Sức sống thơ Đường

  • 07:05, 10/05/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ra đời từ nhiều thế kỷ trước, trải qua những thăng trầm, chìm nổi cùng lịch sử, thơ Đường vẫn có sức sống lâu bền cho đến hôm nay. Ở Quảng Bình, tình yêu dành cho thể thơ bác học này vẫn như ngọn lửa ấm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, dẫu  vẫn còn bao niềm trăn trở...
 
Không ồn ã như những thể loại văn học nghệ thuật khác, thơ Đường đĩnh đạc sống qua những thăng trầm của lịch sử phát triển văn học nghệ thuật. Dẫu là thể loại khá kén người đọc và người sáng tác, nhưng thơ Đường vẫn có một chỗ đứng riêng làm nên sức sống lâu bền qua nhiều thế kỷ, mà như nhà phê bình văn học Hoài Thanh gọi thơ Đường là “nói rất khẽ, bước rất êm”. Ở Quảng Bình, thơ Đường vẫn có chỗ đứng vững chãi khi tại nhiều địa phương, các CLB thơ Đường ra đời từ nhiều năm qua. Sân chơi thơ Đường nhỏ hẹp, thâm trầm hơn nhiều thể loại văn chương nghệ thuật khác, nhưng lành mạnh và mang nhiều ý nghĩa. Cuộc thi nào về thơ Đường cũng nhận được sự tham gia nhiệt tình của những người yêu thơ.
 
Năm 2017, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh tổ chức tổng kết cuộc thi thơ với chủ đề “Thắp sáng niềm tin” với 2 thể loại thơ lục bát và thơ Đường luật. Xuất phát từ ý nghĩa, nội dung và thể lệ cuộc thi, đặc biệt là việc phối hợp tuyên truyền của Báo Quảng Bình, Tạp chí Nhật Lệ, Tạp chí Văn hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình nên đã nhanh chóng tạo sức lan tỏa và thu hút hàng nghìn người tham gia dự thi. Trong số đó, có nhiều cây bút ở khắp nơi trong cả nước, xa nhất là tại An Giang, Lạng Sơn…
 
Ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh cho biết: Trong tổng số các bài tham gia dự thi  điều  đáng trân trọng là số lượng tác giả thơ Đường luật tham gia gần gấp đôi số tác phẩm thơ lục bát. Đặc biệt, có tác giả gửi đến một tập gồm 130 bài thơ Đường luật tứ tuyệt và thất ngôn bát cú. Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh chọn 2 thể loại thơ Đường và lục bát để tổ chức cuộc thi là sự khẳng định thêm 2 loại thơ truyền thống đã đi sâu vào tâm thức người đọc Việt Nam và không thể thiếu trong đời sống xã hội; mặc dù hiện nay trên văn đàn thơ chung có xu hướng đổi mới thơ với nhiều thể loại, một sự làm mới theo cảm hứng của người sáng tạo… Dù vậy, Đường luật vẫn là thể loại đang được nhiều người sáng tạo tâm đắc vì tính khoa học, niêm luật và sang trọng. Thơ Đường luật với những nét cơ bản trong vần, trong luật đối, trong cách đọc xuôi ngược một bài thơ, trong cách dụng thành ngữ và nhiều hình thức khác làm cho bài thơ đọc lên có sức lay động hấp dẫn. Thành công của cuộc thi không dừng lại ở số lượng tác phẩm nhận được vượt xa sự mong đợi mà hơn hết, đó là sức lan tỏa của tình yêu dành cho một thể loại thơ có sức sống lâu bền và vững chãi.
 Tập thơ kỷ niệm 10 năm thành lập CLB thơ Đường Kiến Giang (Lệ Thủy) tập hợp 105 bài thơ.
Tập thơ kỷ niệm 10 năm thành lập CLB thơ Đường Kiến Giang (Lệ Thủy) tập hợp 105 bài thơ.
CLB thơ Đường thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh hiện có hơn 20 hội viên đến từ các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh. Họ là những người yêu và dành một niềm đam mê đặc biệt cho thể loại thơ bác học này. Nhà thơ Văn Lợi cho biết, thơ Đường mang đặc trưng riêng, nhất là trong niêm luật nên rất kén người nghe và người sáng tác. Không phải nhà thơ nào là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng có thể làm được loại thơ này. Nhưng một khi đã trót đam mê thì “say” lạ lùng. Chỉ cần một bài thơ mới họa đâu đó thì hội viên CLB có thể thức đêm, thức hôm tìm vần, tìm ý họa lại. Người yêu thơ Đường, theo một cách riêng, họ gắn kết với nhau tạo thành một dòng chảy thâm trầm, lặng lẽ nhưng bền chặt. Có vậy, thể loại thơ này mới có sức sống đến hôm nay.
 
Từ phong trào sáng tác thơ của CLB thơ Đường thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh, những CLB thơ Đường khắp nơi bắt đầu ra đời, tạo sân chơi thú vị cho những người mê thơ. Mặc dù số lượng hội viên không nhiều và hoạt động chủ yếu từ sự đóng góp của mỗi cá nhân nhưng các CLB vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn. Một số CLB vẫn xuất bản tập thơ hàng năm, đặc biệt là các sự kiện lớn của quê hương, đất nước. CLB thơ Đường Kiến Giang (Lệ Thủy) ra đời năm 2005. Sau 12 hoạt động, CLB đã xuất bản nhiều tập thơ và duy trì thường xuyên chuyên mục Vui cùng xướng họa. Từ những hoạt động ý nghĩa ấy đã tạo sân chơi bổ ích và hấp dẫn để thu hút sự tham gia của hội viên. Ông Võ Thanh Tùng (An Thủy, Lệ Thủy) cho biết: Có những thời điểm, số lượng hội viên đạt đến con số 45, dù thơ Đường là một thể loại thơ rất khó. Riêng tập thơ kỷ niệm 10 năm thành lập CLB “Mười năm Mũi Viết hồn thơ” đã tập hợp được 105 bài thơ, trong đó  có 10 bài xướng lại bài thơ của một hội viên trong CLB.
 
Thế nhưng, có một điều đặt ra cho sự sống còn của các CLB thơ Đường trong toàn tỉnh là số tuổi của hội viên khá cao. Buổi đầu thành lập, các CLB thực sự là một sân chơi có hấp lực mạnh mẽ khi thu hút một số lượng đông đảo những người yêu thơ tỉnh nhà. Nhưng lâu dần, con số ấy vơi dần đi mà nguyên do chính là một số hội viên lớn tuổi qua đời do tuổi tác, bệnh tật, tạo thành một khoảng trống lớn lao khó lòng bù đắp được cho thơ ca Quảng Bình. Theo nhà thơ Văn Lợi, nếu muốn phong trào sáng tác thơ Đường ngày càng được duy trì, phát triển, đi sâu vào cuộc sống đương đại thì các CLB cần chú trọng đến việc đổi mới hoạt động sáng tác. Muốn “trẻ hóa” được đội ngũ những người làm thơ Đường luật, trước hết cũng phải làm mới được hoạt động của những CLB này. Nếu chỉ ở mức là thứ thơ chủ yếu do những người cao tuổi viết rồi sống chủ yếu như một thú tiêu khiển trong cảnh điền viên, thì trước sau gì cũng khó lòng duy trì được hoạt động của CLB và hẳn nhiên, thơ Đường cũng khó lòng sống lâu bền được.
 
Tuy vậy, những người làm thơ và yêu thơ ở Quảng Bình lạc quan rằng một khi thể thơ truyền thống này vẫn còn đủ sức hấp dẫn thì thơ Đường vẫn bền bỉ sống cho đến mãi mai sau. 
 
Diệu Hương

tin liên quan

Về Minh Hoá
Về Minh Hoá
(QBĐT) - Tôi đã về đây Minh Hoá ơi
Chạm vào mây trắng nắng đang trôi
Mắt em lúng liếng xanh như ngọc
Tay nắm bàn tay dạ bồi hồi...
 
Thăm mộ Nguyễn Hữu Cảnh
Thăm mộ Nguyễn Hữu Cảnh
(QBĐT) - Ông vào mở đất phương Nam
 Về chân An Mã gối nằm ngắm sao.
 Nằm nghe gió núi rì rào
 Nhớ đời trận mạc binh đao một thời.
 
Giá như con
Giá như con
(QBĐT) - Giá như con là họa sỹ
Con vẽ chòm râu mát rượi hòa bình
Vẽ nụ cười đôn hậu Hồ Chí Minh
Vẽ vầng trán thanh cao trác Việt
Con sẽ vẽ Người mang đôi dép lốp
Áo quần nâu - màu sắc quê hương.