Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ: Dân đào bán đất mặt ruộng, chính quyền "không biết"?

  • 08:08, 30/08/2016
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Hàng trăm m³ đất mặt ruộng lúa 2 vụ ở thôn Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy) đã bị người dân tự ý đào lấy đất hạ độ cao, để cải tạo ruộng. Trong khi đó, chính quyền địa phương vì buông lỏng quản lý nên không hề biết, cho dù sự việc diễn ra trong thời gian khá dài.

Khu vực ruộng bị người dân ở đây tự ý hạ độ cao để cải tạo ruộng là đồng Cộn thứ 18 và đồng Cộn xã (đất 5% do UBND xã Mỹ Thủy quản lý và giao cho các hộ dân canh tác). Ngày 18-8-2016, có mặt tại đây, chúng tôi thấy có hàng ngàn m² đất ruộng lúa 2 vụ nơi đây bị đào xới nham nhở và hàng trăm m³ đất đã được vận chuyển đi nơi khác. Mất đi lớp đất mặt màu mỡ, giàu chất dinh dưỡng, ruộng đồng giờ đây chỉ còn trơ lại lớp đất sét vàng rộm, cằn cỗi.

Theo những người nông dân có kinh nghiệm làm ruộng nhiều năm ở đây, muốn tái tạo, phục hồi lại lớp đất màu này, thì phải mất trên 5 năm. Nghĩa là trong khoảng thời gian đó, nếu gieo trồng lúa trên vùng ruộng này thì năng suất sẽ rất thấp. Trong khi, khu vực đồng ruộng này vốn đã được người dân canh tác ổn định từ nhiều năm nay.

Một người dân ở đây cho biết, nhiều hộ cho người và xe vào đào ruộng bán đất, nhằm hạ độ cao mặt bằng ruộng kéo dài từ khoảng 1 tháng nay. Ban đầu, chỉ một vài hộ, nhưng sau đó các hộ có ruộng bên cạnh cũng bắt buộc phải hạ độ cao, vì nếu ruộng cao hơn thì sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong việc canh tác. Trong khi đó, nhiều hộ dân khác lại rất bức xúc và không đồng tình với cách cải tạo ruộng này.

Hàng trăm m3 đất màu để canh tác lúa đã bị thất thoát.
Hàng trăm m3 đất màu để canh tác lúa đã bị thất thoát.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc người dân tự ý cho xe vào đào đất ruộng để bán phổ biến và công khai đến mức, có người đưa cả máy múc vào để đào đất. Điều đáng nói, sự việc kéo dài suốt gần một tháng trời, mà chính quyền địa phương nơi đây không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, khiến cho hàng trăm m³ đất ruộng màu mỡ bị thất thoát.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, nguồn lợi từ việc bán tài nguyên này sẽ rơi vào túi ai, trong khi đất ruộng của người dân gần như "cho không", thì mỗi xe tải (chở 4m³ đất) lấy đất vận chuyển đi bán có giá khoảng 150 đến 200 ngàn đồng? Công trường khai thác tài nguyên đất ruộng này chỉ dừng lại khi có một số hộ dân bức xúc trình báo lên chính quyền địa phương. Lúc này, UBND xã Mỹ Thủy mới ra lệnh cấm cải tạo và khai thác đất ruộng.

Vậy, chính quyền địa phương đã ở đâu khi người dân tự ý cải tạo ruộng đất, dẫn đến việc thất thoát hàng trăm m³ đất ruộng lúa? Những người dân ở đây cho hay, với việc khai thác quy mô, đủ phương tiện hiện đại, xe tải rầm rập vận chuyển suốt cả ngày, thì chính quyền địa phương ở đây không thể không hay biết. Hơn thế nữa, chính việc cán bộ thôn đứng ra thu phí 10 ngàn đồng/chuyến của các xe vận chuyển đất bán ở đây đã vô tình tiếp tay cho việc khai thác đất ruộng này.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Công Tiến, Trưởng thôn Mỹ Trạch, xã Mỹ Thuỷ cho biết, thôn không hề có chủ trương cho phép các hộ dân tự cải tạo ruộng lúa 2 vụ ở khu vực nói trên. Đó là do các hộ tự ý cho máy múc vào lấy đất nhằm cải tạo lại đồng ruộng của gia đình mình.

Qua nắm bắt, kiểm tra, có khoảng 2 ha bề mặt diện tích ruộng lúa trong thôn bị lấy đất với chiều sâu trung bình chừng 20 cm. Còn về việc thôn đứng ra thu mỗi chuyến xe chở đất với số tiền 10 nghìn đồng, là để nhằm mục đích tu sửa lại các tuyến đường giao thông bị xe chở đất làm hư hỏng.

Trong khi ông Nguyễn Công Tiến phủ nhận thôn không có chủ trương cho phép các hộ dân cải tạo ruộng lúa, thì ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuỷ lại cho biết: "Đó là chủ trương của thôn Mỹ Trạch. Nếu theo quy trình, người dân muốn cải tạo ruộng, thì phải làm tờ trình, có xác nhận của thôn, gửi lên UBND xã, khi UBND xã đồng ý mới được cải tạo. Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, chúng tôi đã bố trí cán bộ về hiện trường kiểm tra và quyết định đình chỉ việc tự ý cải tạo ruộng".

Rõ ràng, chính quyền địa phương nơi đây đã thiếu kiểm tra, giám sát và buông lỏng trong việc quản lý tài nguyên, nên đã dẫn đến tình trạng người dân tự ý cải tạo ruộng đất, gây thất thoát tài nguyên đất ruộng lúa.

Trước thực tế hiện nay, các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cải tạo mặt bằng, hạ độ cao, dẫn đến thất thoát khối lượng đất dư thừa cần vận chuyển ra khỏi khu vực diễn ra ngày càng phổ biến, ngày 13-6-2016, UBND tỉnh đã có Công văn số 894/UBND-TNMT yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát để cho phép các hộ gia đình, cá nhân thực sự có nhu cầu thực hiện cải tạo mặt bằng, hạ độ cao đất nông nghiệp đã được giao để sản xuất kết hợp tận thu đất để làm vật liệu san lấp công trình theo đúng quy định.

Theo đó, việc cải tạo mặt bằng chỉ được thực hiện sau khi hộ gia đình, cá nhân hoàn thành nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Đối với các trường hợp lợi dụng cải tạo mặt bằng để khai thác trái phép đất san lấp cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Được biết, ngày 8-8-2016, UBND huyện Lệ Thuỷ đã ban hành Công văn số 1463/UBND-TNMT về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Trong đó yêu cầu UBND các xã, thị trấn nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

Theo đó, Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Nhóm P.V



 

tin liên quan

Về phản ánh trang trại trâu, bò hoạt động trái phép ở xã Quảng Hải (Ba Đồn): UBND thị xã ra quyết định xử phạt hành chính và buộc di dời
Về phản ánh trang trại trâu, bò hoạt động trái phép ở xã Quảng Hải (Ba Đồn): UBND thị xã ra quyết định xử phạt hành chính và buộc di dời

(QBĐT) - Vừa qua, Báo Quảng Bình nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh về việc một trang trại trâu, bò xây dựng trong khu dân cư và hoạt động trái phép trong thời gian dài trên địa bàn xã Quảng Hải (Ba Đồn), nhưng không được cơ quan chức năng xử lý. Đáng nói hơn, hoạt động trái phép của trang trại trâu, bò này đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường sống của người dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

UBND tỉnh ra quyết định thu hồi dự án suối nước nóng Bang
UBND tỉnh ra quyết định thu hồi dự án suối nước nóng Bang

(QBĐT) - Thông tin từ UBND tỉnh cho biết, ngày 22-8, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2533/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương tại xã Kim Thủy (Lệ Thủy) thuộc dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi chức năng suối nước nóng Bang.

Hồng Thủy (Lệ Thủy): Khổ vì nước thải chuồng lợn
Hồng Thủy (Lệ Thủy): Khổ vì nước thải chuồng lợn

(QBĐT) - Kể từ khi ông Phạm Văn Lành ở thôn Thạch Thượng 2 (xã Hồng Thủy, Lệ Thủy) đầu tư chăn nuôi lợn với quy mô lớn, 10 hộ dân sống lân cận hàng ngày phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường do nước thải và mùi hôi nồng nặc từ chuồng lợn này gây ra. Điều đáng nói, mặc dù chính quyền địa phương đã yêu cầu thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng ông Lành vẫn phớt lờ...