(QBĐT) - Từ thuở sơ khai lập làng, những dòng sông không chỉ mang lại phù sa, nguồn nước sinh hoạt, mà còn góp phần định hình lối sống, văn hóa và tâm thức của cộng đồng. Ở vùng đất Quảng Hòa-Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn), dòng Rào Ngang, hay Hòa Giang như cách gọi xưa, từng là huyết mạch thiên nhiên nối liền sông Gianh-biểu tượng linh thiêng và vượng khí của cả vùng.
Thế nhưng, kể từ năm 1963, khi cửa Hác bị chặn dòng, ngọn nước từ Quảng Tiên không còn chảy ra sông Gianh nữa. Vài năm sau, hợp tác xã tiếp tục nạo vét mương thoát lũ từ đầu làng Vĩnh Phước về cuối làng Hạ Thôn rồi ngăn dòng thông với Hòa Giang để bơm nước tưới lúa. Con sông bị chặn cả hai đầu, biến thành một hồ nước tù đọng, không thoát, không chảy, mất đi mạch nguồn từng nuôi dưỡng bao thế hệ.
![]() |
Đã đến lúc cần một hành động thiết thực, một tiếng nói mạnh mẽ từ cộng đồng: Khơi thông lại dòng Hòa Giang-khơi lại mạch sống cho vùng đất đầy tiềm năng và chiều sâu văn hóa này.
Dòng sông ký ức-Nhân chứng của văn hóa và sinh kế
Theo lời kể của nhiều bậc cao niên, Hòa Giang từng là phần gắn bó sâu sắc trong đời sống cộng đồng. Không chỉ là nguồn nước phục vụ sinh hoạt, dòng sông còn là tuyến giao thông thủy, nơi diễn ra các sinh hoạt lễ hội, gắn liền với tín ngưỡng tâm linh và phong thủy của các làng ven sông. Miếu Quan Tổng trấn cửa Hác, Lễ Kỳ Phúc-Rước Kiệu (từ cửa Hác dọc Rào Ngang về Điện Thành Hoàng làng Vĩnh Lộc)… đều có dấu tích gắn bó với dòng nước linh thiêng này.
Việc chặn dòng ban đầu phục vụ sản xuất nông nghiệp là cần thiết trong thời kỳ bao cấp. Nhưng đến nay, khi mục tiêu ấy không còn cấp thiết, hệ lụy để lại ngày càng rõ rệt:
- Nước tù đọng, rác thải, ô nhiễm môi trường sống.
- Gãy đứt liên kết thủy văn, mất mạch sinh thái tự nhiên.
- Ảnh hưởng phong thủy: Đất không tụ khí, vận làng trầm lặng.
- Mai một di sản: Nghi lễ, tập tục, không gian lễ hội bị lãng quên (Miếu cá Ông ở cửa Hác đã hoang phế, mất dần cùng dòng chảy Hòa Giang)… Tạo ra nghịch lý: Con sông bị giữ lại mà không còn tác dụng, lại thành gánh nặng.
Khơi thông dòng chảy-phục hồi sinh khí
Trong bối cảnh hiện nay, khi nông nghiệp chuyển dịch, hệ thống mương máng hiện đại hơn và nước từ Rào Nan đã bảo đảm tưới tiêu, thì việc giữ nguyên hiện trạng dòng chảy bị chặn là không còn phù hợp. Ngược lại, việc khơi thông dòng Hòa Giang cần được xem như một chiến lược sinh thái và văn hóa có tầm nhìn:
1. Phục hồi hệ sinh thái nước: Tạo điều kiện cho thủy sinh phát triển, tự làm sạch nước.
2. Cải thiện vi khí hậu và môi trường sống cho dân cư.
3. Khơi lại không gian lễ hội-tín ngưỡng, phục dựng các nghi lễ cổ truyền.
4. Phát triển du lịch sinh thái, gắn với cảnh quan và trải nghiệm nông thôn.
5. Hồi phục phong thủy: Dòng nước thông là khí mạch chảy-sinh vận cho đất và người.
Dòng sông sống, làng trù phú
Một dòng sông bị chặn không chỉ là đứt đoạn dòng nước, mà còn là mất mát về ký ức, sinh khí và chiều sâu văn hóa. Khơi thông Hòa Giang hôm nay không phải để phục vụ một lợi ích riêng lẻ, mà là để khơi lại một hệ sinh thái toàn diện: Thiên nhiên-con người-ký ức-tương lai.
Hãy trả lại dòng chảy cho Hòa Giang-để dòng sông không còn là bể nước tù quên lãng, mà trở lại với đúng tên gọi đẹp đẽ từ ngàn xưa: Hòa Giang-êm đềm, chan hòa, sinh khí.
TS. Đinh Văn Hạnh