Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

  • 07:03, 02/03/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đang hằng ngày, hằng giờ đồng hành cùng cuộc sống của người dân và là một phần không thể thiếu của xã hội. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đang là vấn đề đặt ra hiện nay.
 
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở bao gồm toàn bộ các công cụ, phương tiện... đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao nói chung và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói riêng ở các cộng đồng dân cư. Thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở rất phong phú, đa dạng, có cả trong và ngoài ngành văn hóa, thể thao. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập đến hạt nhân cơ bản là nhà văn hóa- khu thể thao ở cơ sở gồm chỉnh thể các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí để vận hành. 
 
Hiện trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở tỉnh ta
 
Trong những năm vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn theo nội dung Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013- 2020, định hướng đến năm 2030. Việc quản lý, khai thác hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian vừa qua về cơ bản đã thực hiện khá tốt vai trò và chức năng. 
 
Về bộ máy quản lý hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, trên địa toàn tỉnh hiện có 285 cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách phụ trách nhà văn hóa và trạm truyền thanh cấp xã. Đội ngũ cán bộ là công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở về cơ bản là đầy đủ về số lượng và đạt chuẩn về chất lượng, trình độ theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, hàng năm Sở Văn hóa và Thể thao đã mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách là công tác văn hóa của các xã, phường, thị trấn; đồng thời chỉ đạo các tổ chức chuyên môn và các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tại các địa phương.
 
Về cơ sở vật chất, đến nay trên địa bàn tỉnh ta có 120/159 trung tâm văn hóa-thể thao xã, phường, thị trấn (trong đó, có 69 trung tâm văn hóa-thể thao xã, phường, thị trấn đạt chuẩn theo quy định của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch); 1.179/1.236 nhà văn hoá-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố (trong đó, có 692 nhà văn hoá-khu thể thao thôn, bản, khu phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch). Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa và thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ta phần lớn được xây dựng khá khang trang, kiến trúc cơ bản phù hợp điều kiện, phong tục, tập quan địa phương. 
 
Trong những năm qua, việc trang cấp trang thiết bị văn hóa, thông tin từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa, Chương trình phát triển văn hóa cho các địa bàn đặc biệt khó khăn được triển khai có hiệu quả. Đến nay, cơ bản các xã, phường, thị trấn đã có đủ phương tiện nghe nhìn phục vụ các hoạt động văn hóa, thông tin của địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. 
 
Điều đáng ghi nhận là người dân đã chủ động, tích cực trong việc đóng góp vật chất, tinh thần để xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Các địa phương đã chủ động phát huy các nguồn lực trong dân, tự khai thác, tìm cách tạo nguồn kinh phí mà không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã đề ra những chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp với thực tế như chỉ đạo giải phóng mặt bằng, chuyển đổi quỹ đất để xây dựng các nhà văn hoá-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố; đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, trong đó có việc xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao vào nghị quyết của cấp uỷ, kế hoạch hoạt động hàng năm của chính quyền...Tại các huyện như Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy,.. HĐND huyện đã ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc đầu tư xây dựng nhà Văn hoá-Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố đối với các vùng, miền. 
 
Chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở trong những năm gần đây ở tỉnh ta đã có sự phát triển vượt bậc, nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động thường xuyên được đổi mới, góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, phục vụ có hiệu quả các ngày lễ kỷ niệm, nhiệm vụ chính trị của các địa phương và việc rèn luyện, nâng cao thể chất, tinh thần của nhân dân.
Lễ kỳ phúc và rước Thành hoàng làng trong ngày mùng 8 tháng giêng hàng năm là nét đẹp truyền thống của người dân xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn). Ảnh: T.H
Lễ kỳ phúc và rước Thành hoàng làng trong ngày mùng 8 tháng giêng hàng năm là nét đẹp truyền thống của người dân xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn). Ảnh: T.H
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đến nay, tỉnh ta vẫn còn 39 xã, phường, thị trấn chưa xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao; 57 thôn, bản, tổ dân phố chưa xây dựng nhà văn hóa-khu thể thao; một số nơi đang thiếu nhiều nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố...Hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có nơi chưa hiệu quả. Một số nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản được xây dựng từ lâu hoặc chuyển công năng từ nhà kho, nhà trẻ sang nên quy mô nhỏ, trang thiết bị nghèo nàn và đang xuống cấp. Kinh phí xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao và việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao của người dân. Hiệu quả của công tác xã hội hóa đối với việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao còn nhiều khó khăn. 
 
Những tồn tại, khó khăn trên là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các ban, ngành chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của văn hóa. Kinh phí ngân sách dành cho đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của của cơ sở. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được xem xét đầy đủ tính hiệu quả, chưa bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư xây dựng với bố trí nhân sự phục vụ cho công trình khi hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đội ngũ cán bộ tại một số địa phương còn thiếu và yếu, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng khó khăn do chế độ, chính sách chưa phù hợp...
 
Giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở 
 
Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn là trách nhiệm của toàn xã hội. Trước hết là vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo xây dựng phong trào văn hóa ở cơ sở và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần lưu ý một số giải pháp trọng tâm sau:
 
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung và nhiệm vụ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở nói riêng. Cần đưa mục tiêu xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của chính quyền cơ sở nhằm tập trung nguồn lực, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
 
Tổ chức thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, tạo nên sự phát triển về bề rộng lẫn chiều sâu của phong trào ở cơ sở; gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và các phong trào thi đua yêu nước khác. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ nhân dân ở cơ sở.
 
Thứ hai, UBND tỉnh sớm bàn hành Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo như Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 2563/QĐ- BVHTTDL, ngày 3-8-2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn. Có chính sách hỗ trợ các địa phương trong việc đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa-thể thao cấp xã, nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố hiện nay chưa được xây dựng; tiếp tục nâng cấp các trung tâm văn hóa-thể thao cấp xã, nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố đã xây dựng để đạt chuẩn, đảm bảo khang trang, đủ trang thiết bị, phương tiện để nâng cao chất lượng khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả. Có chính sách ưu tiên hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, vùng đồng bào có đạo, trong đó có việc đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở khu vực này.
 
Thứ ba, Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Văn hóa-Thông tin và Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt; đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những mặt hạn chế, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế này. 
 
Tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở. Tích cực tham mưu, đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh kịp thời có các chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở. Bởi, ngoài cơ sở vật chất, thì cán bộ là khâu quyết định đến sự tồn tại và hoạt động hiệu quả của thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, có phong phú, phù hợp và gắn với nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, rèn luyện thể chất của nhân dân hay không. 
 
Thứ tư, các địa phương, cơ sở phải bố trí địa điểm thuận lợi, dành quỹ đất phù hợp để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; huy động nguồn lực để nâng cấp các thiết chế hiện có, bổ sung thay thế thiết bị hoạt động. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm phát huy và nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở để góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Phát huy tính chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ tống các thiết chế văn hóa, thể thao tại địa phương. 
 
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; gắn nội dung hoạt động với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và lợi ích của cộng đồng, khu dân cư. Huy động sự tham gia của các đoàn thể và liên kết các đơn vị để làm phong phú nội dung hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ cở. Xây dựng các nội dung, chương trình hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng phù hợp với các nhóm đối tượng, các lứa tuổi; đặc biệt là, thu hút những người có tài năng nghệ thuật, năng khiếu thể tao tham gia hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tổ chức nhiều mô hình câu lạc bộ về văn hóa, thể thao nhằm thu hút người dân tham gia hoạt động.
 
Thứ năm, thực hiện tốt công tác xã hội hóa văn hóa, thực hiện cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đối với việc xây dựng và tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước và địa phương để xây dựng và tổ chức các hoạt động, cần phải huy động các nguồn lực khác thông qua phương thức xã hội hóa, huy động các nguồn tài trợ và sự đóng góp của nhân dân. Động viên, khuyến khích người dân hiến đất, hiến tài sản, góp sức xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần nâng cao cất lượng phong trào văn hóa cơ sở.
 
Khen thưởng, biểu dương kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.
 
Tập trung củng cố và nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và thể thao ở cở sở. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và thể thao ở cở sở là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở hiện nay.
 
Trần Vũ Khiêm
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao
 

tin liên quan

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về đề nghị bỏ đốt vàng mã?
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về đề nghị bỏ đốt vàng mã?
Đốt vàng mã theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy là tập tục đã gắn với đời sống tín ngưỡng, tâm linh người dân Việt Nam nhiều đời nay. Tuy nhiên, việc hạn chế đốt vàng mã theo bà cũng là cần thiết và đã được chính Bộ Văn hóa, Thể thảo và Du lịch nhiều lần ý kiến.
 
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 năm 2018 chính thức khai mạc sáng 2-3, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. 
 
Rộn ràng lễ hội Cầu Ngư làng Cảnh Dương
Rộn ràng lễ hội Cầu Ngư làng Cảnh Dương

(QBĐT) - Sáng 2-3 (tức Rằm tháng Giêng), xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) tổ chức chương trình lễ hội Cầu Ngư năm 2018.