Nghiệm thu công trình phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc

  • 07:01, 11/01/2016
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 10-1, UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư-Phát triển Việt Nam (BIDV) và Giáo hội phật giáo Việt Nam tổ chức nghiệm thu công trình phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Dự lễ có đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư kí Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

>> Tọa đàm khoa học về Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham quan các hạng mục công trình tại chùa Hoằng Phúc.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham quan các hạng mục công trình tại chùa Hoằng Phúc.

Chùa Hoằng Phúc xưa là chùa Kính Thiên, là một trong những danh lam cổ xưa nhất tại Quảng Bình, với chiều dài lịch sử trên 700 năm. Nơi đây không chỉ thờ phụng đức Phật mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương, đất nước, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của cư dân địa phương. Trong chiến tranh, chùa Hoằng Phúc từng là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, chùa đã bị bom đạn đánh phá hư hỏng.

Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã xếp hạng và công nhận chùa Hoằng Phúc là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Công trình phục dựng, tôn tạo Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc được khởi công từ ngày 30-11-2014, do UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh. Tổng mức đầu tư của công trình trên 40 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó nhà tài trợ chính là BIDV. Đến nay, sau gần 14 tháng tích cực triển khai thi công, các hạng mục chính của công trình cơ bản đã hoàn thành theo đúng theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.

 - Toàn cảnh di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc sau khi được phục dựng và tôn tạo
Toàn cảnh Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc sau khi được phục dựng và tôn tạo.

Phát biểu tại lễ nghiệm thu, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo tỉnh, nhân dân tỉnh Quảng Bình nói chung và huyện Lệ Thủy nói riêng, các tín đồ tăng ni, phật tử gửi lời cám ơn sâu sắc đến sự tài trợ của BIDV đối với công trình phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng bày tỏ mong muốn chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc mà ông cha đã để lại.

Hiền Chi
  

tin liên quan

Nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật
Nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật

Trong 2 ngày 8 và 9-1, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội.

Chợ quê cuối năm
Chợ quê cuối năm

(QBĐT) - Đến chợ để được nghe tiếng chợ, nhu cầu giao tiếp cần thiết chẳng kém việc bán mua. Có người quen ăn quà chợ đâm nghiện. Mà có gì đâu, nắm xôi, chiếc kẹo lạc, bát nước chè, chén rượu tăm để được thăm hỏi mừng nhau ở cái tuổi này mà còn không bỏ buổi chợ nào là vui lắm rồi. Chợ họp có phiên và mẹ tôi lại lần ngón tay để tính, để chăm tỉa tót cái mảnh vườn rau rồi tích tích nắm thóc cho bầy gà đang độ lớn, tối lại xay bột, giã nếp. Những việc tính toán cả đời không hết chỉ để dồn cho phiên chợ Tết cuối năm.

Hát Kiều ở Lâm Lang
Hát Kiều ở Lâm Lang

(QBĐT) - Hát Kiều, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo đã gắn liền với con người và mảnh đất Lâm Lang, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa từ hơn thế kỷ nay. Trải qua những biến thiên của lịch sử cùng với sự lấn át của âm nhạc đương đại, hát Kiều vẫn được người dân nơi đây nâng niu, gìn giữ, để rồi cứ mỗi khi xuân về tết đến, những dịp làng có lễ hội, tiếng hát Kiều lại rộn rã vang lên trong sự náo nức của lòng người.