(QBĐT) - Sáng 2-3 (tức Rằm tháng Giêng), xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) tổ chức chương trình lễ hội Cầu Ngư năm 2018.
![]() |
Nghi lễ hò chèo cạn. |
Tham dự lễ hội có đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hoá-Thể thao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Quảng Trạch… cùng đông đảo người dân xã Cảnh Dương và du khách gần xa.
Theo truyền thuyết của làng, cá Bà (cá voi cái) và cá Ông (cá voi đực) vào “luỵ” (bị nạn) ở Cảnh Dương vào năm 1806 và 1818. Người dân đã chôn cất, xây miếu thờ từ đó.
Hiện nay, hai bộ xương của cá Ông và cá Bà được bà con làng Cảnh Dương thờ tại Linh Ngư Miếu. Theo các chuyên gia, đây là các bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất tại Việt Nam, với chiều dài ước tính gần 27m, bề rộng gần 10m. Không chỉ vậy, Cảnh Dương còn có nghĩa địa độc đáo dành cho khoảng 23 cá Cô, cá Cậu đã “luỵ” vào làng trong gần 375 năm nay.
Lễ hội Cầu Ngư ở Cảnh Dương được xem là một lễ hội truyền thống mang đậm tính văn hoá đặc sắc và độc đáo riêng biệt so với các làng biển khác trong cả nước. Lễ hội Cầu Ngư là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang tính tâm linh: mọi người, mọi nhà tự giác đóng góp tinh thần và vật chất, tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc. Lễ hội Cầu Ngư còn cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hoà, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc…
Cùng với lễ hội Cầu Ngư, Cảnh Dương còn lưu giữ nhiều di tích và các giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo như: Đình thờ Tổ; Linh Ngư Miếu; các làn điệu dân ca hát ru, hò chèo cạn; các lễ hội như nấu cơm cần, đua thuyền; làng nghề truyền thống với nhiều sản vật nổi tiếng như nước mắm Hàm Hương, thuyền thúng…
Lễ hội Cầu Ngư năm 2018 được tổ chức với các hoạt động chính: Lễ xin rước Thần Hoàng về dự lễ Cầu Ngư tại Đình thờ Tổ; rước kiệu Thần Hoàng từ Đình thờ Tổ về đường chính thôn Đông Tỉnh, Đông Dương, Đông Cảng kết thúc tại Linh Ngư Miếu; lễ Cầu Ngư tại Linh Ngư Miếu với các phần nghi thức dâng hương, văn tế, lễ tất, nghi lễ hò chèo cạn; lễ phát động ra quân đánh bắt hải sản năm 2018.
Trước đó, vào tối mồng 1-3 (tức tối 14 tháng Giêng), chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội đã được tổ chức bao gồm các tiết mục văn nghệ tiêu biểu được tuyển chọn từ các thôn, các hội, đoàn thể trong xã với các làn điệu dân ca truyền thống như hát ru, hò Đức Ông, hát chèo cạn, đi cà kheo… Đặc biệt, chương trình năm nay có phần biểu diễn nghệ thuật múa rối (rối nước và rối cạn) kết hợp với nghệ thuật dân gian truyền thống Cảnh Dương.
Nhằm đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của Quảng Bình, Sở Du lịch và UBND xã Cảnh Dương đã phát triển sản phẩm Làng Văn hoá Du lịch Cảnh Dương. Hiện, Sở Du lịch đang phối hợp với UBND xã Cảnh Dương xây dựng thêm các sản phẩm, dịch vụ mới như: Cung đường bích họa, không gian trưng bày các bộ xương cá Voi, công viên thuyền thúng, khu dịch vụ cho khách du lịch...
Một số hình ảnh tại lễ hội Cầu Ngư làng Cảnh Dương năm 2018:
![]() |
Lễ xin rước Thần Hoàng về dự lễ Cầu Ngư tại Đình thờ Tổ. |
![]() |
![]() |
Rước kiệu Thần Hoàng từ Đình thờ Tổ về Linh Ngư Miếu. |
![]() |
Đoàn rước kiệu Thần Hoàng từ Đình thờ Tổ đi đường một chiều vòng về đường chính thôn Đông Tỉnh, Đông Dương, Đông Cảng. |
![]() |
Kết thúc tại Linh Ngư Miếu. |
![]() |
Lễ Cầu Ngư tại Linh Ngư Miếu với các phần nghi thức dâng hương, văn tế, lễ tất. |
![]() |
Lễ vật của các tổ hợp tác đánh bắt thuỷ sản tại lễ Cầu Ngư. |
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành, địa phương dâng hương tại Linh Ngư Miếu. |
|
Lễ phát động ra quân đánh bắt hải sản năm 2018. |
![]() |
Lãnh đạo huyện Quảng Trạch tặng quà cho xã Cảnh Dương. |
![]() |
Lễ Cầu Ngư thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. |
Lê Mai