(QBĐT) - Họ đến với thơ ca bằng tình yêu và sự đam mê. Có người đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng những trang thơ, câu hát của họ vẫn luôn phơi phới sức xuân. Họ chính là những hội viên của Câu lạc bộ (CLB) thơ ca xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới). Với những “nghệ sĩ làng” ấy, thơ ca chính là nguồn động lực không thể thiếu giữa những bon chen, xô bồ của cuộc sống đời thường, là làn gió thổi mát tâm hồn để vui hưởng tuổi già một cách trọn vẹn, ý nghĩa.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ngăn nắp, giản dị, bà Hoàng Thị Sảnh (thôn 5), hội viên CLB thơ ca xã Nghĩa Ninh không giấu được niềm vui khi kể về những tháng ngày sinh hoạt trong CLB. Tham gia CLB từ năm 2011, bà Sảnh hiện là một trong những hội viên sáng tác thơ chủ lực của CLB. Từ khi tham gia CLB đến nay, bà đã sáng tác được trên 20 bài thơ ở các thể loại. Đó là những bài thơ viết tặng con cháu vào các dịp kỷ niệm, sinh nhật, ngày cưới hay những xúc cảm trước cảnh sắc quê hương trên đường đổi mới...
“Tham gia CLB, tôi tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Những buổi sinh hoạt thơ ca, sự quan tâm, động viên của các hội viên CLB giúp chúng tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc đời. Như tôi đây, lúc ông nhà mất tưởng như không thể vượt qua được nỗi đau nhưng rồi nhờ sự quan tâm, chia sẻ của mọi người, nhất là những thành viên CLB, tôi đã dần nguôi ngoai và lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống. Với tôi, niềm vui bây giờ chính là được chia sẻ với con cháu và các bạn thơ về những tác phẩm mới của mình”, bà Sảnh chia sẻ.
Có cơ hội trò chuyện với các hội viên CLB thơ ca xã Nghĩa Ninh mới cảm nhận được niềm đam mê thơ ca như suối nguồn vô tận trong tâm hồn họ. “Đa số các hội viên CLB đều là người cao tuổi, các cựu chiến binh. Chính tình yêu, niềm đam mê thơ ca đã giúp chúng tôi ngày càng trẻ hơn, xích lại gần nhau. Không phải ngẫu nhiên mà xã Nghĩa Ninh là một trong số ít địa phương ở Đồng Hới còn lưu giữ được nền nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần ý nghĩa như thế này trong một thời gian dài như thế. Tất cả là nhờ vào đam mê, nhiệt huyết của tất cả các hội viên”, ông Đào Công Duyện, Phó chủ nhiệm CLB chia sẻ. Tiền thân của CLB thơ ca xã Nghĩa Ninh là CLB thơ xã Nghĩa Ninh, được thành lập vào tháng 6-2002 với 12 thành viên.
![]() |
CLB thơ ca xã Nghĩa Ninh góp phần giữ gìn, phát huy và làm phong phú cho nền văn hóa của địa phương. |
Đến đầu năm 2004, xã Nghĩa Ninh cũ chia tách thành phường Bắc Nghĩa và xã Nghĩa Ninh, CLB thơ phải giải thể do 3/4 số hội viên chuyển về phường Bắc Nghĩa. Bằng tình yêu thơ ca ngấm vào máu thịt, các hạt nhân thơ ca còn lại của xã đã nỗ lực vực dậy phong trào của địa phương. Năm 2010, UBND xã đã có quyết định thành lập CLB thơ ca xã Nghĩa Ninh với 11 thành viên. CLB có tư cách pháp nhân, được HĐND xã phân bổ ngân sách hoạt động mỗi năm và là một thành viên trong Ủy ban MTTQVN xã.
Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, đến nay, CLB đã có 18 hội viên tham gia. Hội viên lớn tuổi nhất năm nay đã bước sang tuổi 84. Người ít tuổi nhất cũng đã ngót nghét 58 tuổi. Dù có nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng các cụ sinh hoạt trong câu lạc bộ đã tìm thấy sự đồng cảm, cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Từ buổi sinh hoạt các cụ còn lồng vào cách giáo dục con cháu trong gia đình sống hiếu thảo, chăm ngoan, biết vâng lời ông bà cha mẹ, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, hướng đến cuộc sống chân, thiện, mỹ.
Mặc dù theo định kỳ hai tháng sinh hoạt một lần, nhưng vào thời gian rảnh rỗi sau mùa vụ, các hội viên thường gặp gỡ đàm đạo về những bài thơ, tổ khúc dân ca mới sáng tác, mới thuộc.
Đối với thơ, thông qua các bài thơ của hội viên hoặc sưu tầm của các nhà thơ nổi tiếng và những tài liệu nói chuyện về thơ, cách thức, kinh nghiệm làm thơ... các hội viên cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, khích lệ nhau, tạo nguồn cảm hứng sáng tác.
Một số hội viên am hiểu về các làn điệu dân ca đã sáng tác nhiều tổ khúc dựa trên các làn điệu dân ca quen thuộc như: điệu lý ngựa ô, lý hoài xuân... Bận rộn và vui nhất là những dịp chuẩn bị cho các hội diễn, ngày kỷ niệm của địa phương vì các hội viên phải luyện tập liên tục. Những lời ca, tiếng thơ của họ đã góp phần tạo nên không khí vui tươi, rộn rã trong từng xóm thôn.
Đây cũng là một sân chơi trí tuệ đầy bổ ích nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, tạo điều kiện để các thành viên CLB được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Bà Hà Thị Tần, hội viên CLB thơ ca xã Nghĩa Ninh chia sẻ: “Chúng tôi ai nấy như trẻ lại khi tham gia sinh hoạt CLB. Chừng nào còn sức khỏe, chúng tôi vẫn còn hát, còn ngâm thơ. Truyền cảm hứng, niềm đam mê văn nghệ cho các thế hệ con cháu sau này, góp phần giữ gìn và làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của người dân địa phương là mong muốn của chúng tôi”.
![]() |
Với bà Hoàng Thị Sảnh, một trong những hội viên CLB thơ ca xã Nghĩa Ninh, thơ ca chính là nguồn động lực để sống vui, sống khỏe và có ích. |
Cũng chính bởi mong muốn ấy mà suốt mấy chục năm nay, ông Đào Văn Vương, một trong 3 thành viên còn lại của CLB thơ xã Nghĩa Ninh (cũ) luôn đem hết tâm lực của mình để góp phần phát triển CLB. Vốn là một cựu chiến binh tàu hải quân không số giàu bản lĩnh, kinh nghiệm sống, ông Vương đã hun đúc cho mình một hồn thơ mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần sâu lắng. Và từ hồn thơ ấy, ông đã sáng tác nên những tổ khúc dân ca dạt dào, cảm xúc như: Ngàn hoa dâng bác, Đất mẹ yêu thương, Nhớ về quê mẹ Nghĩa Ninh... Những tổ khúc dân ca do ông sáng tác có ca từ giản dị, gần gũi với đời sống, sinh hoạt của người dân, dễ nhớ, dễ thuộc, được CLB sử dụng biểu diễn ở nhiều nơi.
“Chính niềm đam mê với thơ ca, tình yêu quê hương đã giúp tôi tìm được nguồn cảm hứng sáng tác. Không riêng gì tôi mà các thành viên trong CLB cũng thế. Chỉ có niềm đam mê, yêu thích ca hát, chúng tôi mới tìm cho mình tiếng nói chung. Trong các buổi sinh hoạt như thế không đơn thuần là ca hát, vui chơi, mà đó là nhịp cầu gắn kết các hội viên gần gũi với nhau. Được gặp gỡ, cùng nhau đàm đạo về thơ ca, được mang lời thơ, tiếng hát phục vụ bà con chính là niềm vui sống mỗi ngày của chúng tôi”, ông Vương bộc bạch.
Gần 10 năm xây dựng và trưởng thành, CLB thơ ca xã Nghĩa Ninh đã luôn đồng hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội cùng người cao tuổi nói riêng và bà con địa phương nói chung, góp phần khẳng định sức sống, gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần quý giá, trân trọng.
Tâm An