"Ai về đất võ mà xem..."

  • 09:05, 31/05/2016
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tháng 5, nắng vàng trượt dài trên dải đất hẹp miền Trung. Mảnh đất Bình Định – quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - đón chúng tôi bằng cái mặn mòi nồng nàn của biển Quy Nhơn, trong tiếng võ nhạc hùng tráng, dồn dập và tiếng hát bài chòi da diết, ngân nga. Một lần đến với miền đất võ, đắm mình trong mạch ngầm văn hóa cổ xưa và thưởng thức những đặc sản nổi tiếng của “xứ nẫu” là một lần bước chân dùng dằng như chẳng muốn rời xa.

Bài 1: Dấu ấn Tây Sơn

Trong chuyến công tác dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 6 (vòng IV) do Báo Bình Định tổ chức, chúng tôi may mắn được đi tham quan những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh làm nên cốt cách của mảnh đất Bình Định. Một lần đến với Bảo tàng Quang Trung, nghe ký ức hùng tráng xa xưa vọng về mới cảm nhận sâu sắc hơn niềm tự hào đặc biệt của những người dân “xứ nẫu” khi được sinh ra trên quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Về miền ký ức

Sáng tháng 5 rực nắng. Từ thành phố Quy Nhơn, chúng tôi đi dọc theo quốc lộ 19 về với huyện Tây Sơn - quê hương của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Nước sông Côn mùa này trong xanh lạ. Những ngôi làng nằm yên bình tựa mình bên những dãy núi trùng điệp. Dường như, ngọn gió của đổi thay phố thị vẫn chưa kịp thổi qua mảnh đất này. Trên chuyến hành trình dài gần 50km ấy, chúng tôi ấn tượng đặc biệt với những ngọn tháp Chăm rêu phong đứng chơ vơ trên những ngọn đồi cao đơn độc. Trải qua hằng trăm năm lịch sử, những dấu tích văn hóa cổ xưa đã “đạt đến độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc” ấy vẫn đứng vững và đầy ngạo nghễ trước thử thách của thời gian và sự tàn phá khắc nghiệt của thiên tai cùng bom đạn chiến tranh.

Tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ tại Bảo tàng.
Tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ tại Bảo tàng.

Bảo tàng Quang Trung nằm giữa một khuôn viên rộng lớn với bốn bề cây xanh. Bước chân đến nơi đây, không gian rợp bóng mát của Bảo tàng như xua đi hết những nhọc mệt của cái nắng tháng 5 chát chúa và bỏng rát. Nhà báo Thu Hiền – một người bạn đồng nghiệp công tác tại Báo Bình Định dẫn tôi đi vòng quanh khu Bảo tàng. Trong câu chuyện của chị - một người con gái xứ võ Bình Định – không giấu được niềm tự hào về mảnh đất quê hương mình. Chị bảo: với 11.057 tư liệu, hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế về nhà Tây Sơn, có thể coi Bảo tàng Quang Trung đang sở hữu một kho tư liệu, hiện vật giàu có, phong phú nhất về một thời đại lừng lẫy và vị vua kiệt xuất nhất, được yêu mến nhất trong lịch sử dân tộc. Đây là thành quả một quá trình nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng trong hơn 30 năm qua, kể từ khi thành lập năm 1977. Với tâm huyết sưu tập lại tất cả những di sản quý giá của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, những cán bộ của Bảo tàng đã đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, đến gõ cửa các Đại sứ quán nước ngoài để mong nhận được sự hỗ trợ trong việc tìm kiếm và sưu tầm hiện vật.

Bảo tàng có 9 phòng trưng bày với những di vật quan trọng liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Nằm trong quần thể Bảo tàng Quang Trung là điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và các danh tướng làm nên danh tiếng cuộc khởi nghĩa vang danh sử sách. Điện được xây dựng trên chính nền nhà cũ của ba anh em nhà Tây Sơn. Bên cạnh nét uy nghi, trang nghiêm của điện thờ là giếng nước và cây me do cụ Hồ Phi Phúc – thân sinh ba anh em Nguyễn Huệ - nuôi trồng và tạo dựng nên. Giếng nước ghép bằng đá ong, không có vữa hồ, là nguồn nước ngọt mát, chắt chiu yêu thương đã nuôi dưỡng ba anh em trưởng thành. Cây me là nơi Nguyễn Nhạc họp bàn việc nước với các nghĩa sĩ và cũng là nơi nhân dân bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn sau những năm đình bị đốt cháy. Trước khi đặt chân đến khu điện thờ, chúng tôi dừng lại bên giếng nước, uống những ngụm nước ngọt mát, trong vắt, kéo lên từ đây. Những ngụm nước như kéo gần lại hơn 200 năm lịch sử. Quá khứ hào hùng dường như vẫn vang vọng đâu đây.

Tại chính giữa khu Bảo tàng là nơi trưng bày những hiện vật quan trọng in đậm chiến công hiển hách của các vị anh hùng áo vải như trống trận, cồng chiêng, ấn tín hay 18 loại binh khí thô sơ giúp nghĩa quân Tây Sơn đi từ chiến thắng 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút đến trận đánh 29 vạn quân Thanh. Ngoài ra du khách còn được ngắm sắc phục, các đồ dùng sinh hoạt của nghĩa quân đã được lưu giữ hàng trăm năm qua. Dường như quá khứ hào hùng vẫn còn đâu đó trong ngôi đền thờ uy nghiêm, nghi ngút khói hương, bên những hiện vật đã nhuốm màu xưa cũ.

Âm vang nhạc võ Tây Sơn

 Đường vào Bảo tàng Quang Trung.
Đường vào Bảo tàng Quang Trung.

Cảm giác thú vị khi đến với Bảo tàng Quang Trung chưa dừng lại ở đó. Chúng tôi tiếp tục những khám phá ấn tượng về triều đại Tây Sơn qua buổi biểu diễn võ nhạc ngay tại chính khuôn viên Bảo tàng. Nhà báo Thu Hiền (Báo Bình Định) giới thiệu rằng võ thuật và trống trận Quang Trung là hai di sản phi vật thể lớn của nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn là những người có vai trò rất to lớn khai sáng, phát triển, hoàn thiện các võ phái Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân. Theo truyền thuyết, tiếng võ nhạc là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc hành quân thần tốc và chiến đấu oanh liệt của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương hình thức đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu, khi truyền lại đến ngày nay lấy tên gọi trống trận Quang Trung.

Đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung có gần 20 người, với đủ độ tuổi. Chúng tôi ấn tượng nhất với ánh mắt sắc sảo, đôi bàn tay gõ trống mạnh mẽ của trưởng đoàn Nguyễn Thị Thuận (57 tuổi). Hai bàn tay bà cầm dùi tung tẩy, lướt trên 12 mặt trống lớn nhỏ cùng những âm thanh phát ra như một bài ca chiến trận. Tiếng trống trận khi dồn dập như thác đổ, khi hừng hực khí thế như tiếng vó ngựa của đoàn quân trên đường ra trận. Bà bảo, mình là người nối nghiệp của một gia đình từng 9 đời đánh trống trận Tây Sơn. Niềm vui lớn nhất của bà Thuận là đến thời điểm này, nhạc võ Tây Sơn vẫn có được một lực lượng trẻ tuổi đầy tình yêu và tâm huyết để kế nghiệp ông cha. Những cô gái Bình Định khi vừa dứt những đường võ mạnh mẽ, dứt khoát, cởi bỏ tấm võ phục, khoác lên mình bộ trang phục của đồng bào Ba Na vẫn có thể uyển chuyển trong từng điệu múa truyền thống. Nhìn những người con gái đặc biệt ấy, người ta mới hiểu vì sao Bình Định được coi là xứ “đất võ, trời văn” và cớ làm sao nói võ thuật Bình Định đầy chất nhạc. Có lẽ, di sản võ thuật mà triều đại Tây Sơn để lại cho hậu thế vừa là văn hóa truyền thống, vừa có thể coi là nghệ thuật. Bởi thế, nên trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, hiếm có di sản nào như võ thuật Bình Định có được sự kết hợp “văn hóa – thể thao” mang bề dày lịch sử.

Đến đất võ Bình Định, chúng tôi hiểu rằng di sản mà triều đại Tây Sơn để lại cho con cháu hôm nay không chỉ là 11.057 hiện vật quý giá, không chỉ là võ thuật và trống trận mà thiêng liêng hơn, đó là khí chất mạnh mẽ, là nghị lực và còn là niềm tự hào về xứ sở luôn chất chứa trong trái tim mỗi người con Bình Định. Trong bom đạn chiến tranh hay khi đối mặt với thiên tai, bão lũ, người Bình Định vẫn mạnh mẽ đối mặt. Kiên cường như chính những người anh hùng áo vải trên mảnh đất Tây Sơn năm xưa!

Diệu Hương

Bài 2: Khi văn hóa là thế mạnh phát triển du lịch

tin liên quan

Nhiếp ảnh gia Pháp: Áo dài cần được cả thế giới chiêm ngưỡng
Nhiếp ảnh gia Pháp: Áo dài cần được cả thế giới chiêm ngưỡng

"Phụ nữ Việt mặc áo dài rất đẹp" - nhiếp ảnh gia Pháp Réhahn C chia sẻ với Tuổi Trẻ nhân sự kiện bộ ảnh anh chụp áo dài Việt Nam được giới thiệu trên trang boredpanda.com ngày 30-5.

Ra mắt "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" phiên bản đặc biệt
Ra mắt "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" phiên bản đặc biệt

Ngày 28-5, tại Thư viện Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt giới thiệu cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" phiên bản đặc biệt của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.

Nghề biển
Nghề biển

(QBĐT) - Nghề biển