Thắp lửa cho lực lượng văn học trẻ

  • 01:05, 22/05/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có hay không có lực lượng văn học trẻ Quảng Bình? Đây là câu hỏi đau lòng, đầy trăn trở của những thế hệ đi trước và bạn đọc cả nước.
 
Vừa qua, Hội VHNT Quảng Bình đã tổ chức một chuyến đi thực tế cho các tác giả trẻ. Đây là hoạt động thường niên của hội nhằm phát hiện, động viên, khích lệ các cây bút trẻ. Tuy nhiên, có một thực tế khá nghiệt ngã, trong khi hội viên mỹ thuật và nhiếp ảnh khá xôm trò thì các cây bút văn học trẻ hầu như vắng bóng, mặc dù Trưởng ban sáng tác trẻ Nguyễn Lương Sáng đã nâng độ tuổi trẻ lên đến 40.
 
Nói đến văn học trẻ là nói đến sự trẻ trung, tinh nhạy, hoạt bát, năng nổ và có cả sự nổi loạn, bứt phá đầy táo bạo của thế hệ mười ngón tay, thế hệ bàn phím. Tôi rất tin tưởng và kì vọng về năng lượng của các cây bút trẻ. Chính họ mang đến nhịp điệu, cái nhìn và tư duy trẻ cho cánh đồng chữ. Tuy nhiên, thực tế, văn học trẻ của chúng ta quá ít ỏi. Nếu so sánh với các địa phương xung quanh chúng ta, ví dụ như Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, thì lực lượng trẻ của chúng ta rất mỏng.
 
Tính từ độ tuổi 35 trở lại, chúng ta có thể kể đến những gương mặt như Trác Diễm (truyện ngắn, tiểu thuyết), Hoàng Thúy (thơ), Lê Hương (phê bình), Mai Như Quỳnh (Suzu Fukazime) (tiểu thuyết), Hoàng Đào Ngọc Trinh (truyện ngắn), Diệu Hương, Mai Nhân (chân dung, ghi chép, ký đậm tính báo chí),... và mới xuất hiện Nguyễn Thị Hiểu (tản văn). Trước đây, chúng ta có Phạm Anh Xuân mới bén văn xuôi đôi chút nhưng bây giờ đã dừng cuộc chơi. Như thế, sáng tác văn học trẻ của chúng ta chỉ mới đếm trên đầu ngón tay. Vậy nguyên nhân của sự thiếu hụt này do đâu? Theo tôi, có nhiều nguyên nhân, trong đó, tôi chú trọng 4 nguyên nhân chính sau:
 
Thứ nhất, các bạn trẻ hiện nay chưa thực sự đam mê, nhiệt huyết với văn học. Internet đã khiến các bạn trẻ cuốn theo lối sống mới. Sự đọc chưa được đặt lên hàng đầu dù chúng ta mấy năm gần đây có tổ chức các hội thảo, tuyên truyền văn hóa đọc sách. Mà văn học, không đọc, không tiệm cận thì lấy đâu ra sức bền để chạy đua đường đài. Các bạn trẻ xem văn chương là một cuộc chơi. Nhưng cần phải thấy đây là một cuộc chơi bản lĩnh và trí tuệ.
 
Thứ hai, cần có nguồn kinh phí động viên, khích lệ từ phía Hội VHNT. Chúng ta mới chỉ động viên, khuyến khích chung chung qua một số cuộc gặp mặt, các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác... Chúng ta chưa mời được nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi giao lưu, gặp gỡ.  Chưa mở được lớp bồi dưỡng văn. Kinh phí rót cho văn trẻ còn mỏng. Như vấn đề hỗ trợ sáng tác, ra mắt sách đối với các cây bút trẻ chưa là hội viên vẫn còn khá xa vời. Thiết nghĩ, đối với vấn đề hỗ trợ sáng tác, chúng ta nên dựa trên chất lượng tác phẩm hơn là căn cứ hội viên hay chưa hội viên.
 
Thứ ba, các cây viết trẻ rất cần sự nâng đỡ của các nhà phê bình để vượt vũ môn. Thế nhưng, một thực tế xảy ra nữa, lực lượng phê bình của chúng ta khá khan hiếm, khó có thể bao quát hết sáng tác. Lực lương phê bình Quảng Bình có Mai Thị Liên Giang, Dương Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Nga, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Lê Hương,... Nhưng hoạt động thường xuyên và năng nổ vẫn là Mai Thị Liên Giang, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh. Với số lượng ít ỏi ấy làm sao có thể đảm đương nhiệm vụ bao quát đời sống văn học? Chúng ta có thêm một số nhà văn nhà thơ kiêm viết phê bình (dạng điểm sách) như Hoàng Vũ Thuật, Hoàng Thái Sơn, Thế Tường, Hữu Phương, Lý Hoài Xuân,... Song tình hình phê bình vẫn không khấm khá hơn.
 
Thứ tư, Hội VHNT chưa bảo đảm tốt và thường xuyên kế hoạch thi viết thơ văn hay, giao lưu văn học giữa nhà văn, nhà thơ với học sinh ở các trường. Khi chưa có sự phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục thì văn học trẻ tất yếu dễ rơi vào vùng trắng.
 
Vậy, nếu 4 nguyên nhân trên được giải tỏa, tôi tin chúng ta đã thực sự tiếp sức, thắp lửa đam mê cho rất nhiều bạn trẻ dấn thân vào văn chương. Và nếu tạo được không khí văn chương thiết thực như thế, sáng tác trẻ ở Quảng Bình sẽ dày hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Bởi lẽ, một nền văn học mà thiếu đi sức trẻ thì sự già cỗi dễ dàng thống lĩnh và hạn chế nhiều thứ, trong đó, tiếp cận cái mới là một ví dụ. Văn học không có đường biên và luôn vận động. Vì thế, sự phát triển văn học, tiếp cận cái mới bao giờ cũng là nhu cầu tất yếu. Cần có sự chuyển giao giữa các thế hệ để bảo đảm tính phát triển của văn học.
 
Nhưng, văn học Quảng Bình xem ra chưa có sự chuyển giao hợp lý. Các thế hệ nhà thơ nhà văn đi trước như Hoàng Vũ Thuật, Văn Lợi, Hoàng Bình Trọng, Hữu Phương, Hoàng Thái Sơn, Thế Tường, Lý Hoài Xuân, Nguyễn Quang Vinh, Thái Hải,... đều đã gặt hái nhiều thành công. Các đội ngũ kế cận như Đỗ Thành Đồng, Trần Thị Huê, Phan Văn Chương, Trương Thu Hiền, Nguyễn Thế Nhân, Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên,... cũng đã và đang khẳng định giọng điệu và bút văn của mình. Tuy vậy, vẫn chưa thể gặt hái nhiều thành công như các thế hệ đi trước. Nhiệm vụ giữ ngôi đền văn chương Quảng Bình xem ra chưa thực hiện được.
 
Tiếp theo đội ngũ 40, 50 tuổi này, thế hệ bàn phím (dưới 35), theo tôi, lại càng suy giảm hơn, cả về số lượng lẫn chất lượng. Hoạt động năng nổ và thường xuyên nhất chỉ có Trác Diễm. Mai Nhân và Diệu Hương chủ yếu hoạt động ở môi trường báo chí nên các bài viết quá đậm chất báo chí. Các cây bút khác thì thỉnh thoảng mới dạo chơi ngôi nhà văn chương. Do đó, tôi khẳng định thêm lần nữa, văn học Quảng Bình chưa có sự chuyển giao thế hệ hợp lý.
 
Làm nên bề dày lịch sử văn học Quảng Bình là sự góp sức của những tên tuổi như Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh, Xích Bích, Dương Tử Giang, Xuân Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật, Trần Nhật Thu, Bảo Ninh, Hoàng Bình Trọng, Văn Lợi, Hữu Phương, Hoàng Thái Sơn, Thế Tường, Lý Hoài Xuân, Nguyễn Quang Vinh, Thái Hải,... Họ là niềm tự hào của văn học Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, thiếu văn trẻ để tiếp nối, thì văn học Quảng Bình sẽ có một khoảng trống không thể nào lấp nổi. Các cây bút trẻ cần cố gắng hết sức mình mới làm tròn trọng trách chuyển giao giữa các thế hệ. Về trách nhiệm của Hội VHNT, chủ quan và lơ là với văn trẻ tất yếu đẩy văn học Quảng Bình vào khoảng lặng trên bản đồ văn chương Việt Nam.
 
Văn trẻ Quảng Bình chưa đủ khả năng để so sánh với các thế hệ đi trước, nhưng chúng ta có quyền đặt niềm tin, hi vọng ở sức trẻ và sự xông xáo của họ. Đội ngũ kế tục ắt sẽ làm nên diện mạo và không khí mới cho văn học Quảng Bình.
 
Hoàng Thuỵ Anh

tin liên quan

Mở lớp truyền dạy kỹ năng đàn và hát ca trù
Mở lớp truyền dạy kỹ năng đàn và hát ca trù

(QBĐT) - Sáng 21-5, tại TX. Ba Đồn, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) đã khai mạc lớp truyền dạy kỹ năng đàn và hát ca trù năm 2018. 

Ed Sheeran và Taylor Swift thắng lớn tại Lễ trao giải Billboard 2018
Ed Sheeran và Taylor Swift thắng lớn tại Lễ trao giải Billboard 2018
Lễ trao giải âm nhạc Billboard 2018 vừa khép lại, với Ed Sheeran và Taylor Swift là hai trong số những nghệ sỹ thắng lớn tại sự kiện này. 
 
Làng tôi
Làng tôi
(QBĐT) - Làng tôi ở cạnh dòng sông
Hàng tre xanh giữa cánh đồng lúa xanh
Mấy lần giặc dã chiến tranh
Người quê vẫn giữ nguyên lành nếp quê…