(QBĐT) - Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong việc cung ứng không đúng chủng loại cây keo lai nuôi cấy mô khi thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2016 của tỉnh (gọi tắt là chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và thủy sản) tại địa bàn 6 xã ở huyện Minh Hóa là quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương này.
Theo đó, thực hiện chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2016 của tỉnh, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp-PTNT phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ mua giống cây lâm nghiệp chất lượng cho nhân dân 4 huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Minh Hóa. Theo chương trình, huyện Minh Hóa được hỗ trợ 60% kinh phí với số tiền 110 triệu đồng, còn lại 40% kinh phí với số tiền 73 triệu đồng huyện Minh Hóa phải trích từ nguồn kinh phí của huyện để thực hiện việc hỗ trợ giống cây keo lai nuôi cấy mô cho người dân trồng rừng sản xuất theo chủ trương phát triển mô hình rừng cây gỗ lớn của huyện.
Sau khi có thông báo và hướng dẫn cụ thể của Chi cục Lâm nghiệp tại công văn số 51/CCLN-KT, ngày 19-5-2016, UBND huyện Minh Hóa đã giao cho Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện xây dựng kế hoạch thực hiện và ngày 8-12-2016, UBND huyện Minh Hóa có quyết định số 2345/QĐ-UBND về việc thực hiện chương trình này. Theo quyết định số 2345/QĐ-UBND, UBND huyện đã phê duyệt cho 22 hộ dân được hỗ trợ tham gia trồng rừng sản xuất trên diện tích 32,6ha tại 6 xã, gồm: Hóa Sơn, Hóa Hợp, Hóa Phúc, Quy Hóa, Xuân Hóa và Hồng Hóa; số cây keo lai nuôi cấy mô mà các hộ dân được hỗ trợ là 65.179 cây, giá thành mỗi cây là 2.800 đồng; tổng số tiền mua cây 182,5 triệu đồng...
Trên cơ sở quyết định số 2345/QĐ-UBND của UBND huyện Minh Hóa, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tiến hành hợp đồng mua giống cây keo lai nuôi cấy mô với Công ty TNHH giống cây nông-lâm nghiệp Việt Nam (có trụ sở tại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch) với tổng số lượng cây và kinh phí đã được phê duyệt; triển khai cung cấp giống cây keo về đến từng xã và từng hộ gia đình theo kế hoạch. Việc hợp đồng mua giống cây của Phòng Nông nghiệp-PTNT dựa trên cơ sở giấy chứng nhận nguồn gốc giống lô cây con của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.
Chỉ có 14.966 cây keo/55.170 cây keo còn sống đúng chủng loại đã được phê duyệt là giống cây keo lai nuôi cấy mô. |
Sau khi nhận được giống cây theo chương trình nói trên để trồng vào cuối tháng 12-2016, nhiều hộ dân đã phản ánh việc cung ứng giống cây keo cho bà con không đúng chủng loại của chương trình. Trước phản ánh của người dân, lãnh đạo huyện Minh Hóa đã kiểm tra thực tế và lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân. Sau đó, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc để làm rõ và UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra. Từ ngày 4 đến 9-5-2017, đoàn kiểm tra của UBND huyện đã tiến hành kiểm tra, xác minh việc cấp cây keo lai nuôi cấy mô cho 22 hộ dân.
Kết quả kiểm tra cho thấy: Trong tổng số 65.179 cây keo đã cấp cho các hộ dân, số cây sống và phát triển tốt tại thời điểm kiểm tra là 55.170 cây. Về chủng loại cây đã được phê duyệt cấp là cây keo lai nuôi cấy mô, qua kiểm tra phát hiện trong tổng số 55.170 cây đang sống chỉ có 14.966 cây keo lai nuôi cấy mô, còn lại 40.204 cây là cây keo lai dâm hom.
Như vậy, tỷ lệ cây sống đạt 85% và có 10.009 cây đã bị chết; có 40.204 cây keo cung cấp cho người dân không đúng chủng loại đã được phê duyệt. Đáng nói số cây keo lai dâm hom có chất lượng thấp và có giá thành chỉ bằng 1/3 so với giá cây keo lai nuôi cấy mô. Cụ thể, một cây keo lai dâm hom chỉ có giá 900 đồng, trong khi một cây keo lai nuôi cấy mô có giá 2.800 đồng.
Qua kết quả kiểm tra nói trên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa đã thừa nhận: Do một số công việc đòi hỏi khẩn trương, nên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND huyện có lúc chưa sâu sát, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc. Việc để xảy ra tình trạng cung cấp giống cây không đúng với hợp đồng cho bà con nhân dân đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trồng rừng có một phần trách nhiệm của UBND huyện trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cụ thể. UBND huyện sẽ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình chỉ đạo, điều hành và xin rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo, điều hành tốt hơn những nhiệm vụ tiếp theo.
Về xử lý sai phạm nói trên, lãnh đạo UBND huyện cho biết, đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm tập thể lãnh đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT vì để xảy ra các sai sót trong chỉ đạo và triển khai thực hiện trồng cây keo lai nuôi cấy mô và đối với cá nhân ông Đinh Minh Thông, cán bộ Phòng Nông nghiệp-PTNT trong việc giao nhận cây không đúng chủng loại, chỉ đạo trồng rừng không đúng địa điểm phê duyệt, nghiệm thu kết quả trồng rừng trong khi vẫn còn một số hộ dân chưa trồng hết số lượng cây được giao. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT xem xét số tiền chênh lệch giữa cây keo lai nuôi cấy mô và cây keo lai dâm hom để yêu cầu Công ty TNHH giống cây trồng nông-lâm Việt Nam đền bù, nộp ngân sách nhà nước.
Theo nguồn tin của chúng tôi, tập thể lãnh đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT và cá nhân ông Đinh Minh Thông đã có báo cáo gửi lãnh đạo UBND huyện về việc tự kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện yêu cầu làm lại vì tập thể lãnh đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT và cá nhân ông Đinh Minh Thông chưa thực sự kiểm điểm nghiêm túc và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với những sai phạm đã gây ra, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2016 của tỉnh, gây tâm lý không tốt trong nhân dân. Quan điểm của lãnh đạo huyện Minh Hóa là kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân có sai phạm trong vụ việc này.
Phòng Bạn đọc