Đức Trạch khôi phục lễ hội đua thuyền truyền thống

  • 03:03, 03/03/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làng biển Đức Trạch (Bố Trạch) nép mình bên bờ biển hiền hòa. Hàng bao đời nay, ngư dân nơi đây xem biển là máu thịt, là nguồn sống.
 
Không biết nghề đánh cá có tự bao giờ, chỉ biết từ bao đời nay, người dân Đức Trạch đã gắn liền với biển. Cha ông đi trước khai hoang, lập nghiệp nhờ vào biển, giờ đây thế hệ cháu con ở xã Đức Trạch vẫn ngày ngày bám biển. Lớn lên ở vùng đất mà lúc vất vả mưu sinh cũng như khi vui chơi hội hè, cuộc sống của người dân đều gắn liền với sông nước, với nghề chài lưới. Có lẽ vì vậy mà những hoạt động chèo ghe, đua thuyền trở thành một hoạt động văn hóa truyền thống  không thể thiếu trong ngày hội làng biển.
 
Theo sử sách, lễ hội đua thuyền đã từng tồn tại ở vùng đất Đức Trạch xưa từ nhiều thế kỷ trước. Qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, lễ hội đua thuyền ở đây từng bị gián đoạn trong một thời gian dài vì chiến tranh. Với quyết tâm giữ gìn nét đẹp văn hóa làng biển, không để mai một các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao, hội đua thuyền xã Đức Trạch đang được khôi phục và phát triển.
 
Theo ông Võ Văn Cối, nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, thì Đức Trạch là địa phương có nhiều hoạt động đặc trưng của sinh hoạt văn hóa làng biển, như: cầu mùa, thờ Ngư ông và đua thuyền trên sông, trên biển. “Đức Trạch có truyền thống bơi trải (chèo thuyền tập thể) từ thời xưa để lại. Dưới sự đoàn kết, nhất trí và tinh thần xây dựng quê hương mới, việc khôi phục lễ hội đua thuyền trở thành nét văn hóa đẹp đẽ của xã”, ông Võ Văn Cối chia sẻ.  
Các đội bơi về đích sau trận đấu.
Các đội bơi về đích sau trận đấu.
Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ đầu tháng 8, các thôn tham gia đua thuyền đã tổ chức lễ phát mộc, đóng mới, tu sửa thuyền đua. UBND xã Đức Trạch thực hiện xã hội hóa, kêu gọi nhân dân chung tay góp sức. Với tinh thần quyết tâm cao và sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, lễ hội đua thuyền truyền thống xã đã diễn ra thành công tốt đẹp và thực sự là ngày hội lớn của nhân dân địa phương. Với ý nghĩa cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, thuận buồm xuôi gió, mang về những chuyến biển bội thu và tạo sân chơi bổ ích cho ngư dân các làng biển, người dân và các tay chèo đã cùng nhau mang đến bầu không khí mừng xuân vô cùng náo nhiệt.
 
Đến xem con cháu thi chèo bơi, cụ bà Lê Thị Hiền (70 tuổi, ở thôn Đông Đức, xã Đức Trạch) chia sẻ: “Nét đẹp nhân văn cơ bản nhất của lễ hội đua thuyền chính là tinh thần đoàn kết cộng đồng, là sự chung sức vượt khó, toàn tâm, toàn lực của tập thể”. Năm nay xã Đức Trạch tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông sau một thời gian dài vắng bóng. Toàn bộ kinh phí tổ chức đều do bà con trong làng tự nguyện đóng góp. “Kết thúc cuộc đua, các thôn còn tổ chức liên hoan, càng thêm thắt chặt tình làng, nghĩa xóm”, cụ Hiền cho biết thêm.
Đội bơi giành giải nhất tại hội đua thuyền mừng Đảng- mừng Xuân Mậu Tuất 2018
Đội bơi giành giải nhất tại hội đua thuyền mừng Đảng- mừng Xuân Mậu Tuất 2018
Nét mới trong lễ hội đua thuyền truyền thống năm 2018 là cùng với việc khôi phục phần hội gồm 4 đội đua là đại diện của 4 thôn trong xã, phần lễ cũng được Ban tổ chức chú trọng bằng các hoạt động như tổ chức lễ Xuân thủ đầu năm và lễ dâng hương tại đình làng. Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho biết: “Lễ hội đua thuyền là hình thức cầu ngư, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, ngư dân ra khơi cá tôm đầy ghe...”
 
Tham gia lễ hội năm nay có 4 đội đua, mỗi đội có 17 người gồm 12 tay bơi, 2 tay chèo, 1 tay phách, 1 tay mõ, 1 tay té nước, thi đấu qua 2 vòng đua trên quãng sông Lý Hòa dài 2km. Mặc dù trong những ngày đầu xuân 2018, trời lạnh nhưng hàng nghìn người vẫn tới tham gia cổ vũ cho lễ hội. Cùng với việc khôi phục lại giải đua truyền thống, chùa Đức Trạch được khởi công xây dựng, tu sửa lại đình làng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân mỗi khi Tết đến, xuân về. 
 
Hồng Thắm
(Đài TT-TH Bố Trạch)

tin liên quan

Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

(QBĐT) - Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đang hằng ngày, hằng giờ đồng hành cùng cuộc sống của người dân và là một phần không thể thiếu của xã hội. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về đề nghị bỏ đốt vàng mã?
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về đề nghị bỏ đốt vàng mã?
Đốt vàng mã theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy là tập tục đã gắn với đời sống tín ngưỡng, tâm linh người dân Việt Nam nhiều đời nay. Tuy nhiên, việc hạn chế đốt vàng mã theo bà cũng là cần thiết và đã được chính Bộ Văn hóa, Thể thảo và Du lịch nhiều lần ý kiến.
 
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 năm 2018 chính thức khai mạc sáng 2-3, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.