![]() |
Tham gia thảo luận tại tổ, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành dự án Luật KHCN và đổi mới sáng tạo cũng như mục đích, quan điểm xây dựng dự án luật với các lý do nêu trong tờ trình của Chính phủ; cơ bản nhất trí với nhiều chính sách quy định tại dự thảo luật.
Đồng chí cho rằng, dự thảo luật cơ bản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, định hướng quan trọng về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định cơ chế đột phá về tài chính cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cho các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương (như chính sách ưu đãi về thuế đối với phần kinh phí đầu tư cho các quỹ KHCN…).
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng đã có ý kiến cụ thể về các vấn đề, như: Tổ chức KHCN; nghiên cứu KHCN liên quan đến con người (Điều 8); cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (Điều 9); chính sách của Nhà nước đối với nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội và nhân văn (khoản 3, Điều 29); nhân sự đồng cơ hữu trong tổ chức KHCN công lập (khoản 3, Điều 43); về quy định viên chức được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc định kỳ tại doanh nghiệp (Điều 43, Điều 49, Điều 55)...
![]() |
Thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho rằng, đây là dự án luật quan trọng liên quan đến rất nhiều đạo luật hiện nay, do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thận trọng để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của dự án luật này...
M.Văn