Hát phường nón làn điệu cổ được hồi sinh

  • 09:04, 05/04/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làng Thổ Ngoạ (thuộc phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn), một trong “tứ danh hương” của phủ Quảng Trạch xưa là xứ sở của những câu dân ca ra đời trong lao động, gắn với lịch sử hình thành của làng quê. Thổ Ngoạ nổi tiếng với các làn điệu dân ca, như: hò khoan (theo điệu hò của vùng đất hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ), hò dô (Thanh Hoá), hò đưa linh, hát ru và đặc biệt nhất là điệu hát phường nón, hay còn gọi là “hát nón chùm”, một hình thức hát đối đáp nam nữ rất đặc trưng, gắn với nghề làm nón truyền thống của người dân nơi đây.
 
Làng nghề, làng hát
 
Người làng Thổ Ngọa không biết rõ nghề làm nón của làng có từ bao giờ, ông tổ nghề là ai, chỉ biết rằng, đây là nghề mà dường như tất cả những người dân trong làng đều biết, chỉ chừng 7, 8 tuổi là đã có thể luồn kim, may nón. Thế nên mới có câu “không biết làm nón không phải người làng Ngoạ”. Đây được xem là nghề “cha truyền con nối”, gắn liền với cuộc mưu sinh của người dân. Nét đặc biệt của nghề làm nón làng Thổ Ngoạ là hình thức làm nón “chùm” (cứ 8 người tập trung lại để làm nón cho một nhà trong một ngày, nhằm giúp chủ nhà sớm có sản phẩm để mang ra chợ bán). Những buổi làm nón "chùm" thường thu hút rất đông nam thanh, nữ tú. Họ vừa làm, vừa hát đối đáp với nhau. Và cũng từ đó mà rất nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ. Điệu hát phường nón cũng ra đời từ đó.
 
Theo địa chí Thổ Ngoạ thì ông tổ của làng là người huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An, nay thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh và có lẽ vì thế mà điệu hát phường nón mang âm hưởng của dân ca xứ Nghệ. Các bậc cao niên trong làng cho rằng, những người đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này đã mang theo câu dân ca của xứ sở, để rồi thấm đẫm theo thời gian, nó  trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.
 
Trong các gia đình cũng như các buổi làm nón "chùm", người làng nón thường phân chia công việc rõ ràng như: đàn ông đảm nhận việc vót vành (chẻ tre, hoặc nứa để tạo nên 16 vành tròn theo thứ tự của khuôn nón), phụ nữ, trẻ em xây nón, may nón (lắp ráp nguyên liệu lên khuôn và dùng kim luồn cước để khâu các nguyên liệu với nhau tạo thành chiếc nón). Chính từ việc thường xuyên tập trung đông người nên các cuộc hát cứ thế kéo dài, có khi đến 11-12 giờ đêm.
 
Người làm nón thường mượn các câu dân ca để giãi bày tình cảm. Đó là những câu hát thể thiện sự chờ đợi, nhớ thương hay trách móc, hờn giận của những đôi trai gái. Và nhiều người, thường là người có tuổi, lại dùng những câu hát mang “lời thanh ý tục” để thách đố nhau nhằm tạo ra tiếng cười xua tan sự mệt mỏi trong công việc.  
Với không gian lao động như thế này, người Thổ Ngọa thường trao nhau những câu hò điệu hát đặc trưng của quê hương.
Với không gian lao động như thế này, người Thổ Ngọa thường trao nhau những câu hò điệu hát đặc trưng của quê hương.
Với giai điệu ngọt ngào gần giống với điệu hát phường vải của xứ Nghệ, hát phường nón Thổ Ngoạ cũng có những nét riêng độc đáo. Người xứ Nghệ thường dùng "ơ ơ ơ"... hay" hò ơ ơ hò"... để bắt đầu câu hát, thì người Thổ Ngoạ lại ngân nga rằng: ơi nữa ai ơi rồi... ở đầu các câu hát. Thường thì nam giới là người mở đầu cuộc hát. Ví dụ: Nam: Ơi nữa ai ơi rồi, đi ngang thấy ngọn đèn chong, có con chim nào nhảy nhót bên trong vườn đào. Nữ: Thiếp ngồi giữa chốn buồng hương, thấy người nam tử đoái thương tới nhà. Mời chàng ghé xuống chiếu hoa, thung dung rồi để đôi ta tỏ tường... Hay những câu hát khác như: Nam: Ơi hỡi ai ơi rồi, trước tôi đưa lời chào ôông, chào mệ, sau tôi chào bạn phường nam nữ toàn gia, cho anh em tôi đàn ca xướng hát giao hoà chung vui. Nữ đáp lại: Ơi hỡi ai ơi rồi, đưa lời chào khách đường xa. Chào người quân tử đỗ bảng khoa mới về. Nam: Tới đây duyên thắm nghĩa nồng, vấn qua đáp lại tình ngãi đã thông. Cho tôi hỏi thăm o mang chiếc áo hồng, năm nay bao nhiêu tuổi đã có chồng hay chưa? Nữ: Anh hỏi thì em xin thưa, tuổi em mười tám đã vừa. Chưa có người tâm đầu ý hợp nên em chưa có chồng. Nam: Anh vừa thi đỗ cử nhân, muốn qua thăm viên ngoại không biết đường gần hay xa... Cứ thế, cuộc đối đáp kéo dài cho đến khi người con gái kết thúc việc làm nón và người con trai tự nguyện đưa bạn về nhà bạn trong sự nuối tiếc. Trước lúc chia tay, người con gái cẩn thận hát lời dặn dò: “Anh về thưa với mẹ cha /Cho anh đi lại để xa hóa gần”. Người con trai đối lại rằng: “Mẹ cha anh đã thưa rồi /Giờ còn em nữa ông trời chưa se”. Họ chia tay nhau trong sự quyến luyến và chờ đợi đến buổi làm nón chùm để được gặp nhau, trao nhau những câu hát tưởng chừng như không có câu kết thúc.
 
Ngày nay, người làng Thổ Ngoạ không còn làm nón "chùm", nhưng những người làm nghề, đa số là phụ nữ vẫn tập trung lại thành từng nhóm để cùng làm, cùng trò chuyện và hát. Những câu hát phường nón với lối hát giao duyên không còn được phổ biến như xưa, chỉ có những người cao tuổi trong làng vẫn thường sử dụng để ru con, ru cháu. Ra đời trong lao động, không gian diễn xướng là cảnh làm nón tập thể thường diễn ra dưới ngọn đèn dầu trong những đêm khuya, hay dưới dưới những gốc cây cổ thụ, nên hầu như điệu hát này chưa được biểu diễn trên các sân khấu văn nghệ của làng, xã. Dần dà, số người biết hát phường nón chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
 
Để câu hò, điệu hát mãi ngân vang
 
Trong một chuyến điền dã để tìm hiểu về các giá trị văn hoá dân gian của các làng quê, bà Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ dân gian Quảng Bình đã bị cuốn hút bởi điệu hát phường nón do chính người làng nón Thổ Ngoạ thể hiện. Bà đã gặp gỡ những hạt nhân văn nghệ của làng, động viên khích lệ họ thành lập câu lạc bộ văn nghệ dân gian để duy trì làn điệu dân ca độc đáo này. Một trong những hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng ở làng là ông Nguyễn Văn Chành (72 tuổi), người có giọng hát ngọt ngào và rất tâm huyết với văn hoá dân gian của làng quê. Ông Chành đã tìm tòi lời hát cũ rồi nghiên cứu, soạn ra lời mới cho phù hợp với thời đại và tìm những người cùng tâm huyết để trao truyền. Đến nay, làng Thổ Ngoạ đã thành lập được câu lạc bộ hát phường nón gồm 13 thành viên do bà Nguyễn Thị Lý làm chủ nhiệm và ông Nguyễn Văn Chành làm phó chủ nhiệm. Câu lạc bộ đã nhanh chóng chọn ra những giọng ca chính để hát đối đáp giao duyên và đã tập luyện được một số tiết mục khá ấn tượng.
 
Ông Trần Đình Lập, trưởng làng Thổ Ngoạ cho hay: "Mặc dù mới ra đời song câu lạc bộ đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục lại một loại hình văn nghệ dân gian rất đặc trưng của địa phương. Chúng tôi quyết tâm để hát phường nón không chỉ dừng lại ở việc lưu truyền trong dân gian mà sẽ được biểu diễn trên các sân khấu văn nghệ của làng". 
 
Bà Nguyễn Thị Lý cho biết thêm: Trên cơ sở của điệu hát xưa, các thành viên trong câu lạc bộ đã chủ động dàn dựng thành chương trình biểu diễn nhằm tái hiện lại không gian lao động của người dân làm nón một cách sinh động với những người đàn ông ngồi vót vành, phụ nữ xây nón, may nón và họ cùng nhau hò hát, đối đáp qua lại. Tất cả sẽ được đưa lên sân khấu trong dịp lễ hội làng (mồng 10 tháng 3 âm lịch) hàng năm và các sự kiện văn hoá ở địa phương để mọi người, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về văn hoá truyền thống của quê hương.
 
Trải qua thời gian, hát phường nón tưởng chừng như bị mai một trong sự lãng quê của nhiều người lại được hồi sinh với một diện mạo mới. Và nói như ông Trần Đình Lập thì những gì thuộc về văn hoá của làng, làng sẽ quyết tâm gìn giữ vì đó là cách để thế hệ ngày nay bày tỏ lòng biết ơn đến những bậc tiền nhân, những người đã tạo ra tên đất, tên làng để có một danh hương Thổ Ngoạ được lưu truyền theo thời gian.
 
Nhật Văn

tin liên quan

Chiều Đá Nhảy
Chiều Đá Nhảy
(QBĐT) - Có một chiều tôi dạo bước cùng em
Sóng vẫy chào, đá cùng nhau múa nhảy
Tôi cứ ngỡ cái buổi chiều hôm ấy
Lần đầu tiên được sống trong đời!
Giọt máu hồng
Giọt máu hồng
(QBĐT) - Giọt máu hồng cho đi
Một cuộc đời ở lại
Những tấm lòng nhân ái
Mạch nguồn nhân nghĩa trào tuôn...
Điểm sáng Phương Xuân
Điểm sáng Phương Xuân

(QBĐT) - Những năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền tổ dân phố 2 Phương Xuân, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) luôn quan tâm, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ và thể dục-thể thao (VHVN-TDTT), thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Tổ dân phố luôn dẫn đầu các phong trào và đạt thành tích cao trong các cuộc thi của địa phương, góp phần xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng khu dân cư.