(QBĐT) - Hai chiếc máy bay F4H từ ngoài biển lao vào. Chúng bay dọc theo dãy núi Ba U rồi quành lại lượn một vòng. Chị Hữu hô to: “Các khẩu đội chú ý! Bám sát mục tiêu. Chiếc thứ 2 có hiện tượng bổ nhào. Hướng ba - tư, tốc độ một ngàn năm trăm, cự li một ngàn tám, điểm xạ dài”.
Lá cờ lệnh trên tay chị phất mạnh. Hai khẩu đội 12 li 7 ở trận địa Giếng Đồng bắn thẳng vào mặt hai con quạ sắt. Chúng đã phát hiện được trận địa ta. Lần này lợi dụng ánh nắng chói chang của mặt trời, chúng chọn hướng 2 (hướng tây) phía núi Nhà Ngùi, lao xuống. Đạn 20 li quất ràn rạt.
Chị Hữu bị mảnh đạn cắm phập vào bắp chân, chị Miện bị mảnh đạn sớt qua mang tai, máu chảy ròng ròng. Các chị vẫn bình tĩnh chờ cho chiếc máy bay thứ 2 lọt vào thước ngắm “to bằng con vịt” mới siết cò. Chị Miện đã kéo gần hết cả băng đạn. Chiếc máy bay tròng trành ngóc đầu lên rồi ngụp xuống, nó gắng gượng đến hòn Léc thì sập hẳn.
Trận đánh xảy ra đã trên năm mươi năm. Sau lệnh ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc, tất cả trung đội 12 li 7 đều xung phong vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Họ tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Chị Miện đi “bộ đội không sao” phục vụ chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Chị ở lại trạm xá binh trạm Đoàn 559. Hết chiến tranh, có người nằm lại chiến trường không trở về, có người con cái sinh ra bị tật nguyền vì nhiễm chất độc da cam.
Chị Hoàng Thị Thảy, người xạ thủ số 2 có 2 đứa cháu bị tật nguyền, 1 đứa chết vì ung thư máu. Chị Miện về quê lấy anh Hoàng Xuân Tiểng, một công nhân đường sắt. Suốt 15 năm trời không sinh nở, ra khám tại Bệnh viện Việt Đức ngoài Hà Nội, bác sỹ cho biết chị đã bị nhiễm chất độc da cam không thể có con được nữa. Rất thương chồng nên chị kiên quyết "giải thoát"... cho anh. Chị lại tình nguyện nuôi nấng , giúp đỡ nuôi một số con cái của đồng đội...
Hội Cựu chiến binh xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn) đã dựng cho chị một ngôi nhà tình nghĩa. Ngôi nhà ngói 2 gian, đêm đêm đầy ắp tiếng cười. Những nữ cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong lại đến chuyện trò cùng chị. Tiền thương tật, tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam không đủ sống, chị phải làm thêm nghề tráng bánh đa và nấu rượu. Có tiền, chị lại giúp đỡ cho các cháu, con các thương, bệnh binh khó khăn hơn.
Đặc biệt là khi anh chị em thương bệnh binh đau ốm, chị đến để chăm sóc như người nhà. Vốn đã từng làm hộ lý ở bệnh viện dã chiến trong quân đội, chị trở thành một “hộ lý ngoài biên chế” chăm sóc đồng đội đi nằm viện. Chị tham gia đều đặn các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong và Hội Người cao tuổi, coi các chi hội là tổ ấm của mình. Coi anh em đồng đội như ruột thịt nên khi bệnh cũ tái phát, chi hội cựu chiến binh lại thay phiên nhau ra tận Hà Nội để nuôi chị trong những ngày chữa bệnh.
Mang đầy mình bệnh tật của di chứng chiến tranh, chị Nguyễn Thị Miện là một cựu chiến binh đã vượt lên số phận.Chị Miện quả thật là một tấm gương tàn nhưng không phế. Chị đã vượt lên mọi nỗi đau giữa cuộc sống đời thường.
Hoàng Minh Đức