Người tiếp lửa niềm đam mê các làn điệu dân ca

  • 08:05, 25/05/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bằng tình yêu và lòng say mê với những câu dân ca của xứ sở, nhiều năm qua, nghệ nhân dân gian Đinh Thị Hạ ở xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa đã dày công sưu tầm, truyền dạy những khúc dân ca quê hương cho những người có năng khiếu văn nghệ và tâm huyết với các loại hình văn hóa dân gian ở địa phương. Việc làm của bà đã tiếp thêm ngọn lửa đam mê các câu hò, điệu ví của  nhiều người dân nơi đây.
 
Tuổi thơ của nghệ nhân dân gian Đinh Thị Hạ thấm đẫm từng lời ru của mẹ. Đó là những câu dân ca Minh Hóa ngọt ngào, chứa đựng cả tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc. Từ những lần theo mẹ và người thân trong gia đình đi xem các cuộc hát, nghệ nhân Đinh Thị Hạ bắt đầu làm quen với các làn điệu hò thuốc cá, hát ru và sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ bằng việc hát rất hay những câu dân ca Minh Hóa. Những năm tháng là sinh viên ngành dược, rồi sau này về công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa, nghệ nhân Đinh Thị Hạ luôn mang theo bên mình những khúc hát dân ca và luôn là hạt nhân trong phong trào văn hóa, văn nghệ. Vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 hay các hội diễn, hội thi văn nghệ của bệnh viện và ngành Y tế, bà luôn lấy dân ca Minh Hóa làm chủ đạo trong các chương trình biểu diễn.
 
Dựa trên các giai điệu cổ, bà đã sáng tác ra lời mới có nội dung ca ngợi nghề y, ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc. Những sáng tác của bà  luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe. Bà nhớ mãi những lần bệnh viện tổ chức tiếp đón khách thăm, hay tổ chức các cuộc vui cho cán bộ y tế trong đơn vị, bên mâm cơm với các đặc sản dân dã của quê nhà, bà luôn là người khởi xướng các làn điệu dân ca để rồi tất cả lại cùng bà hòa vang điệu hò thuốc cá “hôi lên là hôi lên”. Năm 2002, bà nghỉ hưu và dành nhiều thời gian hơn cho việc sưu tầm từng làn điệu cổ, sáng tác lời mới và trực tiếp thể hiện, trao truyền các làn điệu dân ca Minh Hóa như hát sắc bùa, hát nhà trò, hát đúm, hát ví, hát trấu, hát ru, hò thuốc,… Cũng từ đó, bà càng có thêm điều kiện để nuôi dưỡng, phát triển tình yêu dân ca của mình, làm cho tình yêu ấy ngày càng lớn dần và có sức sống mãnh liệt.
 Nghệ nhân dân gian Đinh Thị Hạ (ngoài cùng bên trái) cùng với các nghệ nhân Câu lạc bộ đàn và hát dân ca Minh Hóa trình diễn dân ca tại Liên Hoan đàn và hát dân ca toàn tỉnh năm 2018
Nghệ nhân dân gian Đinh Thị Hạ (ngoài cùng bên trái) cùng với các nghệ nhân Câu lạc bộ đàn và hát dân ca Minh Hóa trình diễn dân ca tại Liên Hoan đàn và hát dân ca toàn tỉnh năm 2018
Từ năm 2009, với nhiệm vụ được giao là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn và hát dân ca Minh Hóa, bà Đinh Thị Hạ đã tích cực phát triển hội viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho những người có năng khiếu tham gia vào câu lạc bộ để cùng chung tay xây dựng câu lạc bộ ngày càng phát triển vững mạnh. Nhờ tập hợp được nhiều giọng ca hay, tâm huyết với văn nghệ quần chúng, am hiểu văn hóa địa phương nên Câu lạc bộ đàn và hát dân ca Minh Hóa đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của văn nghệ dân gian trên địa bàn huyện. Hầu hết các làn điệu dân ca, dân vũ một thời bị lãng quên được khôi phục và phát triển. Nhiều chương trình biểu diễn của câu lạc bộ được đài truyền hình trung ương, địa phương ghi hình và phát sóng.
 
Nặng lòng với dân ca, bà luôn trăn trở và đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao khi dân ca Minh Hóa được biểu diễn trên các sân khấu văn nghệ quần chúng hay trong các buổi liên hoan đón tiếp bạn bè luôn được khán giả, người nghe đón nhận, khen ngợi, nhưng lớp trẻ - chủ nhân của những câu dân ca lại không mấy mặn mà. Bà buồn khi chứng kiến một thời gian dài, các làn điệu dân ca Minh Hóa dường như bị lãng quên, chỉ còn tồn tại trong ký ức, trong tâm thức của lớp người cao tuổi. Vì thế bà cùng với các “cây” dân ca của huyện như nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống, nghệ nhân Đinh Khánh Nguyên… đã tích cực truyền dạy cho thế hệ sau, xem đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của câu lạc bộ để bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Ngôi nhà của bà trở thành điểm gặp gỡ của những người cùng chung sở thích là hát và trình diễn dân ca, dân vũ. Và rồi những câu dân ca dần dần trở nên quen thuộc trong cuộc sống của bà và các thành viên trong gia đình. Không chỉ truyền lửa dân ca đến các con mà những người cháu của bà hằng ngày vẫn bi bô những câu ca quen thuộc: “Ai lên Minh Hóa quê mình… hôi lên là hôi lên”. Đến nay đã có trên 100 người dân Minh Hóa được bà truyền dạy dân ca, trong đó có rất nhiều gương mặt khá nổi tiếng trong phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương như các nghệ nhân: Đinh Thị Hồng Thoan, Đinh Minh Tặng, Đinh Thị Hồng Phương…
 
Không chỉ yêu thích, say mê dân ca, bà còn tích cực sưu tầm, biên tập những bài hát cổ để truyền dạy cho các thành viên trong câu lạc bộ. Những thông điệp của cuộc sống thường ngày được bà lồng ghép một cách khéo léo, nhuần nhuyễn vào các sáng tác của mình. Nhiều tác phẩm của bà được trình diễn và đạt giải tại các hội diễn văn nghệ ở địa phương. Đặc biệt bài “Giữ gìn nguồn cội” do bà sáng tác được câu lạc bộ chọn biểu diễn nhiều lần trên các sân khấu văn nghệ và luôn đón nhận sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Hầu hết sáng tác của bà có ngôn từ giản dị rất dễ đi vào lòng người với những câu thơ lục bát, như: Ai lên Minh Hóa quê tôi/ Đồng xanh lúa hát, núi đồi reo ca/ Hân hoan hội Rằm tháng ba/ Lắng nghe giai điệu dân ca quê mình/ Say sưa lưu luyến chợ tình/ Uyên ương đôi lứa ta mình gặp nhau… (trích trong bài Minh Hóa quê tôi) được chuyển thể thành điệu hò thuốc cá hay hát ru, hát trấu… Ngoài ra, bà còn sáng tác những bài hát bằng tiếng nguồn như bài “hát ún” (ru em), “mạ quynh” (đừng quên) được người dân địa phương đón nhận và phổ biến rộng rãi, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và bảo tồn những vốn cổ của người dân Minh Hóa.
 
Với những cố gắng không mệt mỏi của mình trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của văn nghệ dân gian địa phương, bà Đinh Thị Hạ vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Giờ đây, do tuổi cao, bà không còn đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn và hát dân ca Minh Hóa nhưng vẫn tham gia làm cố vấn cho những chương trình biểu diễn của câu lạc bộ huyện và xã Yên Hóa. Giọng hát của bà vẫn còn rất trong trẻo, ngọt ngào khi thể hiện các làn điệu đúm, ví, hát ru, hò thuốc...  là gương mặt chủ chốt trong các chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng do xã, huyện và tỉnh tổ chức.
 
“Giữ gìn các làn điệu dân ca Minh Hóa và để những câu dân ca mãi được ngân dài, lan tỏa theo thời gian cần lắm những gương mặt trẻ, Tôi mong muốn rằng, dân ca Minh Hóa sẽ được đưa vào trường học, được phổ biến rộng rãi như hò khoan Lệ Thủy...”, nghệ nhân dân gian Đinh Thị Hạ trải lòng với chúng tôi như thế.
 
Nhật Văn

tin liên quan

Từ tuần Văn hóa - Du lịch đến sản phẩm du lịch
Từ tuần Văn hóa - Du lịch đến sản phẩm du lịch

(QBĐT) - Tuần Văn hóa – Du lịch Đồng Hới luôn là hoạt động mở màn đầy ấn tượng cho mùa du lịch hàng năm. Sức hút của các hoạt động này được khẳng định khi đã có rất đông người dân cùng khách du lịch đến theo dõi, được trải nghiệm. Câu chuyện đặt ra cho những người làm du lịch Quảng Bình: Làm gì để biến các sự kiện ấy trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng níu chân du khách?

Đẩy mạnh tuyên truyền về 'Biên giới, hải đảo và Bộ đội Biên phòng'
Đẩy mạnh tuyên truyền về 'Biên giới, hải đảo và Bộ đội Biên phòng'

(QBĐT) - Trong hai ngày 21 và 22-5, với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình, đội ngũ các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, ca sỹ và phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn tỉnh đã có chuyến đi thực tế ở một số khu vực biên giới để tuyên truyền về "Biên giới, hải đảo và Bộ đội Biên phòng"...

Việt Nam-Thái Lan lần đầu giao thương trong lĩnh vực xuất bản
Việt Nam-Thái Lan lần đầu giao thương trong lĩnh vực xuất bản
Chiều 22-5, tại Hà Nội, Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam và Hiệp hội Nhà xuất bản và phát hành sách Thái Lan đã tổ chức giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam trong lĩnh vực xuất bản nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại giữa hai nước nói chung và lĩnh vực xuất bản nói riêng.