(QBĐT) - Nhà văn hoá thôn, bản, tổ dân phố đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư; là nơi tổ chức các cuộc hội họp phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao của địa phương. Tuy nhiên, tại TP. Đồng Hới, hệ thống nhà văn hóa ở một số nơi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Nhà văn hóa phát huy hiệu quả
Việc dành quỹ đất và đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố (TDP) là một cố gắng lớn của các cấp ủy đảng và chính quyền, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm đối với nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Nơi đây trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, làm tiền đề cho việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần tại cộng đồng dân cư.
Ông Hồ Thanh Hải, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Đồng Hới cho biết: Đồng Hới hiện có 425/428 thôn, TDP có nhà văn hóa. Phần lớn các nhà văn hóa đều phát huy hiệu quả và đóng vai trò tích cực trong các hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
![]() |
Hệ thống nhà văn hóa phường Bắc Lý phát huy hiệu quả chức năng. |
Phường Bắc Lý có 15/15 TDP có nhà văn hóa. Hầu hết các nhà văn hóa đều có hội trường và khu thể thao rộng rãi, có cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Đây không chỉ là nơi hội họp của cán bộ, nhân dân trong tổ mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi. Từ khi có nhà văn hóa, nhiều câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn cũng được thành lập và hoạt động như CLB cầu lông, bóng bàn, CLB đàn hát dân ca của các cụ ông, cụ bà...
Bà Nguyễn Thị An, TDP 12, phường Bắc Lý cho biết: Nhiều năm qua, nhà văn hóa đã trở thành điểm hội họp quen thuộc của người dân trong tổ dân phố. Các cuộc sinh hoạt chi bộ, tập huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề; luyện tập, biểu diễn văn nghệ... đều được tổ chức ở đây. Bà con TDP được nâng cao hiểu biết về mọi mặt, về phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở gia đình, khu dân cư... Sân nhà văn hóa rộng rãi nên bà con thường chia thời gian để hoạt động, từ 5h-5h30 sáng các cụ ông, cụ bà tập thể dục dưỡng sinh, 5h30-7h CLB cầu lông luyện tập, chiều có luyện tập bóng chuyền...
Xã Lộc Ninh có 16/16 nhà văn hóa thôn. Các nhà văn hóa thôn đều đáp ứng được nhu cầu hội họp, hoạt động thể dục, thể thao của người dân, mỗi nhà văn hóa đều có một sân bóng chuyền. Có nhà văn hóa thôn, việc sinh hoạt cộng đồng được thuận lợi hơn, nội dung sinh hoạt tại các nhà văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thông qua các hoạt động cộng đồng, tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm thắt chặt, tạo mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn Đồng Hới đã chọn nhà văn hóa làm nơi tổ chức đám cưới, đám hỏi cho con em mình. Đây là việc làm tích cực, làm giảm bớt tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, gây ách tắc giao thông, làm mất mỹ quan thành phố.
Vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu
Phần lớn các nhà văn hóa TDP trên địa bàn TP. Đồng Hới đều phát huy vai trò trong xây dựng đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, theo Thông tư số 06/2011 của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản, khu phố đạt chuẩn phải có diện tích đất khu nhà văn hóa từ 500m2 trở lên (ở đồng bằng) và 300m2 trở lên (ở miền núi); diện tích khu thể thao từ 2.000m2 trở lên (ở đồng bằng) và 1.500m2 trở lên (ở miền núi), có hội trường đủ 100 chỗ ngồi trở lên, trang thiết bị hiện đại, đầy đủ sách, báo... thì một số nhà văn hóa ở TP. Đồng Hới vẫn chưa đạt theo chuẩn quy định; tập trung ở các phường đông dân cư như phường Hải Đình, Đồng Mỹ, Đồng Phú, Nam Lý...
![]() |
Nhà văn hóa TDP 5, phường Đồng Mỹ không có sân bãi, chỉ đáp ứng được nhu cầu hội họp. |
Phường Đồng Mỹ có 3/5 TDP có 3 nhà văn hóa cộng đồng. Nhà văn hóa TDP 1 “mượn” lại trụ sở của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, mặc dù đã được cải tạo lại nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu của người dân nơi đây. Còn nhà văn hóa TDP 5 là căn nhà người dân tặng lại với diện tích 100m2, nên không gian nhỏ, chật hẹp, ẩm thấp, không có chỗ cho sân thể thao, vườn hoa...
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó chủ tịch UBND phường Đồng Mỹ chia sẻ: Hiện phường còn TDP 2 và TDP 3 chưa có nhà văn hóa, việc tìm một nhà văn hóa cho bà con đã khó, huống gì nói đến việc đạt các chuẩn của một nhà văn hóa theo quy định. Hiện nay phường thiếu quỹ đất, thiếu nguồn kinh phí nên chưa xây dựng được nhà văn hóa cho người dân. Đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân, địa phương đang cố gắng để có nhà văn hóa cho bà con sớm nhất có thể.
Nhà văn hóa xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu hội họp của người dân cũng là một trong những khó khăn của hệ thống nhà văn hóa thôn, TDP trên địa bàn Đồng Hới hiện nay. Nhiều nhà văn hóa được xây dựng thời gian khá lâu nên đã xuống cấp, diện tích phòng họp chật hẹp. Mặt khác, trang thiết bị như loa máy, bàn ghế hư hỏng... ảnh hưởng lớn đến các buổi sinh hoạt của người dân.
Để nhà văn hóa là nơi thu hút đông đảo nhân dân tham gia sinh hoạt, bên cạnh việc tiếp tục sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu, thiết nghĩ các địa phương cần huy động nguồn kinh phí xã hội hóa đầu tư trang thiết bị chuyên dùng bảo đảm chất lượng hoạt động cho nhà văn hóa; đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý để phát huy tối đa công năng của nhà văn hóa thôn, TDP hiện nay.
Thanh Hoa