọc về bài chòi cùng các trò chơi khác đó là cờ thẻ, xé cù, đánh đu, các trò chơi dân gian ..
 
Xin được trích ra đây câu ca dao ca ngợi về vẻ đẹp cũng như tình dân của Quảng Kim :
 
“Ai ra miền Bắc Quảng Bình,
Xin mời ghé lại quê mình Quảng Kim.
Quê tôi gò nổi gọng kìm,
Hai sông uốn lượn như hình song long.
Hoành Sơn một dãy cong cong,
Tựa hình bán nguyệt, núi sông hữu tình”.
         
Trần Nguyễn Khánh Phong

tin liên quan

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tặng bằng khen cho Quốc Cơ, Quốc Nghiệp
Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tặng bằng khen cho Quốc Cơ, Quốc Nghiệp
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL quyết định tặng bằng khen cho anh em "hoàng tử xiếc" Quốc Cơ - Quốc Nghiệp vì thành tích xuất sắc tại Tìm kiếm Tài năng Anh 2018.
 
Quốc Cơ-Quốc Nghiệp tỏa sáng tại chung kết Britain's Got Talent 2018
Quốc Cơ-Quốc Nghiệp tỏa sáng tại chung kết Britain's Got Talent 2018
Trong đêm chung kết Britain's Got Talent 2018 diễn ra tối 3-6 tại London, màn biểu diễn chồng đầu ấn tượng của hai anh em "Hoàng tử xiếc Việt Nam" Quốc Cơ-Quốc Nghiệp đã khiến khán giả hồi hộp đến nghẹt thở, để rồi sau đó là những tràng vỗ tay không ngớt. 
 
Mùa gặt
Mùa gặt
(QBĐT) - Tôi về gom nắng ở quê
Hong khô sân lúa gặt về sáng nay
Sấm vẫn đì đùng đằng tây
Mây thì vần vũ giăng đầy đằng đông.