(QBĐT) - Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) trên địa bàn huyện Lệ Thủy phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia, qua đó phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.
Xác định tầm quan trọng của phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lệ Thủy luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phong trào này. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc chỉ đạo các phòng, ban của huyện, đặc biệt là Phòng Văn hoá-Thông tin (VH-TT) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng đội văn nghệ và thành lập các loại hình câu lạc bộ (CLB) ở các xã, thị trấn, như: CLB gia đình phát triển bền vững, CLB không sinh con thứ ba, CLB phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế... Các CLB tích cực sinh hoạt và biểu diễn vào các dịp lễ, Tết hoặc các ngày hội của các xã, thị trấn và đặc biệt là việc tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức theo định kỳ hàng năm ở các cụm xã.
Bên cạnh tạo ra sân chơi lành mạnh cho nhiều lứa tuổi, phong trào văn nghệ quần chúng đã góp phần rất lớn vào việc giáo dục chính trị tư tưởng, thay đổi, xoá bỏ những quan điểm lạc hậu, hủ tục đã ăn sâu vào lối sống, suy nghĩ từ bao đời nay của người dân, nhất là ở vùng sâu, xa, thay vào đó là nếp sống văn minh. Phong trào tạo điều kiện để mọi người sáng tác, biểu diễn những tiết mục văn nghệ mang đặc thù riêng vùng, miền của mình, qua đó phát huy vai trò của người dân trong phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá trong khu dân cư” ngày càng hiệu quả hơn.
Tính đến nay, toàn huyện Lệ Thủy có 177/201 làng, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu làng văn hóa, 187 sân bãi thể thao, 15 điểm bưu điện văn hóa xã, 155 đài, trạm truyền thanh, 18 di tích lịch sử (trong đó 8 di tích cấp tỉnh, 10 di tích cấp Quốc gia), 120 cổng làng, xã, 61 CLB văn hóa nghệ thuật, 69 CLB thể thao và 247 CLB các loại hình khác.
![]() |
Tiết mục biểu diễn “Hò giã gạo” của các nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy |
Cũng trong những năm qua, Lệ Thủy đã phát triển thêm 26 đội văn nghệ quần chúng, nâng tổng số đội văn nghệ quần chúng trong toàn huyện lên 288 đội với hơn 3 nghìn diễn viên, hạt nhân văn nghệ trong các xã, cơ quan, đơn vị, trường học, hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí, mua sắm trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn. Đặc biệt, nhiều thành viên trong đội văn nghệ quần chúng cơ sở có khả năng sáng tác và dàn dựng chương trình tiểu phẩm sân khấu, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu sinh hoạt, thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân ở cơ sở. Hiện huyện Lệ Thủy có 1 lễ hội cấp tỉnh, 1 lễ hội cấp huyện và 7 lễ hội cấp xã được duy trì qua hàng năm. UBND huyện đã xây dựng 1 nhà truyền thống với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng, 8 bể bơi, 2 sân bóng đá mini, 1 sân quần vợt để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và dần hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa huyện.
Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hoá, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá nghệ thuật; khuyến khích quần chúng cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của địa phương cho con em mình… Thông qua những buổi giao lưu văn nghệ, người dân còn học hỏi, trao đổi về cách làm kinh tế hay, biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
![]() |
Hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện Lệ Thủy |
Phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng góp phần rất lớn vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo sự đoàn kết trong các khu dân cư. Tuy nhiên, để phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển có chiều sâu, các địa phương cần phải phát huy khả năng sáng tạo của cộng đồng với những phương cách mới trong việc xây dựng môi trường hoạt động, khuyến khích quần chúng tham gia hưởng ứng, tạo nên sân chơi đa dạng và hấp dẫn, là món ăn tinh thần của tất cả mọi người. Thực tế cho thấy, tại các địa phương, cơ quan, đơn vị có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh đều là những đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Việc quan tâm, đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng ở Lệ Thủy không chỉ gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, làm phong phú nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân, mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giáo dục đạo đức, lối sống hướng đến chân thiện mỹ.
Hồng Mến
(Đài TT-TH Lệ Thủy)