(QBĐT) - “Vẫn còn vẹn nguyên ký ức thời trận mạc, thời gian khổ nhất nhưng cũng là thời đẹp nhất của tôi. Cùng đồng đội chia cơm sẻ áo, vào sinh ra tử nhưng bon đạn của giặc thù chẳng có ý nghĩa gì khi chúng tôi vẫn cất cao tiếng hát bằng tất cả niềm tin chiến thắng". Đó là tâm sự của ông Nguyễn Tấn Lực, cựu chiến binh đường Trường Sơn năm xưa, hiện đang sống ở phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới.
Ông Nguyễn Tấn Lực sinh năm 1930 ở Phú Yên. Mới 15 tuổi ông đã tham gia cách mạng ở địa phương. Năm 1954-1955 là diễn viên dân ca kịch Đoàn văn công Quân khu V, sau đó chuyển sang Đoàn văn công Sư 324 Quân khu IV. Từ năm 1961-1976 là chiến sĩ Đoàn 559.
Nhiều kỷ vật đơn sơ, rất đỗi đời thường nhưng đối với ông là “báu vật”. Đó là đôi giày vượt Trường Sơn mà ông từng dùng gùi hàng ra tiền tuyến, là chiếc ống câu mà mỗi lúc rảnh rỗi ông thường đến các khe, suối để câu cá cải thiện bữa ăn cho đồng đội, là chiếc khăn, chiếc màn làm ấm lòng người chiến sĩ những đêm giá lạnh, bức ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bản nhạc, bài thơ và từng trang nhật ký. Bao nhiêu năm nay, những vật dụng ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông, nhắc cho ông và con cháu nhớ về quá khứ hào hùng của một thời ông xông pha nơi trận mạc... Nhận thấy tuổi cao, sức yếu và cũng muốn giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, tháng 5 năm 1999, ông bảo con trai giao cho Bảo tàng đường Hồ Chí Minh một số hiện vật mà ông gìn giữ. Số còn lại như chăn, màn, mũ, giày... ông giữ lại bên mình vì chúng cho ông động lực để vươn lên dẫu có gặp khó khăn trong cuộc sống.
“Đường Trường Sơn, Binh đoàn 559” luôn là nỗi nhớ canh cánh trong ông và mỗi lần kể lại chuyện ngày qua cũng là lúc ông sống trọn với quá khứ cùng những người đồng đội “điếu thuốc chia đôi”, đối diện với những cơn sốt rét ở đại ngàn Trường Sơn chỉ bằng “gạo hẩm cầm hơi” mà chứa chan tình nghĩa. Gian khổ, hy sinh nhưng những chiến sĩ ngày ấy vẫn vượt lên tất cả, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù. Ở Đoàn 559, ông đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau như chiến sĩ gùi hàng, thủ kho quân khí, thượng sĩ thống kê quân lực, chuẩn úy trợ lý quân lực Binh trạm 44, thiếu úy trợ lý quân lực Binh trạm 16, thượng úy trợ lý quân lực Trường kỹ thuật công binh Đoàn 559 và nhiều chức vụ khác... Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
![]() |
Ông Nguyễn Tấn Lực bên những dòng hồi ký và những trang thơ. |
Lạc quan, yêu đời, hát hay lại rất hài hước nên người thanh niên Nguyễn Tấn Lực ngày ấy luôn là hạt nhân trong mọi phong trào. Ông thường dùng lời thơ, tiếng hát của mình để động viên cán bộ, chiến sĩ vượt lên mọi khó khăn. Đồng đội nhớ đến ông bởi lời thơ mộc mạc, giọng hát truyền cảm và trong hoàn cảnh nào ông cũng dùng thơ, nhạc để động viên khích lệ hay an ủi, sẻ chia.
Từng là diễn viên xông pha có mặt trên các chiến trường đầy mưa bom bão đạn, được tôi luyện trong môi trường cách mạng nên dù trước mặt đầy những chông gai, thử thách có thể phải hy sinh xương máu, ông vẫn luôn lạc quan cất cao tiếng hát. Và khi có ông, những cung đường nguy hiểm, những chuyến gùi thồ trong rừng đêm giá lạnh, những cơn sốt rét rừng đều có tiếng hát, tiếng hát ấy vượt lên tất cả. Tài câu cá của ông cũng không mấy ai bằng nên được đồng đội đặt cho cái tên thân mật “anh rái cá”. Nhờ cái tài lẻ đó mà đồng đội có được những bữa ăn ngon. Và có lần Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đến thăm đơn vị cũng được anh em chiến sĩ chiêu đãi các món cá và tặng cá cho đồng chí Tư lệnh lúc chia tay. Đó là những loại cá do chính tay ông câu.
Thời trai trẻ của ông là đường Hồ Chí Minh, là Binh đoàn 559. Cuốn nhật ký ông đang giữ dẫu vàng úa bởi thời gian nhưng vẫn còn vẹn nguyên trong ấy những khát vọng về hòa bình, về ngày mai, về quyết tâm của một người lính... Từng trang, từng trang ghi lại nhiều cung bậc cảm xúc, là giọt nước mắt cùng nỗi đau xé lòng khi phải ghi giấy báo tử cho đồng đội thời ông làm trợ lý quân lực. Từng dòng chữ xiêu xiêu như nỗi đau người lính khi nghĩ đến cảnh người mẹ mất con, người vợ mất chồng và những người con gái không còn gặp được người yêu...
Thấu hiểu từng nỗi đau và lòng căm thù giặc sâu sắc nên nhiều trang nhật ký của ông thấm đẫm nước mắt và cả sự quyết tâm hy sinh vì Đường Trường Sơn, vì đất nước. Ông từng viết trong nhật ký của mình rằng: “chiến tranh còn dài và tôi sẵn sàng hi sinh vì đường Hồ Chí Minh, vì đất nước nên không thể hẹn thề, ước nguyện với ai vì sợ người phụ nữ ấy sẽ đau khổ, nếu lỡ tôi hi sinh”. Thế nên mới có chuyện anh thanh niên hát hay, hài hước, lắm tài lẻ lại rất cần cù chịu khó nhưng luôn là nỗi lo của bạn bè vì “muộn vợ”. Thậm chí đồng đội của ông còn giao nhiệm vụ cho ông là phải “cưới vợ” nhưng ông chỉ cười trừ cho qua chuyện... Mãi đến năm 1973, ông gặp cô thanh niên xung phong Nguyễn Thị Dìn (Quảng Ninh, Quảng Bình) và kết hôn với bà. Họ đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, bản thân ông dạo ấy sức khỏe rất yếu, gầy, xanh xao bởi di chứng những trận rốt rét rừng.
Và bao nhiêu năm nay, bà vẫn ân cần chăm sóc, động viên lúc ông phải chống chọi với nỗi đau vì những vết thương, nhất là khi trời trở gió. Ông nói với chúng tôi rằng “bà ấy yêu tôi đơn giản chỉ vì tôi là lính Trường Sơn và điều giản dị ấy đã cho chúng tôi một gia đình êm ấm”.
Khu vườn nhà ông đầy cây xanh và ông luôn xem việc chăm cây như đang vun vén, bồi đắp thêm hạnh phúc gia đình. Giời đây tuổi đã cao, không còn gánh vác chuyện làng, việc xóm, ông tìm đến sự thảnh thơi bằng việc cho ra đời những tập thơ được đúc rút ra từ thực tiễn cuộc sống, từ tấm lòng sâu thẳm của người lính. Đó là tập thơ “Trường Sơn một thuở”, gồm 49 bài thơ. Đây là đứa con tinh thần đầy mồ hôi, nước mắt của ông để tri ân đến bạn bè, đồng đội, đồng chí... là khúc tâm tình của người chiến sĩ Trường Sơn một thuở. Đặc biệt ông có rất nhiều bài thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với niềm tự hào kính trọng, trong đó có một số bài là tiếng lòng thành kính, nỗi nhớ thương và cả sự biết ơn vô bờ của ông- một người lính đối với vị Tổng Tư lệnh vô vàn kính yêu khi Đại tướng hòa mình vào đất mẹ. Ngoài ra, ông còn có rất nhiều bài thơ viết về quê hương, về thời kháng chiến, thơ động viên khích lệ phong trào quần chúng địa phương, thơ răn dạy con cháu.. Nhiều bài thơ của ông được đăng báo, phổ nhạc...
Mỗi sáng mai thức dậy, người lính già ấy lại ra vườn tập thể dục dưỡng sinh, ngân nga đôi ba câu hát lúc tưới vườn rồi lại bầu bạn với thơ cùng những kỷ niệm về “Trường Sơn một thuở”. Với ông, ký ức là điểm tựa, là chiếc gương để mỗi lần soi vào đó ông lại thấy mình cần cố gắng nhiều hơn để nhắc nhở, răn dạy con cháu rằng “phải sống xứng đáng với sự hy sinh của những người đi trước-những người làm nên lịch sử”.
Nhật Văn