(QBĐT) - Vừa qua, Báo Quảng Bình nhận được phản ánh của người dân xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy về tình trạng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ngang nhiên tập kết, thu mua, chế biến gỗ rừng trồng khi chưa có đầy đủ thủ tục theo đúng quy định của Nhà nước. Mặc dù, chính quyền địa phương đã có những động thái quyết liệt, tuy nhiên, tình trạng vi phạm của các cơ sở này vẫn đang tiếp diễn…
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong khoảng từ tháng 4-2018 đến nay, một số hộ gia đình trên địa bàn các thôn Việt Xô, Ba Canh, Xuân Giang (xã Văn Thủy) đã tự ý chuyển mục đích đất từ đất rừng sản xuất sang đất sản xuất kinh doanh khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép để làm cơ sở tập kết, thu mua, chế biến gỗ rừng trồng.
Đáng chú ý có trường hợp của hộ ông Trần Văn Dương (thôn Việt Xô) đã tự ý san lấp mặt bằng trên đất rừng sản xuất với diện tích hơn 5.000m2 để làm cơ sở tập kết, thu mua, chế biến gỗ rừng trồng.
![]() |
Sau khi phát hiện một số trường hợp trên địa bàn tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chính quyền xã Văn Thủy đã tiến hành lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với các cơ sở này. Tuy nhiên, trước những động thái quyết liệt của chính quyền địa phương, các cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động sản xuất, kinh doanh và kéo dài vi phạm…
Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Văn Thủy cho biết rằng, trên địa bàn xã hiện có 4 cơ sở thu mua, chế biến, tập kết gỗ rừng trồng không đúng quy định khi chưa làm đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định của Nhà nước (thiếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất). Từ khi phát hiện ra sự việc, xã Văn Thủy đã tiến hành lập biên bản vi phạm đối với các cơ sở này. Đồng thời, đã ra quyết định xử phạt hành chính, phạt mỗi cơ sở 2 triệu đồng.
Cũng theo ông Thủy, xã Văn Thủy có 681ha rừng và rừng xâm canh của các xã khác là trên 1.500ha. Toàn xã có 964 hộ thì có khoảng hơn 70% hộ dân tại địa phương có đất lâm nghiệp. Trước thực trạng như vậy, thì nhu cầu thu mua, tập kết, chế biến gỗ từ rừng trồng tại địa phương là rất lớn.
Hơn thế nữa, các cơ sở này đã góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, phát triển kinh tế tư nhân, đáp ứng nhu cầu sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn. Hiện, do các cơ sở này đã bị đình chỉ nên người dân địa phương phải đưa gỗ rừng trồng vào xã Thái Thủy để tập kết, chế biến với giá thành cao, bị tư thương ép giá…Chủ tịch xã Văn Thủy, Phạm Xuân Thủy chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó, UBND huyện Lệ Thủy cũng đã chủ trì một cuộc họp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan về phương án xử lý đối với các cơ sở thu mua, tập kết, chế biến gỗ rừng trồng không đúng quy định tại xã Văn Thủy.
Theo đó, ông Phan Hồng Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy đã yêu cầu, UBND Văn Thủy tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đất đai; chỉ đạo các cơ sở thực hiện nghiêm túc quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã bảo đảm đúng quy định của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các thủ tục được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; Phòng Tài nguyên-Môi trường chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế-hạ tầng, Phòng Nông nghiệp-PTNT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của UBND xã Văn Thủy; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động khi các cơ sở có đề nghị…
Ngọc Hải