(QBĐT) - Tôi có chuyến đi công tác xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cùng với nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Bình (trưởng đoàn); anh Trần Hùng, nguyên Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh; anh Trần Văn Chường, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Quảng Ninh. Đoàn chúng tôi vào bản Khe Cát, tìm gặp hai già làng - hai nghệ nhân Hồ Ai và Hồ Phúc, tộc người Vân Kiều thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều để tìm hiểu về khả năng diễn xướng và truyền dạy các làn điệu dân ca vùng Trường Sơn của hai ông.
Để có chuyến đi đầy ý nghĩa này, chị Đặng Thị Kim Liên và tôi đã trực tiếp lên huyện Quảng Ninh gặp lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, xin được bố trí phương tiện đi lại và cán bộ phòng Văn hóa huyện liên hệ để dẫn đường. Chiếc xe TOYOTA bảy chỗ chở đoàn chúng tôi băng qua đèo dốc, xuyên rừng đại ngàn Trường Sơn để đến bản Khe Cát. Ngày nay, tuyến đường Hồ Chí Minh rộng mở, được ngồi trên ô tô ngắm nhìn núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, chúng tôi càng yêu quê hương đất nước biết bao!
Anh Trần Văn Chường chỉ đường cho lái xe đến nhà ông Hồ Phúc ở sát bên đường ô tô. Cô Duyên, cán bộ Văn hóa của xã đã được báo trước kế hoạch, nên đã có mặt từ sớm để đón đoàn chúng tôi. Anh Chường cũng đã điện báo cáo kế hoạch của đoàn và mời anh Trưởng bản Khe Cát (là em ruột già làng Hồ Ai) cùng đến tham dự cuộc gặp mặt với các nghệ nhân.
Hai nghệ nhân Hồ Ai và Hồ Phúc (Trần Văn Phúc) |
Mọi người đến tụ họp đầy đủ. Anh Chường giới thiệu các thành viên trong đoàn, rồi báo cáo công việc dự định làm hôm nay và giới thiệu chị Đặng Thị Kim Liên trình bày yên cầu công việc với các nghệ nhân. Anh Chường ngày còn là Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Ninh, rất quen biết các vị cán bộ và già làng bản Khe Cát và rất am hiểu phong tục nơi đây. Vợ ông Hồ Phúc chuẩn bị sẵn làm con gà và đĩa xôi để làm thủ tục. Anh Chường bưng gà, xôi đặt ra giữa chiếu trước bàn thờ của nhà ông Hồ Phúc. Ông ngồi xếp chéo hai chân về một phía bên phải, vái lạy, miệng lẩm nhẩm. Khấn vái xong, ông lấy hai miếng cật to bằng hai đốt ngón tay của một mắt ống nứa, để "xin keo". Ông gieo một quẻ, được một que sấp, một que ngửa.Ông lại khấn vái rồi lại gieo quẻ khác cũng được một sấp, một ngửa. Ông lại tiếp tục khấn vái và gieo một quẻ thứ ba nữa. Lần này cũng một sấp, một ngửa. Cả ba lần đều một sấp, một ngửa. Làm lễ và "xin keo" xong, ông vái lạy ba cái, rồi quay sang nói với anh Chường ngồi sau: "Được rồi !". Thấy ông vui vẻ, tôi tò mò hỏi luôn: "Sao vừa rồi, thấy ông "xin keo" được rồi mà ông cứ phải xin đi xin lại đến ba lần như vậy" ?
Ông cười vui và trả lời: "Tôi phải xin đến ba việc anh nờ". Việc thứ nhất là báo cáo với ông bà tổ tiên có một đoàn cán bộ vào bản miềng xin tìm hiểu dân ca, có cho họ làm không, ông bà cho. Việc thứ hai: Có o Hoa trưởng đoàn dẫn các anh chị dưới xuôi lên tìm hiểu dân ca bản mình, có được không, ông bà cũng cho. Và việc thứ ba là xin ông bà cho hai anh em tui hát và thổi kèn cho hay, để các anh chị tìm hiểu, ghi âm, chụp ảnh làm hồ sơ ,giới thiệu hai anh em tui vào nghệ nhân, ông bà cũng cho. Thật là trôi chảy, cả ba lần gieo quẻ đều suôn sẻ. Chắc là ông bà tổ tiên của họ ở giữa đại ngàn Trường Sơn cũng muốn lưu giữ và truyền dạy lại các làn điệu dân ca của họ cho con cháu các thế hệ nối tiếp mãi mãi.
Sau lễ cúng vái, chúng tôi mời hai già làng diễn xuất các điệu dân ca quen thuộc của tộc người Vân Kiều ở bản Khe Cát. Hai ông châm điếu thuốc hút, rồi bàn tính với nhau làm đến mấy "tiết mục". Gọi là tiết mục cũng đúng, vì yêu cầu đối với nghệ nhân dân gian Việt Nam, phải là những người diễn xướng hay nhất, điêu luyện nhất các làn điệu dân ca của vùng quê mình và còn phải biết truyền dạy lại những làn điệu ấy cho các thế hệ sau nữa.
Đầu tiên, nghệ nhân Hồ Phúc thổi kèn Klui cho nghệ nhân Hồ Ai hát bài ... Đây là một làn điệu rất khó hát.Mỗi câu hát được bắt đầu bằng một tiếng hò ở âm vực cao, ngân dài, rồi luyến lên một quảng 2 nữa, nghe rất vang dội, như tiếng hú giữa ngút ngàn núi rừng bao la trùng điệp; tiếp sau là những lời ca nói về tình yêu, bản làng, yêu rừng núi quê hương, bởi những nốt có cao độ lên xuống trong một quảng 3, nghe hơi đều đều như người kể chuyện với giọng trung , lời ca ngợi quê hương. Ca từ trong các câu hát này, do nghệ nhân Hồ Ai sưu tầm và cả những câu do ông sáng tác trong những năm qua.
Sau bài ca ngợi tình yên bản làng, núi rừng quê hương mình, hai ông lại hút thuốc, nhấp tý rượu rồi hát tiếp bài "Vui gặp mặt", do nghệ nhân Hồ Ai hát. Sau khi hát xong, chị Liên hỏi nội dung của ca từ để ghi chép, mới biết ông Hồ Ai tự xuất khẩu thành lời ca để ca ngợi các anh các chị. Ông nói: "Trong bài hát, miềng nói hôm nay có các anh các chị ở tỉnh lên bản Khe Cát, đem giấy bút, máy ảnh, ghi âm, quay hình các làn điệu dân ca Vân Kiều của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn các anh các chị bảo tồn được các làn điệu này, đừng để bị mất ..."
Bài hát được nghệ nhân Hồ Ai hát, ông Hồ Phúc vỗ tay (lúc đầu cả hai người cùng vỗ tay, nhưng không rập được, vì ông Phúc không biết được lời ca do Hồ Ai vừa ứng tác thành bài hát). Nghệ nhân Hồ Ai tự sáng tác, tự hát luôn. Bài hát gồm 6 câu nhạc, giai điệu khá đơn giản, dễ nhớ. Sau một đoạn hát, giai điệu như dược lặp lại, tôi có thể hát theo giai điệu và tiết tấu của bài hát "Vui gặp mặt" được. Thấy tôi vừa vỗ tay vừa hát "ư... a..." theo giai điệu bài hát, các ông vui lắm.
Nghệ nhân Hồ Ai đang dạy hát dân ca cho các cháu |
Sau hai tiết mục có thể gọi là độc đáo trong nét dân ca của tộc người Vân Kiều, thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Khe Cát, do hai nghệ nhân Hồ Ai và Hồ Phúc diễn xướng, đến các tiết mục do từng nghệ nhân trình diễn.
Nghệ nhân Hồ Phúc diễn trước. Ông lẳng lặng đi đến cái tủ để giữa nhà, lấy cái chứng minh thư ra cho tôi, và nói: "Tôi là Trần Văn Phúc, chơ không phải Hồ Phúc. Tôi là họ Trần, nhưng ở bản Khe Cát cứ gọi tôi là Hồ Phúc cho gần gũi với bà con dân bản".
Ông lấy ra hai cái kèn làm bằng nứa, một cái là kèn Klui, một cái là kèn Tàriền (nói nghe như Tà riên). Ông thổi kèn Tàriền trước,. Chúng tôi chăm chú nghe, ông cầm chiếc kèn Tàriền lên miệng, dọc về phía trước thổi. Âm thanh nhẹ nhàng, luyến láy khá nhiều, lên xuống ở một âm vực cao, nghe rất quyến rũ. Ông thổi say sưa, nhiệt huyết, mắt lim dim. Thổi xong, tôi hỏi ông vừa thổi điệu gì, ông bảo, đó là điệu "Gọi người yêu". Rồi ông kể tiếp: "Những đêm trăng thanh gió mát, 1-2 giờ khuya ra bờ suối ngồi thổi để gọi người yêu". Thảo nào tôi nghe du dương, quyến rũ đến vậy!
Nghệ nhân Hồ Ai cũng thổi được kèn Klui, ông kề chiếc Klui lên miệng thổi một đoạn nhạc nhẹ nhàng... Thổi xong, ông còn bảo, tôi cũng làm được các loại kèn Klui và Tàriền .
Nghệ nhân Hồ Ai và Trần Văn Phúc còn dạy các làn điệu dân ca quê mình cho các cháu nhỏ ở bản Khe Cát. Ông Hồ Ai nói: "Các cháu nghe tiếng kèn, tiếng sáo là chạy đến đông vui lắm". (gọi là "tiếng sáo", vì kèn Klui có khi được gọi là sáo Klui, sáo Khui).
Các tiết mục do hai nghệ nhân trình diễn cho đoàn chúng tôi tìm hiể đã xong. Trong bữa cơm thân mật tại nhà nghệ nhân Trần Văn Phúc, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ, chị Liên hỏi ông Phúc, sao lúc đầu anh Chường giới thiệu tôi tên là Đặng Thị Kim Liên rồi mà ông lại gọi tôi là chị Hoa. Thật là bất ngờ với câu trả lời của ông: "Tôi gọi chị là chị Hoa vì chị đẹp như hoa và có lòng tốt với dân bản chúng tôi, đã đưa anh chị em từ dưới xuôi lên tới đây để tìm hiểu dân ca của chúng tôi. Chúng tôi quý chị, quý các anh lắm, nên tôi mới gọi là chị là chị Hoa đó".
Tôi muốn dùng phần cuối trong câu trả lời của nghệ nhân Trần Văn Phúc để kết cho bài viết này... Một chuyến đi thực tế tìm hiểu dân ca của tộc người Vân Kiều thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Khe Cát đạt kết quả như mong đợi. Xin cảm ơn hai nghệ nhân, hai người con của núi rừng Trường Sơn, tâm huyết với các làn điệu dân ca quê mình./.
Dương Viết Chiến - Ảnh: Đặng Thị Kim Liên