(QBĐT) - Sáng nay, 30/5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiếp tục nội dung thảo luận. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tham gia thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (XDL, PL) năm 2025, điều chỉnh Chương trình XDL, PL năm 2024.
![]() |
Cơ bản nhất trí với nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự kiến Chương trình XDL, PL năm 2025, điều chỉnh Chương trình XDL, PL năm 2024, đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định, công tác lập pháp được đẩy nhanh, có những bước tiến mạnh mẽ, trong khoảng thời gian gấp rút, các dự án luật đã được thẩm tra tương đối kỹ lưỡng.
Tuy vậy, trước những băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội đối với quá trình soạn thảo thời gian qua về việc mặc dù đã có chương trình, kế hoạch từ trước, nhưng nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn để xảy ra tình trạng không bảo đảm quy trình, do đó đối với một số luật, đại biểu không thể nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó nhiều dự án luật rất khó và cần phải tham vấn chuyên gia.
Vì vậy, để hoàn thiện Chương trình XDL, PL năm 2025, điều chỉnh Chương trình XDL, PL năm 2024, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai và chú trọng đến việc đưa dự thảo luật công bố rộng rãi, lấy ý kiến cử tri, người dân, đặc biệt là những đối tượng chịu sự tác động. Cần khắc phục việc lấy ý kiến trước khi xây dựng dự thảo nhưng đến khi dự thảo xây dựng xong lại không có sự đối chiếu, rà soát với các đối tượng này lần nữa.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, đồng chí cũng đề nghị bổ sung vào Chương trình XDL, PL năm 2025 nội dung sửa đổi, điều chỉnh 2 pháp lệnh, gồm: Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được UBTVQH thông qua năm 1994, được sửa đổi, bổ sung bởi Pháp lệnh số 05/2012 ngày 20/10/2012 và Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020 được UBTVQH14 thông qua ngày 9/12/2020.
Đồng chí đã phân tích trường hợp bà Phan Thị Hanh, mẹ liệt sỹ Lê Đức Hải ở Quảng Bình, lớn lên đã chịu nỗi đau mất cha từ nhỏ (cha là liệt sỹ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước). Trải qua tuổi thơ thiếu vắng cha, lớn lên trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, gian khổ, bà trưởng thành, lập gia đình sinh được 2 người con, trong đó có 1 người con trai duy nhất hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ vào tháng 10/2020 tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, được phong tặng liệt sỹ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 2, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (Quy định nêu: Có 2 con trở lên là liệt sỹ; (2)-Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; (3)-Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ; (4)-Có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ;...), thì bà chưa đủ điều kiện được tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Theo đại biểu, đây chỉ là một trong số nhiều bà mẹ là con của gia đình có công, rồi sau này tiếp tục có con là liệt sỹ trong thời bình, trong số đó có những liệt sỹ là bác sỹ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Nếu chiếu theo quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh, các bà mẹ có con hy sinh trong thời bình rất khó đủ điều kiện để được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự này. Ý kiến cũng nhấn mạnh, với việc quy định chính sách dân số của Đảng và Nhà nước hiện nay, mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con, việc một người con là liệt sỹ là nỗi đau không gì bù đắp nổi, xứng đáng được tri ân, tôn vinh.
Đồng chí cũng đề nghị cần mở rộng điều chỉnh đối với bà mẹ có con là liệt sỹ, bản thân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước thời bình. Sửa đổi Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là để kịp thời tri ân, an ủi linh hồn những liệt sỹ đã khuất, những bà mẹ vừa có con là liệt sỹ, vừa có nhiều đóng góp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Ý kiến đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh theo hướng điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn để mở rộng đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Đối với Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được UBTVQH14 thông qua ngày 9/12/2020 (được quy định cụ thể tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021) cũng là một chính sách đặc biệt của Đảng và Nhà nước nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của người dân, có nhiều phản ánh: Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, nhiều người đã hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ, nhưng đối chiếu với quy định hiện nay của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản pháp luật liên quan thì họ không nằm trong đối tượng được công nhận là liệt sỹ.