(QBĐT) - Ở những làng quê trù mật với những ngõ bê tông phẳng lì cùng những mái ngói đỏ tươi, vẫn còn đó những chiếc giếng cổ hàng trăm năm tuổi phủ màu thời gian. Mạch nguồn từ quá khứ linh thiêng ấy đã lưu giữ giùm bao thế hệ người dân quê ký ức của làng, của tình đất, tình người nồng đượm.
Xã Võ Ninh (Quảng Ninh) xưa là làng Võ Xá, một trong tứ danh hương của phủ Quảng Ninh và là bát danh hương của đất Quảng Bình nổi tiếng với bề dày truyền thống hiếu học. Sâu trong dáng vẻ nhộn nhịp của một làng quê neo mình dọc theo quốc lộ 1A, vẫn còn đó những giá trị truyền thống vững bền và bất biến cùng thời gian.
Xưa, để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, người Võ Xá đã đào giếng, khơi thông nguồn nước. Mỗi xóm đều có vài ba giếng nhỏ, nguồn nước mát lành, trong vắt. Trải qua thời gian, dẫu có nhiều biến thiên, thay đổi, nhưng người Võ Xá qua nhiều thế hệ vẫn lưu giữ những giếng nước hàng trăm năm tuổi này.
Đặc biệt, mảnh đất đầm lầy Võ Xá có nhiều giếng nước tự phun trào. Dọc thôn Tây ngày nay có đến 6 giếng nước, từ giếng đầu làng, đến từng ngõ xóm, trở thành không gian sinh hoạt chung đầy gắn bó của người dân nơi này. Riêng giếng Con Cá ở thôn Thượng nổi tiếng hơn cả bởi nơi đây có dòng nước ngầm phun trào, người dân tự hào gọi đó là mạch sinh thủy. Khi xây giếng, người dân trổ hình miệng con cá làm lỗ cho nước phun ra để hứng nên được gọi là giếng Con Cá. Nguồn nước quý này từng là chỗ dừng chân ghé lại của bao lượt khách thập phương trên tuyến đường thiên lý Bắc Nam.
Người Võ Ninh ngày nay dẫu đã có hệ thống nước sạch về từng thôn xóm, đến tận từng nhà, thế nhưng, họ vẫn quyết tâm giữ lại những giếng nước phủ màu thời gian ấy như di sản quý giá mà bao thế hệ cha ông đã để lại. Ông Nguyễn Trung Thành, người dân ở thôn Tây cho biết, vài năm trước, chính quyền xã đã cho tu sửa lại hệ thống giếng cổ còn sót lại trên địa bàn xã. Giờ đây, những giếng nước này vẫn là điểm sinh hoạt cộng đồng của bà con nơi đây. Mỗi buổi chiều hè hay những ngày đi làm đồng về, dưới cái nắng oi nồng, giếng nước của làng lại vang vọng tiếng chuyện trò, cười đùa rộn rã.
![]() |
Một trong những giếng Chăm quý tại xã Quảng Phương (Quảng Trạch). |
Trong sự phát triển không ngừng của mỗi vùng đất, mỗi làng quê, vẫn còn đó những mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn thao thiết chảy như một sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, giữa sự kế thừa và phát triển. Một làng quê không thể phát triển vững bền nếu mất đi cái gốc gác văn hóa bền chặt cùng thời gian. Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà giếng làng dù hàng trăm năm tuổi vẫn hiện diện trong đời sống của bao thế hệ, mặc cho sự xuất hiện của những phương tiện sống hiện đại hữu ích khác. Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng cho rằng, cùng với cây đa, sân đình, giếng nước là linh hồn của mỗi một làng quê, là không gian sinh hoạt đầy thiêng liêng mà mỗi người con của làng khi đi xa đều tha thiết nhớ về. Ông bảo, từ xưa, người dân quê đã biết tìm nguồn nước để đào giếng sử dụng. Kinh nghiệm quý báu ấy truyền đời cho đến hôm nay khi có nhiều giếng nước hàng trăm năm tuổi, phủ đầy rêu xanh nhưng vẫn mát lành và ăm ắp nước, kể cả những mùa nắng hạn gay gắt.
Những bậc cao niên của làng Kim Nại (An Ninh, Quảng Ninh) không rõ những giếng nước của làng mình có tự bao giờ. Theo họ, ngay từ khi khai khẩn, 6 gia đình (về sau là 6 họ khai canh – PV) đã chọn đất đào giếng. Năm 1998, nắng hạn kéo dài, nước hồ Cẩm Ly cạn, không chảy về được các thôn quê trong vùng thì 3 cái giếng bị bỏ phế đã lâu ở Kim Nại vẫn có nước. Dân làng Kim Nại đã tổ chức xây thành cho giếng Chùa và giếng Mội để bảo vệ nguồn nước quý giá ấy. Các giếng Mội, giếng Trằm và giếng Chùa tạo thành hai con suối chảy quanh năm ở phía Bắc và phía Nam tạo thành biên giới tự nhiên của làng. Địa thế ấy đã tạo nên cảnh sắc non nước, ruộng vườn trú phú cho mảnh đất bát danh hương này.
Theo ông Văn Tăng, tại một số làng quê, đến nay, vẫn còn giữ lại những giếng cổ của người Chăm xưa kia. Chỉ riêng tại xã Quảng Phương (Quảng Trạch) đang lưu giữ lại 5 giếng cổ của người Chăm, nước trong lành, mát rượi. Đến nay, nhiều giếng cổ vẫn được người dân địa phương sử dụng hiệu quả, nhất là vào những ngày nắng hạn kéo dài. Tuy có nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng tất cả các giếng có chung đặc điểm trong xây dựng đó là có khung gỗ vuông (gỗ lim) ở dưới thành gạch. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng bảo đảm tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài không bị sụt lún. Nước ở các giếng cổ này mát ngọt tự nhiên không gì sánh nổi, mực nước luôn cao và ổn định kể cả những ngày nắng hạn.Với những người dân Quảng Phương, những giếng nước trầm mặc, vững chãi với thời gian chính là nơi chốn thiêng liêng để những người con xa quê luôn thao thiết nhớ về. Ở cạnh giếng nước lớn nhất làng Pháp Kệ có một ngôi miếu cổ phủ kín rêu phong. Hằng năm, mỗi dịp tiết thanh minh, người dân làng Pháp Kệ lại sắp cỗ ra giếng Chăm cúng bái, tổ chức hội hè, khấn thờ giếng thiêng.
Điều đáng tiếc là dọc các làng quê trên dải đất Quảng Bình đã không còn nhiều những chiếc giếng cổ trầm mặc, bất biến cùng thời gian. Một phần ký ức thật đẹp của làng cũng đã vùi chôn theo những mạch ngầm xưa cũ ấy. Riêng với những làng quê còn lưu lại vài ba giếng cổ thì một khi những công trình rêu phong ấy vẫn còn được giữ lại đồng nghĩa với việc chúng được nâng niu và gìn giữ cẩn trọng. Ngay tại thôn Bắc Cổ Hiền (Hiền Ninh, Quảng Ninh), người dân nơi đây đã đóng góp kinh phí để tôn tạo lại giếng Cây Dừa và giếng Miệu. Điều đó đủ thấy, người dân nơi ngã ba sông này trân quý những mạch nguồn ngọt mát ấy đến đâu. Với người Cổ Hiền, giếng làng trở thành di sản linh thiêng mà bao thế hệ đều tự hào gìn giữ.
Sự hiện hữu của những giá trị xưa cũ ngay trong chính dòng chảy của cuộc sống hôm nay cũng tựa như một nét đẹp văn hóa vững bền và bất biến cùng sự biến thiên của đất trời, sự đổi dời của thời cuộc. Và giếng làng là linh hồn của làng và là mảnh hồn quê neo mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.
Diệu Hương