Lễ tiếp nhận đất thiêng từ Trường Sa vào đàn Xã Tắc ở Huế

  • 08:08, 29/08/2017
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Ngày 29-8, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức lễ tiếp nhận đất thiêng từ Trường Sa và thực hiện các nghi thức trang trọng nhất để hòa đất thiêng vào đàn Xã Tắc, Huế.

Nghi thức hòa đất thiêng từ Trường Sa vào đất ở đàn Xã Tắc, Huế. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)
Nghi thức hòa đất thiêng từ Trường Sa vào đất ở đàn Xã Tắc, Huế. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Tuổi trẻ Lê Thế Chữ nhấn mạnh mỗi nắm đất Trường Sa có thấm máu, mồ hôi, công sức của bao thế hệ đã quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, có lời thề xả thân giữ gìn biển đảo quê hương: còn người, còn đảo, một tấc không đi, một ly không dời. Mỗi nắm đất thiêng ấy nhắc nhở công lao của bao thế hệ cha anh đi trước để có đất nước độc lập, thống nhất hôm nay; nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau phải chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng phát triển đất nước giàu đẹp để xứng đáng với tiền nhân.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, trước đó, tháng 5-2017, Báo Tuổi trẻ và Quân chủng Hải quân đã tổ chức lễ tiếp nhận đất thiêng Cố đô Huế gửi ra Trường Sa. Đây là hoạt động ý nghĩa, khẳng định chủ quyền non sông liền một dải từ đất liền ra biển đảo, khẳng định khát vọng về một vùng biển hòa bình, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho chiến sỹ, đồng bào đang ngày đêm bám biển và khẳng định chủ quyền biển đảo.

Đàn Xã Tắc ở Huế được xây dựng từ cuối mùa Xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc "tả Tổ, hữu Xã" (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống.

Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của cố đô Huế. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa Xuân và mùa Thu, xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao và tế Miếu tổ tiên. Hầu hết các vị vua triều Nguyễn đều đã từng chủ trì lễ tế quan trọng này. Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của đàn Xã Tắc, khi xây dựng đàn Xã Tắc, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo chỉ dụ của triều đình đều góp đất sạch để đắp đàn./.

Theo Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Giữ lửa ca trù
Giữ lửa ca trù

(QBĐT) - Sau bao biến động thời cuộc, ca trù – một loại hình nghệ thuật độc đáo tồn tại lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Quảng Bình, tưởng chừng đã chìm vào dĩ vãng, thì nhiều năm trở lại đây bộ môn nghệ thuật này được hồi sinh bởi những thành viên Câu lạc bộ (CLB) ca trù phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-những bằng chứng pháp lý và lịch sử"
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-những bằng chứng pháp lý và lịch sử"

(QBĐT) - Ngày 28-8, thị xã Ba Đồn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-những bằng chứng pháp lý và lịch sử"...

Lễ hội này em có về không?
Lễ hội này em có về không?

(QBĐT) - Em, tay bế tay bồng nên thím nên bác phương nào có nhớ ngày lễ hội mừng Tết Độc lập, nhớ ngọn gió nam, thảm cỏ mềm, chiếc đò sang ngang và đêm trăng cổ tích...  để về không em?