(QBĐT) - Việc trồng sắn vừa lấy củ, vừa tận dụng lá để nuôi tằm đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân ở xã Xuân Hóa (Minh Hóa). Người dân nơi đây nuôi tằm không phải để lấy tơ, mà chỉ lấy nhộng bán làm thức ăn.
Nghề trồng sắn nuôi tằm ở xã Xuân Hóa đã có từ nhiều năm nay và hiện đang mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con nông dân nơi đây, đặc biệt là trong lúc nông nhàn.
Nghề nuôi tằm ăn lá sắn trong lúc nông nhàn đang mang lại thu nhập khá cho người dân xã Xuân Hóa
Hàng năm, cứ bắt đầu vào tháng 5, người dân Xuân Hóa bắt đầu "chưng" (ươm - PV) giống để vào vụ nuôi tằm ăn lá sắn. So với nuôi tằm ăn lá dâu thì tằm ăn lá sắn mang lại hiệu quả cao hơn, một phần cũng bởi lá sắn - thức ăn cho tằm dễ tìm kiếm, giá rẻ, con tằm dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, không mất nhiều thời gian chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, ít dịch bệnh...
Để nuôi con tằm ăn sắn, người nuôi không cần nhiều vốn, chỉ cần sắm sửa một số nong tre, dành một phần diện tích làm khu nuôi và trồng thêm nhiều sắn là có thể nuôi tằm được. Mỗi gói trứng tằm giống có giá chỉ vài chục ngàn đồng, sau 1 tháng nuôi sẽ cho người nuôi thu hoạch khoảng 20kg tằm với giá bán trung bình khoảng 120.000 - 160.000 đồng/kg. Người dân nuôi tằm bằng kinh nghiệm thực tiễn, nên bất cứ người nông dân nào cũng có thể làm được, đặc biệt là chị em phụ nữ có thể tận dụng thời gian nông nhàn nuôi tằm, tăng thêm thu nhập.
Gia đình chị Đinh Thị Tuyết Mai ở thôn Cây Dầu (Xuân Hóa) nhiều năm trở lại đều nuôi tằm lá sắn và có một nguồn thu không nhỏ từ con tằm. Chị Mai cho biết, mỗi năm gia đình chị nuôi đều đặn 3 lứa tằm. Năm nay, do diện tích trồng sắn không nhiều nên gia đình chị nuôi ít hơn mọi năm. Ở lứa nuôi đầu, chị Mai chỉ bỏ ra 30 ngàn tiền trứng giống nhưng sau 1 tháng nuôi, đã thu hoạch được hơn 1 yến tằm chín, với giá bán từ 120.000 đến 140.000 đồng/kg, chị thu về gần 1,4 triệu đồng. Hiện chị Mai đang nuôi lứa thứ 2 với số lượng gấp đôi lứa 1. “So với vốn bỏ ra để mua con giống, cộng với không tốn công chăm sóc, nguồn thức ăn có sẵn, thì đây là một khoản thu nhập có lời đối với gia đình tôi”, chị Mai nói.
Bà Đinh Thị Của, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Hóa cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có hàng trăm hộ nuôi tằm ăn lá sắn làm thực phẩm. Nhà ít nhất thì nuôi vài nong, nhà nuôi nhiều thì thu hoạch được 4-6 yến tằm, thu về gần 10 triệu đồng/vụ. So với trồng lúa, ngô... nuôi tằm có thể gọi là nghề “một vốn bốn lời” khi mang lại nguồn thu đáng kể trong thời gian ngắn ngày, dù hiện nay chỉ đang được coi là nghề phụ, làm thêm của bà con, đặc biệt là chị em phụ nữ trong lúc nông nhàn”.
Con tằm hiện đang được xem là đặc sản ở huyện miền núi Minh Hóa. Con tằm có giá trị dinh dưỡng cao, lại được nuôi bằng lá sắn, là một loại thực phẩm sạch, nên rất được khách hàng, không chỉ ở Minh Hóa mà các nơi đều rất ưa chuộng, tìm mua.
(QBĐT) - Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực cho công tác tuyên truyền về dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhưng số lượng gia đình sinh con thứ 3 trở lên ở xã còn khá cao...
(QBĐT) - Một đứa trẻ mới sinh ra, nếu chẳng may người mẹ chết đi thì nó cũng bị buộc phải chôn sống theo, đó là hủ tục của một số dân tộc sống ở vùng biên giới phía tây tỉnh Quảng Bình. Nhưng, giờ đây, với sự giúp đỡ của lực lượng bộ đội biên phòng, cán bộ chính quyền và những con người dũng cảm, hủ tục đó đã dần được xoá bỏ…
(QBĐT) - Thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trên địa bàn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Ninh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã miền núi, biên giới.