Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

  • 06:11, 02/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Chiều nay, 2/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, tổ đại biểu Quốc hội 12 gồm đại biểu các tỉnh Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Tiền Giang đã thảo luận ở tổ đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên họp sáng 2/11.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên họp sáng 2/11.
Góp ý về các quy định đối với chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết, đến nay, cả nước có trên 300.000 đơn vị với khoảng 4,5 triệu lao động bị chậm đóng, nợ đóng BHXH. Tình trạng doanh nghiệp có số tiền chậm đóng BHXH tăng qua các năm. Số tiền chậm đóng từ 3 năm trở lên chiếm trên 34% tổng số tiền chậm đóng.
 
Nguyên nhân tình trạng này, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường là do trách nhiệm các cơ quan nhà nước chưa thực hiện tốt; tính tuân thủ của nhiều người lao động (NLĐ) còn chưa cao; thiếu cơ chế để NLĐ tham gia, giám sát việc đóng BHXH cho mình. Quy định để công đoàn thay mặt NLĐ khởi kiện chưa thực sự đi vào cuộc sống; chưa tích cực xử lý với hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH; quy định pháp luật còn bất cập càng làm cho việc xử lý trốn đóng, nợ BHXH trở nên khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tham gia thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tham gia thảo luận tại tổ.
Phân tích một số bất cập trong Điều 36, quy định để phân định “tội trốn đóng BHXH” và “chậm đóng BHXH”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: Khó để phân định yếu tố “gian dối” trong hành vi “trốn đóng” với hành vi “chậm đóng” và “không có khả năng đóng” do doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, trường hợp cá nhân trốn đóng BHXH thì chưa biết xử lý như thế nào? 
 
Từ những bất cập nêu trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại, đặc biệt đối với những vấn đề bất cập mà Ủy ban Xã hội, cơ quan thẩm tra đã nêu ra để có sự chỉnh lý phù hợp từ cơ quan soạn thảo.
 
Tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nêu ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đến phương án rút BHXH một lần… Cụ thể, đối với việc rút BHXH một lần, theo đại biểu, cần tôn trọng quyền của NLĐ tham gia đóng BHXH. Tuy nhiên, cần có chính sách để NLĐ thấy được tham gia đóng BHXH mang lại lợi ích mới hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Đại biểu đề xuất dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nên đưa ra nhiều phương thức để cho người đóng bảo hiểm lựa chọn.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại tổ chiều 2/11
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại tổ chiều 2/11.
Bên cạnh việc nhất trí mở rộng đối tượng tham gia đóng bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng cần cân nhắc thận trọng để dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bảo đảm tính khả thi. Đại biểu cũng đề nghị nên khuyến khích chính sách giữ BHXH của người đã mất để cho thân nhân của họ; bổ sung quy định cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy của Quỹ Hưu trí vì dự thảo luật còn quy định khá sơ sài.
Ngọc Mai

tin liên quan

"Tổng kết toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm"
"Tổng kết toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm"

(QBĐT) - Đó là nội dung ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại hội nghị của Đoàn khảo sát (nhóm 2) Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khảo sát các nội dung tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) 40 năm qua ở Việt Nam tổ chức vào chiều nay, 2/11.

Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh
Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh

(QBĐT) - Chiều nay, 2/11, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì. 

Đoàn công tác Trung ương khảo sát tại các doanh nghiệp
Đoàn công tác Trung ương khảo sát tại các doanh nghiệp

(QBĐT) - Sáng nay, 2/11, đoàn khảo sát (nhóm 2) Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) 40 năm qua ở Việt Nam do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) Quảng Bình.