Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Đồng Hới: Vì sao việc đầu tư xây dựng công viên Đồng Sơn bị dở dang?

  • 08:11, 15/11/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh, dự án đầu tư xây dựng, khai thác và nâng cấp công viên Đồng Sơn (thuộc phường Đồng Sơn-thành phố Đồng Hới) được phê duyệt đã đáp ứng nguyện vọng thiết tha của người dân địa phương. Tuy nhiên, đã nhiều năm qua dự án này triển khai cầm chừng rồi dừng lại gây bức xúc trong dư luận. Người dân mong muốn được công khai về vấn đề đầu tư và đâu là nguyên nhân của tình trạng này!?

Vấn đề bạn đọc phản ánh, qua xác minh thông tin từ UBND thành phố Đồng Hới cho biết: Năm 2000, công viên Đồng Sơn được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 1,35 tỷ đồng (nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước), gồm các hạng mục: đắp đất nền, hệ thống thoát nước, kè bảo vệ hồ, cổng, hàng rào, cây xanh và một số hạng mục khác. Sau khi xây dựng hoàn thành bàn giao cho UBND phường Đồng Sơn quản lý, sử dụng.

Không có người quản lý, chăm sóc, bảo vệ...công viên Đồng Sơn cỏ mọc um tùm và trở thành bãi chăn thả bò của người dân.
Không có người quản lý, chăm sóc, bảo vệ...công viên Đồng Sơn cỏ mọc um tùm và trở thành bãi chăn thả bò của người dân.

Để bảo vệ và khai thác có hiệu quả công viên Đồng Sơn, năm 2003 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, khai thác tại công viên Đồng Sơn với tổng mức đầu tư là 427 triệu đồng (nguồn vốn tự có và huy động các nguồn vốn khác), gồm các hạng mục: nhà cấp 4 lợp lá dừa, ki ốt nhà cấp 4, nhà hàng ẩm thực, cây xanh...

Năm 2004, trên cơ sở dự án đã được Sở Kế hoạch-Đầu tư phê duyệt, UBND phường Đồng Sơn đã ký Hợp đồng kinh tế số 02/HĐ, ngày 10-2-2004 với Công ty TNHH thủy sản Nhật Lệ (gọi tắt là Công ty Nhật Lệ) để đầu tư xây dựng và khai thác công viên Đồng Sơn nhằm tạo thành điểm nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn với phương châm vừa hoạt động công ích, vừa lấy thu bù chi với thời gian hợp đồng là 20 năm.

Sau khi hợp đồng kinh tế trên có hiệu lực pháp luật, phía Công ty Nhật Lệ đã triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đã có một số hạng mục bị cơ quan chức năng đình chỉ thi công và yêu cầu tháo dỡ, do không có quy hoạch được phê duyệt và không được cấp giấy phép xây dựng.

Để khắc phục vấn đề nói trên, nhằm tiếp tục tôn tạo, khai thác, quản lý có hiệu quả công viên Đồng Sơn, đồng thời bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, ngày 2-6-2012 UBND thành phố Đồng Hới đã đưa ra 3 phương án để Công ty Nhật Lệ lựa chọn.

Ngày 16-6-2012, Công ty Nhật Lệ thống nhất lựa chọn phương án: dừng lại không tiếp tục đầu tư dự án và giao lại toàn bộ dự án khai thác, tôn tạo, quản lý công viên Đồng Sơn cho thành phố quản lý.

Hạng mục hàng rào đã bị hư hỏng.
Hạng mục hàng rào đã bị hư hỏng.

UBND thành phố tính toán hỗ trợ kinh phí để UBND phường Đồng Sơn hỗ trợ cho Công ty Nhật Lệ những hạng mục đã đầu tư theo Hợp đồng số 02/HĐ. Tuy nhiên, sau đó giữa UBND thành phố Đồng Hới và Công ty Nhật Lệ không thống nhất được về mức đền bù, mặc dù đã nhiều lần gặp nhau để bàn phương án giải quyết.

Ngày 22-7-2017, Công ty Nhật Lệ có văn bản đề nghị bàn giao công viên Đồng Sơn cho thành phố Đồng Hới quản lý và UBND thành phố Đồng Hới đã giao cho UBND phường Đồng Sơn (chủ thể ký kết Hợp đồng số 02/HĐ) mời Công ty Nhật Lệ đến để làm các thủ tục chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, việc chấp nhận chấm dứt hợp đồng và bàn giao công viên Đồng Sơn đã không thực hiện được vì hai bên không thống nhất được phương án giải quyết.

Cũng do không chấm dứt được hợp đồng nói trên, nên năm 2017 UBND thành phố Đồng Hới đã không triển khai được dự án nâng cấp công viên Đồng Sơn theo nguyện vọng của người dân.

Hiện tại, các hạng mục xây dựng như cổng, hàng rào, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, quầy hàng, ki ốt... đã bị hư hỏng. Công viên lâu ngày không được vệ sinh, cây cối không được cắt tỉa, chăm sóc... dẫn đến việc cỏ mọc um tùm, cảnh quan nhếch nhác, hoang tàn và hết sức mất vệ sinh.

Khung cảnh nhếch nhác tại công viên Đồng Sơn.
Khung cảnh nhếch nhác tại công viên Đồng Sơn.

Việc công viên Đồng Sơn bị bỏ dở từ nhiều năm qua đã không bảo đảm được mục tiêu đầu tư ban đầu và đáp ứng nguyện vọng thiết tha, chính đáng của người dân là tạo điểm nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí.

Đáng nói là, vấn đề này đã được cử tri phường Đồng Sơn phản ánh nhiều lần tại các kỳ họp HĐND các cấp, nhưng chậm giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân trên địa bàn phường Đồng Sơn và các vùng lân cận.

Thông tin từ UBND phường Đồng Sơn cho biết, do hai bên không thỏa thuận được giá trị đền bù nên ngày 19-9-2018, UBND phường Đồng Sơn đã ra thông báo số 463/TB-UBND thông báo chấm dứt Hợp đồng số 02/HĐ, ngày 10-2-2004 ký kết giữa UBND phường Đồng Sơn và Công ty Nhật Lệ về việc nhận thầu xây lắp công trình tôn tạo và khai thác công viên Đồng Sơn. Theo đó, UBND phường Đồng Sơn đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng số 02/HĐ, ngày 10-2-2004 đã ký kết với Công ty Nhật Lệ kể từ ngày 25-9-2018.

Sau khi nhận được thông báo về việc chấm dứt hợp đồng nói trên của UBND phường Đồng Sơn, phía Công ty Nhật Lệ đã có ý kiến phản hồi gửi cho Báo Quảng Bình. Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh và thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Nhóm P.V Bạn đọc

 

tin liên quan

Bãi tập kết cát trái phép xâm phạm công trình thủy lợi Mỹ Trung vẫn hoạt động (?!)
Bãi tập kết cát trái phép xâm phạm công trình thủy lợi Mỹ Trung vẫn hoạt động (?!)

(QBĐT) - Sau khi Báo Quảng Bình đăng bài "Một hộ dân ngang nhiên lập bãi tập kết cát không phép, xâm phạm công trình thủy lợi Mỹ Trung!", các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý. Tuy nhiên, thực tế đến ngày 13-11, bãi tập kết cát trái phép ở đây vẫn ngang nhiên hoạt động !?

Bón phân... sinh ruồi?
Bón phân... sinh ruồi?

(QBĐT) - Nguyên nhân nghi ngờ xuất phát từ việc Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình (gọi tắt là Công ty Hòa Phát) vận chuyển phân bò chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra đồng để sản xuất".

Xây công trình trái phép ở lòng hồ An Mã
Xây công trình trái phép ở lòng hồ An Mã

(QBĐT) - Hồ thủy lợi An Mã (Lệ Thủy) với dung tích 64 triệu m3, có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc tưới tiêu, kiểm soát lũ lụt, hạn hán đối với hàng vạn hộ dân ở  huyện lúa Lệ Thủy.